Vướng mắc thông tư, 5.400 tấn hải sản không xuất khẩu được
Quy định tại thông tư số 21, 36/2018 của Bộ NN&PTNT ban hành khiến 5.400 tấn hải sản bị ứ đọng.
Ngày 1/4, Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra các Bộ, cơ quan về các quy định đang gây khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tại buổi làm việc, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết hiện có khoảng 5.400 tấn hải sản không xuất khẩu được khi nhiều cảng cá không đủ điều kiện để xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác, do Bộ NN&PTNT ban hành thông tư số 21.
Ông Nguyễn Hoài Nam – Phó tổng thư ký VASEP thông tin theo thông tư số 21, cả nước hiện chỉ có 47/83 cảng cá đủ điều kiện xác nhận nguồn gốc.
“Nếu không công bố cảng thì không xuất khẩu được cá, nên Bộ cần có sự hỗ trợ địa phương để công nhận các cảng đạt chuẩn loại 1, loại 2” – ông Nam cho hay.
Bên cạnh đó, một vướng mắc khác cũng liên quan tới thủy sản nằm tại Thông tư 36 năm 2018.
Theo đó, các lô hàng nguyên liệu thủy sản nhập khẩu từ các cảng trung chuyển về Việt Nam phải nộp bản sao giấy xác nhận do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia nơi có cảng trung chuyển cấp. Quy định này được cho là không cần thiết, không khả thi, nhưng đang gây ách tắc cho nhiều container hàng thủy sản.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ NN&PTNT phải rút kinh nghiệm khi ban hành thông tư số 21 về công bố cảng cá chỉ định xác nhận thủy sản có nguồn gốc từ khai thác.
Bộ trưởng cho rằng đó là rào cản không cần thiết, thực ra chỉ có thủ tục xác nhận. Tàu đánh ở đại dương thì vào một cảng bất kỳ nào làm thủ tục xác nhận thủ tục để lấy nguyên liệu chế biến phục vụ xuất khẩu đều được. Quy định như thông tư 21 tự mình đặt khó khăn cho mình.
Tổ trưởng Tổ công tác cũng cho rằng nhiều thủ tục, quy định rất cần thiết về lý thuyết, nhưng cần xem xét trên thực tế có cần không.
“Cần xem xét năm vừa qua kiểm tra bao nhiêu lô hàng, phát hiện bao nhiêu vi phạm? Các nước đã có chứng nhận rồi thì mình có cần kiểm tra nữa không? Còn nếu cứ lý thuyết mà khẳng định là cần thì chúng ta đã không cần phải ngồi với nhau như thế này” – ông Dũng nói.
Đại diện Bộ NN&PTNT sau đó đã nêu hướng giải quyết với từng vấn đề, như sẽ bỏ yêu cầu bản sao giấy xác nhận trong Thông tư 36, đồng thời trong tháng 4 này sẽ công bố tiếp các cảng cá đủ điều kiện theo Thông tư 21,…
Cần sửa quy định nuôi lợn không ăn chuối, thỏ không ăn cà rốt
Một vấn đề khác cũng được Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề cập đến tại buổi làm việc đó là đề nghị Bộ NN&PTNT có ý kiến về Thông tư 02/2019 “Danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán và nguyên liệu đơn được phép lưu hành tại Việt Nam” – quy định nuôi lợn không được ăn cây chuối, thỏ không được ăn cà rốt,…
Giải thích, ông Nguyễn Xuân Dương – Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng quy định này chỉ áp dụng với thức ăn sản xuất thương mại chứ không áp dụng với các thức ăn tự cung tự cấp của nông hộ và khẳng định thông tư 02 “hoàn toàn đang vì doanh nghiệp, tạo cơ chế rất tốt”.
Ông Dương cho biết sẽ sửa đổi Thông tư 02 theo hướng điều chỉnh phạm vi áp dụng cho phù hợp hơn.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng không đồng tình cách điều chỉnh như vậy.
“Vấn đề ở đây là do cách tiếp cận, quy định ‘chọn cho’ tức là người dân chỉ được làm những gì luật cho phép thì sẽ dẫn tới bỏ sót. Cần quy định ‘chọn bỏ’, tức là người dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm” – ông Dũng yêu cầu sửa thông tư 02 theo hướng này.
Trước đó tháng 2/2019, Bộ NN&PTNT đã ký ban hành thông tư 02 quy định thức ăn được sử dụng cho chăn nuôi.
Theo danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán được phép lưu hành đính kèm thông tư, có 18 loại sản phẩm thức ăn chăn nuôi được Bộ NN&PTNT cho phép lưu hành, gồm: ngô, thóc, lúa mì, gluten, đậu tương, khô dầu, sắn, hạt các loại, thức ăn thô, phụ phẩm công nghệ chế biến các loại ngũ cốc DDGS (bã rượu khô), mía, các loại củ, các loại bã, thức ăn có nguồn gốc thủy sản, thức ăn có nguồn gốc động vật trên cạn, sữa và các sản phẩm từ sữa, dầu mỡ, dầu cá.
Những sản phẩm thức ăn chăn nuôi thông dụng như bèo tây, thân chuối, các loại rau (rau muống, rau lang, su hào, cà rốt)… không có trong danh mục trên. Theo cách áp dụng luật thành văn như hiện nay, có thể hiểu những loại thức ăn chăn nuôi nằm ngoài danh mục trên sẽ bị cấm sử dụng.
Chỉ thời gian ngắn, thông tư này gây xôn xao dư luận.
Vũ Hán
Xem thêm:
Từ khóa Bộ NN&PTNT hải sản ứ đọng thông tư số 21 thông tư số 36