Theo Cục Trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) Huỳnh Tấn Đạt, Việt Nam hiện đang là quốc gia đứng thứ 6 trên thế giới về sản lượng dừa. “Việc mở cửa thị trường Trung Quốc cho dừa tươi Việt Nam là một cơ hội vàng”, ông Đạt nhận định.

viec mo cua thi truong trung quoc cho dua tuoi viet nam la mot co hoi vang
Ký kết hợp đồng mua bán dừa giữa doanh nghiệp Trung Quốc và Việt Nam. (Ảnh: Huyền Trang/huunghi.bentre.gov.vn)

Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho biết Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) vừa phê duyệt vùng trồng và cơ sở đóng gói dừa của tỉnh Trà Vinh.

Theo đó, tỉnh có 9 vùng trồng dừa với tổng diện tích trên 1.240ha và 2 cơ sở đóng gói đã được cấp mã số xuất khẩu, đủ điều kiện xuất khẩu dừa tươi sang thị trường Trung Quốc.

Cụ thể, các vùng trồng dừa được cấp mã số xuất khẩu gồm ấp Rạch Nghệ (xã Thông Hòa) 150ha và ấp Ngọc Hồ (xã Tam Ngãi) gần 111ha ở huyện Cầu Kè.

Tại huyện Càng Long có vùng trồng dừa ấp Bình Hội (xã Huyền Hội) trên 112ha; Vạn Hưng (xã Bình Phú) trên 130ha; ấp Rạch Dừa (xã Đại Phước) trên 63ha.

Huyện Châu Thành có các vùng trồng: ấp Sóc Thát trên 173ha và ấp Bến Có gần 159ha ở xã Nguyệt Hóa; ấp Bót Chếch gần 137ha và ấp Ô Chích B trên 206ha ở xã Lương Hòa.

Hai cơ sở đóng gói được cấp mã số xuất khẩu là Chi nhánh Công ty Cổ phẩn Zaria Xanh, xã Phong Phú, huyện Cầu Kè và Chi nhánh Công ty Cổ phần năng lượng tái tạo Ecotech Việt Nam, xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành.

Ông Trần Trường Giang, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, cho biết hiện tỉnh cũng đang đề nghị Cục Bảo vệ thực vật xem xét, đàm phán với Trung Quốc để tiếp tục cấp mã số vùng trồng xuất khẩu đối với 8 vùng trồng dừa của hơn 1.000 hộ dân ở xã Long Thới, huyện Tiểu Cần trên tổng diện tích hơn 450ha.

Trà Vinh hiện có khoảng 90.000 hộ trồng dừa trên 27.390ha với gần 7 triệu cây; tập trung nhiều nhất ở huyện Càng Long, Tiểu Cần và Cầu Kè. Diện tích trồng dừa của Trà Vinh đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau tỉnh Bến Tre, với sản lượng khoảng 444 triệu quả/năm.

Tại Bến Tre, hiện tỉnh có 133 vùng trồng và 14 cơ sở đóng gói dừa tươi được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Tại tỉnh Tiền Giang, công ty cổ phần FADO iExport vừa phối hợp Hợp tác xã Hưng Thịnh Phát tổ chức xuất khẩu lô hàng dừa chính ngạch đầu tiên sang Trung Quốc, với 60.000 trái, trọng lượng khoảng 65 tấn.

Dừa được bảo quản lạnh ổn định 2-3 độ C, độ ẩm 30% trong suốt quá trình vận chuyển. Sau lô hàng đầu tiên, các doanh nghiệp tại Tiền Giang sẽ xuất mỗi ngày một container khoảng 20.000 trái dừa sang thị trường Trung Quốc.  Tiền Giang có diện tích trồng dừa hơn 21.600ha.

Theo Cục Trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt, Việt Nam hiện đang là quốc gia đứng thứ 6 trên thế giới về sản lượng dừa, với khoảng 1,9 triệu tấn mỗi năm, trong đó, Bến Tre đóng góp 688 triệu trái.

Theo ông Đạt, việc mở cửa thị trường Trung Quốc cho dừa tươi Việt Nam là một cơ hội vàng. Với dân số hơn 1,4 tỷ người và nhu cầu nội địa chỉ đáp ứng được khoảng 10%, Trung Quốc đang là thị trường tiềm năng lớn cho sản phẩm dừa.

“Nếu tận dụng tốt cơ hội này thì xuất khẩu dừa sang Trung Quốc có thể đem lại thêm 200-300 triệu USD trong năm 2024 và góp phần đưa tổng kim ngạch xuất khẩu dừa của Việt Nam sớm đạt mốc 1 tỷ USD trong thời gian tới”, ông Đạt cho hay.

Minh Long