Vì sao tỷ giá tăng trong 2 ngày qua, liệu có đột biến?
- Tâm Sáng
- •
Trong vài ngày qua, tỷ giá tại các ngân hàng và thị trường tự do đều tăng mạnh, với mức tăng 1% chỉ trong 3 ngày là điều đáng lo ngại. Đây có lẽ đã thành quy luật, cứ mỗi cuối năm tỷ giá lại tăng làm ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất và tiêu dùng. Nên nhìn nhận xu hướng này như thế nào cũng là câu hỏi của nhiều người hiện nay.
Đầu tuần, ngày 15/11 khởi đầu cho việc tỷ giá bắt đầu tăng nhẹ, hầu hết các ngân hàng đều tăng từ 5 đến 10 đồng cả mua vào, bán ra. Đơn cử là Vietcombank tăng 10 đồng ở cả 2 chiều mua vào, bán ra lên mức 22.310/22.380 đồng/USD.
Đến ngày 16/11, tỷ giá đã thực sự tăng mạnh khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm USD/VND áp dụng cho ngày 16/11 là 22.093 đồng tăng 7 đồng so với ngày 15/11, thì các ngân hàng thương mại đã gần như đồng loạt tăng 10 đồng/USD vào buổi sáng và tăng tiếp 25 đồng vào buổi chiều so với ngày 15/11. Tổng cộng cả ngày 16 đã tăng 35 đồng/USD.
Cụ thể Vietcombank nâng giá mua bán USD lên 22.345 – 22.415 đồng, cao hơn 40 đồng so với ngày 15/11. Riêng Techcombank đưa giá bán cao hơn Vietcombank lên 22.430 đồng. Các ngân hàng khác như BIDV, VietinBank có giá tương tự.
Trong khi đó, ở thị trường tự do cũng tăng mạnh, tại TP HCM nâng mức giao dịch ngày 16/11 lên 22.450 – 22.510 đồng.
Đến ngày 17/11, Thời báo Ngân hàng giật tít bài “Các ngân hàng đua nhau tăng giá USD”. Tỷ giá trung tâm đã vượt mốc 22.100 đồng/USD, tiếp tục được NHNN tăng 8 đồng lên mức 22.101 đồng/USD. Giá USD tại các NHTM cũng tăng thêm từ 35-65 đồng. Cụ thể, Vietcombank tăng mạnh 65 đồng mỗi chiều mua – bán lên mức 22.375/22.445 đồng/USD. Các ngân hàng khác cũng tăng tương tự. Hiện giá bán phổ biến tại các ngân hàng đang ở mức 22.445-22.450 đồng/USD.
Như vậy, ngày 17/11, tỷ giá trung tâm ở mức 22.101 đồng/USD, với biên độ +/-3% đang được áp dụng, thì tỷ giá trần mà các ngân hàng được áp dụng là 22.764 đồng/USD và tỷ giá sàn là 21.438 đồng/USD.
Trên thị trường tự do tại Hà Nội sáng 17/11 lúc 9h, đồng USD cũng tăng mạnh ở mức 22.600 đồng/USD mua vào và bán ra là 22.620 đồng/USD.
Thị trường quốc tế ngày 17/11
Năm giờ sáng ngày 17/11, giờ Hà Nội, chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động USD với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tăng 0,16% so với phiên liền trước lên 100,30 điểm.
Việc DXY tiếp tục tăng trên ngưỡng 100 điểm cho thấy sức mạnh của USD ngày càng được củng cố do thị trường tài chính Mỹ tăng vọt từ sau khi tỷ phú Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Cụ thể, 1 euro đổi 1,0702 USD tăng so với mức USD 1 euro đổi 1,0723 USD cùng giờ sáng qua. So với bảng Anh, giá USD tăng thành 1,2443 USD đổi 1 bảng Anh so với mức 1,2448 USD đổi 1 bảng Anh.
Chỉ duy nhất so với yen Nhật, giá USD giảm còn 108,84 yen đổi 1 USD so với mức 109,05 yen đổi 1 USD.
Vì sao USD tăng giá ?
Thực tế từ sau khi ông Donald Trump chính thức trúng cử, đồng đôla liên tục tăng giá. Donald Trump là tổng thống giàu nhất mọi thời đại, là một doanh nhân đầy kinh nghiệm, năm 1974 tức 42 năm trước ông đã lập công ty bất động sản thành công ở New York. Sau đó ông đã liên tục phát triển kinh doanh thắng lợi trong nhiều lĩnh vực để trở thành tỷ phú với hơn 4 tỷ USD.
Vì vậy các nhà đầu tư suy đoán chính sách của tân Donald Trump sẽ thúc đẩy tiêu dùng, gia tăng lạm phát và khả năng Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nâng lãi suất đồng USD sớm nhằm thắt chặt tiền tệ trong tháng 12 này. Thực tế, chỉ mấy ngày qua, lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đạt mức kỷ lục tăng vọt lên mức cao 2,3%/năm và được dự báo có thể lên mức 2,5%.
