Việt Nam khẳng định kinh tế tư nhân là ‘động lực quan trọng nhất’
- Minh Long
- •
Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư Tô Lâm ký, xác định kinh tế tư nhân là động lực lớn của Việt Nam, với mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030.
- ĐCSTQ ủng hộ kinh tế tư nhân là giả, mà thao túng để thu hoạch mới là thật
- Trung Quốc thành lập ban chuyên trách kinh tế tư nhân, hy vọng cứu vãn nền kinh tế

Ngày 4/5, Tổng Bí thư Tô Lâm ký Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, nhấn mạnh kinh tế tư nhân là một trong những yếu tố chính giúp Việt Nam phát triển.
Việt Nam hiện có hơn 940.000 doanh nghiệp tư nhân và hơn 5 triệu hộ kinh doanh, đóng góp khoảng một nửa GDP, hơn 30% ngân sách Nhà nước, và tạo việc làm cho 82% lực lượng lao động. Một số doanh nghiệp đã xây dựng được tên tuổi, không chỉ trong nước mà còn ở thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, doanh nghiệp tư nhân vẫn gặp nhiều trở ngại như việc tiếp cận vốn, công nghệ, đất đai hay nhân lực chất lượng cao còn khó khăn; Pháp luật đôi khi chưa rõ ràng, chi phí kinh doanh còn cao, và một số chính sách hỗ trợ chưa thực sự hiệu quả…
Nghị quyết đề ra 5 nguyên tắc cơ bản. Kinh tế tư nhân được xem là lực lượng quan trọng để tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam. Nhà nước sẽ tập trung xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, giảm bớt rào cản hành chính. Doanh nghiệp sẽ được tự do kinh doanh trong các lĩnh vực pháp luật cho phép, với quyền sở hữu tài sản và cơ hội tiếp cận nguồn lực được bảo đảm. Đồng thời, việc đào tạo doanh nhân có đạo đức, hiểu biết và trách nhiệm xã hội cũng được chú trọng.
Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 2 triệu doanh nghiệp tư nhân, tức khoảng 20 doanh nghiệp trên 1.000 người, với ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Khu vực này dự kiến đóng góp 55-58% GDP, 35-40% ngân sách Nhà nước, và tạo việc làm cho 84-85% lực lượng lao động. Tốc độ tăng trưởng bình quân được kỳ vọng đạt 10-12%/năm, năng suất lao động tăng 8,5-9,5%/năm. Về công nghệ, kinh tế tư nhân của Việt Nam hướng đến vị trí top 3 ASEAN và top 5 châu Á.
Đến năm 2045, mục tiêu là có 3 triệu doanh nghiệp, đóng góp trên 60% GDP, với khả năng cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường quốc tế.
Nghị quyết đưa ra 8 giải pháp để hỗ trợ kinh tế tư nhân, gồm:
Thay đổi cách nhìn nhận, tạo niềm tin cho doanh nghiệp tư nhân phát triển;
Sửa đổi luật pháp, đảm bảo quyền kinh doanh và cạnh tranh công bằng. Năm 2025, giảm tối thiểu 30% thời gian làm thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ pháp luật và điều kiện kinh doanh;
Giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận đất đai, vốn, nhân lực, với chính sách giảm 30% tiền thuê đất trong 5 năm đầu;
Khuyến khích ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo và kinh doanh bền vững;
Kết nối doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp nước ngoài;
Hỗ trợ hình thành các doanh nghiệp lớn, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế;
Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh, khuyến khích chuyển đổi thành doanh nghiệp, bỏ thuế khoán trước năm 2026;
Khuyến khích đạo đức kinh doanh và tạo cơ hội để doanh nhân tham gia quản trị đất nước.
Từ khóa kinh tế tư nhân Tổng bí thư Tô Lâm
