Chồng của cựu Chủ tịch Quốc hội Mỹ Nancy Pelosi đã bán cổ phiếu của Visa vào thời điểm nhạy cảm, vì sau đó 2 tháng, Bộ Tư pháp Mỹ đệ đơn kiện.

shutterstock 579548548
Bà Nancy Pelosi, và chồng, ông Paul Pelosi tại Trung tâm Hội nghị Los Angeles vào ngày 10/2/2017 ở Los Angeles (Ảnh: Kathy Hutchins / Shutterstock)

Vào tháng 7, chồng của bà Pelosi đã bán 2000 cổ phiếu Visa. Vài tuần sau, Bộ Tư pháp Mỹ đã đệ đơn kiện ‘gã khổng lồ’ thanh toán này, cáo buộc họ độc quyền thị trường thẻ ghi nợ.

Giao dịch tổng trị giá ít nhất 500.000 USD này đến vào thời điểm “có vấn đề”, làm dấy lên nghi ngờ về chiến lược đầu tư của cựu Chủ tịch Hạ viện và chồng bà là nhà đầu tư, cáo buộc họ những năm qua đã tích lũy được khối tài sản đáng kể thông qua các chiến lược kiểu này.

Dư luận đồn đoán rằng họ có quá nhiều quyền lực, qua đó biết trước những thông tin nội bộ, giúp họ tránh thiệt hại từ cổ phiếu do kiện tụng, chẳng hạn như trong vụ Visa bị Bộ Tư pháp kiện.

Nhưng họ luôn bác bỏ các cáo buộc.

Người phát ngôn của bà Pelosi đã nhiều lần nhấn mạnh bà “không nắm giữ bất kỳ cổ phiếu nào”, mọi hoạt động chuyển tiền đều do chồng bà là ông Paul thực hiện. Bà Pelosi cũng đã cung cấp hồ sơ giao dịch của chồng cho Quốc hội Mỹ thông qua các báo cáo giao dịch định kỳ.

Một giao dịch nhạy cảm khác

Ngày 24/9, Bộ Tư pháp Mỹ đã đệ đơn kiện chống độc quyền đối với Visa, cáo buộc hãng này có hành vi phản cạnh tranh và độc quyền thị trường thẻ ghi nợ. Bộ Tư pháp cáo buộc Visa trả tiền bất hợp pháp cho các đối thủ cạnh tranh để ngăn họ tham gia thị trường và hạn chế đổi mới. Kết quả là Visa kiểm soát khoảng 60% thị trường thanh toán thẻ ghi nợ và kiếm được khoảng 7 tỷ USD mỗi năm từ phí xử lý thẻ.

Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland cho biết tại một cuộc họp báo: “Chúng tôi cáo buộc Visa đã giành được quyền thu phí vượt xa mức hợp lý trong một thị trường cạnh tranh. Những chi phí này cuối cùng được các thương gia và ngân hàng chuyển sang người tiêu dùng thông qua giá cao hơn hoặc chất lượng dịch vụ thấp hơn, ảnh hưởng đến giá của hầu hết hàng hóa”.

Giá cổ phiếu của Visa giảm mạnh sau khi Bộ Tư pháp Mỹ công bố vụ kiện, nhưng trong khi không ít nhà đầu tư bị thiệt hại thì vợ chồng bà Pelosi không bị ảnh hưởng nhiều do trước đó đã bán số lượng lớn cổ phiếu của họ tại Visa.

Theo tài liệu mà bà Pelosi đệ trình lên Quốc hội Mỹ vào ngày 3/7, ông Paul chồng bà đã bán 2000 cổ phiếu Visa vào ngày 1/7, trị giá từ 500.000 – 1 triệu USD. Giao dịch này được phân loại là bán “một phần”, có nghĩa là không bán hết toàn bộ số cổ phiếu.

Tại thời điểm diễn ra giao dịch, dư luận không hề biết rằng Bộ Tư pháp Mỹ đang chuẩn bị khởi kiện Visa.

Trước đó vào tháng 12/2022 cũng diễn ra một giao dịch nhạy cảm khác của ông Paul, khi đó ông bán 30.000 cổ phiếu Google, giao dịch đó diễn ra trước một tháng khi ‘gã khổng lồ’ công nghệ Google bị kiện vì cáo buộc vi phạm luật chống độc quyền.

Cấm nhà lập pháp và vợ/chồng của họ giao dịch

Ngày càng nhiều người Mỹ tin rằng các nhà lập pháp và vợ/chồng của họ không nên giao dịch cổ phiếu, vì họ có lợi thế không công bằng thông qua mạng lưới mối quan hệ rộng khắp, giúp họ có thông tin nội bộ về hoạt động lập pháp tác động doanh nghiệp.

Doanh nhân công nghệ Christopher Josephs điều hành một tài khoản “Theo dõi cổ phiếu Pelosi” là người ủng hộ mạnh mẽ việc cấm các giao dịch kiểu này. Chia sẻ trên mạng xã hội X, ông kêu gọi dư luận chú ý đến các giao dịch của các chính trị gia như kiểu này.

Chỉ một ngày trước khi Bộ Tư pháp đệ đơn kiện, ngày 23/9 ông viết rằng thời điểm bà Pelosi bán cổ phiếu Visa là vấn đề “gây sốc”. Nhưng ông cũng nhấn mạnh trong một bài đăng sau đó: “Không có bằng chứng nào cho thấy giao dịch đó dựa trên cơ sở biết thông tin nội bộ”.

Để xóa bỏ những nghi ngờ, người phát ngôn của bà Pelosi một lần nữa nhắc lại rằng “bà Pelosi không hề biết trước và không tham gia vào bất kỳ giao dịch nào”.

Cựu luật sư tại Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) là Ron Geffner thừa nhận xung đột lợi ích có thể nảy sinh khi các chính trị gia tiết lộ các giao dịch, nhưng ông kiến nghị các nhà phê bình nên phân tích cẩn thận bối cảnh của giao dịch trước khi đưa ra kết luận. Ông nói với New York Post: “Trước khi dư luận phán xét bà Pelosi một cách không công bằng, điều quan trọng là phải làm rõ ai đã thay mặt bà ấy thực hiện các giao dịch này, cũng xem liệu đó có phải là một phần trong kế hoạch tái cân bằng danh mục đầu tư của bà ấy hay không”.

Bà Pelosi cũng tiết lộ một số giao dịch khác mà chồng bà đã thực hiện khi bán cổ phiếu Visa, bao gồm việc bán 2500 cổ phiếu Tesla trị giá 500.000 USD và mua 10.000 cổ phiếu Nvidia trị giá 5 triệu USD.