Đó là các lý do khiến giá USD tăng mạnh trên thị trường quốc tế. Trong khi đó, đồng Nhân dân tệ giảm giá rơi xuống mức thấp nhất 8 năm qua, do dòng tiền đang tháo chạy khỏi Trung Quốc. Phiên giao dịch ngày 16/11, đồng Nhân dân tệ đánh mất 0,19% giá trị so với USD, giảm phiên thứ 5 liên tiếp. Mỗi USD đổi được 6,8694 nhân dân tệ, đánh dấu ngày giảm giá thứ 5 liên tiếp. Vì vậy, có khoảng 44,7 tỷ USD đã được rút khỏi thị trường Trung Quốc thông qua các giao dịch bằng đồng Nhân dân tệ.
Sự tháo chạy dòng tiền khỏi Trung Quốc cũng đồng nghĩa với quốc gia này sẽ đối mặt thêm với những khó khăn về suy thoái kinh tế, giảm việc làm, thị trường kém hấp dẫn nhà đầu tư. Sự ảnh hưởng của quốc gia tiêu dùng lớn nhất thế giới sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này.
Lý do nội tại thị trường Việt Nam
Một trong những nguyên nhân khiến giá USD tăng, là do nhu cầu thanh toán hàng nhập khẩu như xăng dầu, máy móc thiết bị… của các doanh nghiệp (DN) trong nước có nhu cầu ngoại tệ thanh toán vàng nhập khẩu khá cao.
Bên cạnh đó, nhu cầu chuyển lợi nhuận của các công ty nước ngoài cũng bắt đầu gia tăng cũng làm tăng nhu cầu USD. Trong khi đó, nguồn cung USD đang có dấu hiệu giảm sút. Kiều hối, nguồn vốn đầu tư nước ngoài chuyển vào đã giảm đi so với đầu năm…
Trong khi đó tháng 10 lại nhập siêu, có thể các tháng tiếp theo cũng sẽ nhập siêu vì nhập hàng phục vụ Tết tăng cao, điều này cũng làm ảnh hưởng thâm hụt cán cân thanh toán.
Đồng Việt Nam có thể đang được định giá cao
Tuy nhiên cũng nhiều chuyên gia có ý kiến tỷ giá USD tại Việt Nam đã ngủ đông, định giá cao quá lâu, khiến chỉ lợi cho hàng nhập khẩu và thiệt cho hàng xuất khẩu.
Cụ thể, trong khi lạm phát từ 2011 đến nay theo cấp số cộng là 43,92%. Năm 2011 là 18,3%; năm 2012 là 9,3%; năm 2013 là 6,6%; Năm 2014 là 4,09%; Năm 2015 0,63 % và năm 2016 dự kiến 5%.
Trong khi đó từ năm 2011 đến nay, tỷ giá đồng Việt Nam/ USD thay đổi thấp hơn nhiều. Nếu giả sử lấy tỷ giá mua vào – bán ra USD bằng tiền mặt của Vietcombank làm số liệu tính đại diện cho thị trường ngân hàng, thì theo công bố của trang web Vietcombank, tỷ giá ngày 17/11 của 5 năm trước như sau:
Ngày 17/11/ 2012, mua vào 20.835 đồng/ USD ; bán ra 20.885 đồng/USD.
Ngày 17/11/ 2013, mua vào 21.080 đồng/ USD ; bán ra 21.120 đồng/USD.
Ngày 17/11/ 2014, mua vào 21.325 đồng/ USD ; bán ra 21.375 đồng/USD.
Ngày 17/11/ 2015, mua vào 22.420 đồng/ USD ; bán ra 22.500 đồng/USD.
Ngày 17/11/ 2016, mua vào 22.375 đồng/ USD ; bán ra 22.445 đồng/USD.
Nhìn số liệu cho thấy tỷ giá đã quá ổn định, thậm chí năm 2016 còn thấp hơn năm 2015 vào cùng ngày 17/11 nay. Điều đó cho thấy giá trị Việt Nam đồng đã bị phản ánh quá cao so với lạm phát, đáng lẽ qua 5 năm VND phải bị mất giá 44%, nhưng thực tế chỉ mất giá có 7,5%.
Với tỷ giá này đã làm cho hàng nhập khẩu rẻ, hàng nội địa đắt. Đó cũng góp phần giải thích vì sao thịt gà Việt đắt hơn thịt gà Mỹ, vì sao hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng rất chậm trong những năm qua, đặc biệt năm 2016 đang rất khó khăn. Có nhiều nguyên nhân tác động, nhưng tỷ giá cũng chiếm một phần trách nhiệm.
Như vậy, tuy rằng áp lực tăng tỷ giá hiện tại không lớn, nhưng nếu để kích thích xuất khẩu, để hàng Việt Nam rẻ hơn thì cũng cần thận trọng, linh hoạt hơn trong điều hành tỷ giá. Tuy nhiên việc nới lỏng tỷ giá không nên thực hiện vào dịp cuối năm này, vì nó sẽ bị cộng hưởng với các nhân tố khác sẽ làm ảnh hưởng đến sản xuất, tiêu dùng và cuộc sống của người dân vào dịp Tết âm lịch này.
Tâm Sáng
Xem thêm:
Từ khóa Vietcombank Tỷ giá thị trương Tiền đô USD