Việt Nam thúc đẩy đầu tư xây dựng hãng sản xuất chip đầu tiên
- Lý Ngôn
- •
Việt Nam đang đàm phán với các công ty chip (đĩa bán dẫn/wafer) với mục đích để tăng cường đầu tư vào Việt Nam, hy vọng có thể xây dựng hãng sản xuất chip đầu tiên tại Việt Nam.
Việt Nam, một trung tâm sản xuất điện tử Đông Nam Á, đã có nhà máy thử nghiệm và đóng gói chất bán dẫn của ‘gã khổng lồ’ Intel (Mỹ) lớn nhất thế giới, cũng là nơi đặt trụ sở của một số công ty phần mềm thiết kế chip. Việt Nam đang phát triển chiến lược thu hút nhiều hơn vào đầu tư chip, bao gồm cả xưởng đúc tập trung vào sản xuất chip.
Người phụ trách Văn phòng Hội đồng Thương mại Mỹ-ASEAN (USABC) tại Việt Nam là ông Vũ Tú Thanh nói với Reuters rằng những tuần gần đây đã xúc tiến các cuộc họp với 6 công ty sản xuất chip của Mỹ. Ông từ chối nêu tên các công ty cụ thể, vì các cuộc đàm phán vẫn đang ở giai đoạn sơ bộ.
Một giám đốc điều hành (giấu tên) hãng chip cho biết, các cuộc đàm phán với các nhà đầu tư tiềm năng có sự tham gia của Global Foundries – một công ty sản xuất chip lớn của Mỹ, và nhà sản xuất chip Đài Loan Powerchip (PSMC).
Giám đốc điều hành này cho biết thêm, mục tiêu là xây dựng nhà máy wafer đầu tiên của Việt Nam, có khả năng tạo ra những con chip kém tiên tiến hơn, được sử dụng trong các ứng dụng ô tô hoặc viễn thông.
Cuộc gặp diễn ra sau sự nâng cấp mang tính lịch sử trong quan hệ chính thức giữa Việt Nam và Mỹ. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến thăm Hà Nội vào tháng 9, Nhà Trắng gọi Việt Nam là “nhân tố chủ chốt” tiềm năng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu.
Theo một nguồn tin gần gũi vấn đề này, hãng thiết kế chip Global Foundries cho biết đã tham dự một hội nghị thượng đỉnh kinh doanh hạn chế trong chuyến thăm của Tổng thống Biden theo lời mời của chính tổng thống, nhưng sau đó không bày tỏ vấn đề quan tâm đến việc đầu tư vào Việt Nam.
Các quan chức liên quan nói rằng cuộc họp ở giai đoạn này chủ yếu nhằm kiểm tra sự quan tâm của các công ty trong việc đầu tư vào Việt Nam, qua đó thảo luận về các ưu đãi và trợ cấp có thể như vấn đề cung cấp điện, cơ sở hạ tầng và nguồn lao động được đào tạo.
Việt Nam hy vọng vào cuối thập niên này sẽ xây dựng được nhà máy sản xuất tấm wafer đầu tiên. Hôm thứ Hai (30/10), Chính phủ Việt Nam cho biết các công ty sản xuất chip sẽ được hưởng lợi từ “những ưu đãi cao nhất hiện có tại Việt Nam”.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất chip, còn dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam cũng đang tăng mạnh. Theo thống kê, từ tháng 1 – 10/2023 Việt Nam thu hút hơn 15,29 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, mức đầu tư tăng 54% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó khoảng 5,29 tỷ USD dành cho 1051 dự án hiện có.
Những tháng gần đây, Việt Nam được không ít nhà đầu tư [nước ngoài hàng đầu] đặc biệt quan tâm. Họ muốn chuỗi cung ứng của họ được đa dạng hóa và tránh xa Trung Quốc. Vì vậy, nước Đông Nam Á này đã công bố ngày càng nhiều dự án đầu tư, bao gồm cả cam kết của hãng điện tử Đài Loan Foxconn sẽ đầu tư 200 triệu USD để xây dựng một nhà máy mới tại tỉnh Quảng Ninh của Việt Nam.
Dữ liệu GlobalData cho thấy, trong năm 2022 với bối cảnh niềm tin suy yếu vào Trung Quốc của giới doanh nghiệp phương Tây thì đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, Malaysia và Philippines tăng trưởng mạnh mẽ. Tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào 3 nước cộng lại tăng 61,3% hàng năm, so với năm 2021 thì số lượng dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng gần gấp đôi.
Từ khóa sản xuất chip