Việt Nam sẽ chịu tác động lớn nhất nếu chiến tranh Triều Tiên xảy ra
Các nhà kinh tế của hãng đánh giá tín nhiệm Moody’s cảnh báo Việt Nam và Nhật Bản là hai nước sẽ hứng chịu tác động lớn nhất về kinh tế nếu xung đột quân sự trên bán đảo Triều Tiên nổ ra.
Trong bản báo cáo Các Quốc Gia (Sovereigns) vừa công bố hôm 3/10, Moody’s đánh giá Việt Nam và Nhật Bản sẽ là những quốc gia bên ngoài chịu ảnh hưởng nặng nề nhất nếu hai miền Triều Tiên nổ ra xung đột. Điều này được lý giải bằng sự phụ thuộc kinh tế ngày càng chặt chẽ của Việt Nam vào chaebol Hàn Quốc cũng như ràng buộc kinh tế Việt Nam với các nước trực tiếp liên quan tới xung đột.
Báo cáo cũng cho rằng kinh tế Trung Quốc, Mỹ bị ảnh hưởng ít hơn.
Một cuộc chiến nổ ra trên bán đảo Triều Tiên sẽ khiến xuất khẩu vào Nam Hàn của Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Chuyên gia Anushka Shah làm việc tại Trung tâm Dịch vụ Đầu tư Moody’s tại Singapore, lĩnh vực đầu tiên bị ảnh hưởng bởi xung đột là xuất khẩu của Việt Nam. Bà Anushka Shah nói: “Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu phi hàng hóa nhiều nhất vào Hàn Quốc, chiếm tới gần 6% GDP. Đây rõ ràng là yếu tố trực tiếp có thể làm giảm tiêu thụ nội địa cũng như đầu tư”.
“Khi chúng tôi xem xét về xuất khẩu từ Hàn Quốc vào Việt Nam, lĩnh vực máy móc điện tử, trang thiết bị là rất quan trọng. Tiếp đến là quần áo và các mặt hàng trung gian như các sản phẩm công nghệ thông tin là những lĩnh vực chính sẽ chịu tác động nặng”, bà Shah nói.
Moody’s cho rằng nguồn đầu tư nước ngoài (FDI) giảm từ Hàn Quốc cũng sẽ có tác động lớn đến kinh tế Việt Nam, vốn dựa khá nhiều vào nguồn vốn này.
“FDI rất quan trọng đối với Việt Nam khi đánh giá về độ tín nhiệm. Cho đến nay, FDI của Việt Nam khá mạnh. Nhưng có đến 25% FDI đến từ Hàn Quốc nên nếu có xung đột xảy ra, chắc chắc đây sẽ là khu vực bị ảnh hưởng nặng”, bà Anushka Shah nói.
Nhà nước Việt Nam vừa tuyên bố tốc độ tăng GDP quý III tăng đột xuất là 7,46% (trong khi đó tốc độ tăng 6 tháng đầu năm chỉ là 5,73%), được cho là nhờ tác động kéo theo do tập đoàn Samsung ra mắt thành công sản phẩm điện thoại Galaxy Note 8. Ước tính giá rị xuất khẩu của Samsung từ các nhà máy Việt Nam là 50 tỷ USD trong cả năm 2017, chiếm tới 22,7% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Báo cáo của Moody’s cho rằng cứ 10% sụt giảm GDP của Hàn Quốc sẽ kéo theo khoảng 0,7% đến 1,0% sụt giảm GDP của Việt Nam.
Ngoài ra, theo đánh giá của Moody’s, với gánh nặng nợ hiện nay, chính phủ Việt Nam sẽ không có đủ vùng đệm để tránh sốc cho nền kinh tế khi sức mạnh tài chính suy yếu.
Theo chuyên gia Anushka Shah, sở dĩ Việt Nam chịu tác động nặng nhất vì không có nội lực tài chính: “Hồng Kông, Singapore, Đài Loan cũng đều chịu tác động vì họ có nhiều tương tác với các bên. Nhưng họ lại có độ tín nhiệm cao hơn Việt Nam bởi vì họ có được vùng đệm tài chính lớn, điều mà Việt Nam không có. Chẳng hạn về mặt tài chính, Việt Nam gần như không có tốc độ tài chính vì nợ công quá lớn. Vì vậy, tôi cho rằng khả năng về chính sách để có thể đối phó với xung đột là rất giới hạn”.
Năm 2016, tổng nợ của chính phủ Việt Nam chiếm đến 52,6% GDP. Đặc biệt, với mức nợ công chiếm đến 63,5% GDP, báo cáo của Moody’s nói các nhà làm chính sách của Việt Nam sẽ phải đối diện với “những khó khăn đáng kể” trong việc lên kế hoạch “giảm xóc” và đối phó với cú sốc kinh tế khi có xung đột.
Hơn nữa, hàng hóa nhập từ Hàn Quốc đóng một vai trò rất quan trọng đến nền kinh tế Việt Nam. Moody’s nói Việt Nam là quốc gia “dễ tổn thương nhất” đối với bất kỳ sự gián đoạn cung ứng toàn cầu nào từ Hàn Quốc.
Theo báo cáo, có khoảng 20% sản phẩm trung gian của Việt Nam được nhập từ Hàn Quốc. Báo cáo dẫn nguồn từ Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết trong nửa đầu năm 2017, Việt Nam nhập chủ yếu sản phẩm công nghệ thông tin và linh kiện điện tử từ Hàn Quốc. Nếu bị gián đoạn nguồn cung ứng, Việt Nam có nguy cơ cao chịu tác động xấu đối với thương mại và sản xuất nội địa.
Một yếu tố khác, kinh tế Việt Nam tương tác với tất cả quốc gia có liên quan trong xung đột như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, dẫn đến nguy cơ từ những tổn thất kinh tế của các nước này. Xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ chiếm khoảng 19% GDP của Việt Nam, vào Trung Quốc chiếm khoảng 11% và vào Nhật chiếm khoảng 7% GDP.
Đức Trí (T/h)
Xem thêm:
Từ khóa Chiến tranh Triều Tiên Bắc Hàn Việt Nam