Trong kế hoạch của Việt Nam trước năm 2030 xây dựng 10 tuyến cáp ngầm mới, nguồn tin thân thuộc với vấn đề này cho biết Mỹ đang cảnh báo Việt Nam tránh xa Huahai Communication Technology (HMN Tech) của Trung Quốc cũng như các công ty Trung Quốc khác. Giới quan sát cho rằng việc xây dựng tuyến cáp ngầm quốc tế đang là chiến trường mới nhất trong cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung.

Embed from Getty Images

Cáp quang biển SEA-ME-WE 5 tại Pháp. (Ảnh: BORIS HORVAT/AFP/Getty)

5 tuyến cáp quang biển chính của Việt Nam kết nối Internet toàn cầu đều đã cũ và thường xuyên bị hỏng, vì vậy việc xây dựng các tuyến cáp mới đã trở thành ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam.

7 nguồn tin nói với Reuters rằng kể từ tháng 1 năm nay, các quan chức và công ty Mỹ đã tổ chức ít nhất 6 cuộc gặp với giới chức cấp cao (quan chức và giám đốc điều hành doanh nghiệp) Việt Nam và vài nước khác, để thảo luận về chiến lược cáp quang của quốc gia Đông Nam Á này.

Một quan chức tham gia cuộc đàm phán cho biết: “Đây là một nỗ lực vận động hành lang rất khó khăn”.

Ngoài ra, 5 người khác quen thuộc với vấn đề này nói với Reuters rằng giới chức Mỹ cũng chia sẻ thông tin tình báo như hình ảnh vệ tinh, cho thấy tuyến cáp ngầm dưới biển ở Việt Nam bị đứt và có thể đã bị phá hoại.

Mỹ và Trung Quốc đang tranh giành ảnh hưởng ở Việt Nam. Tổng thống Mỹ Joe Biden và lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đều đã đến thăm Việt Nam vào năm ngoái, thúc đẩy các công ty của cả hai nước đầu tư rất nhiều vào Việt Nam.

Có thể nói, các tuyến cáp ngầm dưới biển chuyển tải phần lớn dữ liệu của thế giới đã trở thành tâm điểm của cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung.

Vì lo ngại về các hoạt động gián điệp của ĐCSTQ, trước đó Mỹ đã vận động thành công để loại công ty Trung Quốc HMN Tech khỏi một dự án quan trọng khác. Năm 2023, nhà cung cấp cáp ngầm SubCom của Mỹ đã đánh bại HMN Tech nhờ giá thầu rẻ hơn, qua đó giành được gói thầu cáp quang số 6 Đông Nam Á-Trung Đông-Tây Âu (South East Asia–Middle East–Western Europe 6) từ Singapore đến Pháp. Tuyến cáp này có tổng chiều dài 19.200 km và kết nối Malaysia, Bangladesh, Ấn Độ, Sri Lanka, Maldives, Pakistan, Djibouti, Ả Rập Saudi, Ai Cập, Hy Lạp và Ý.

5 người quen thuộc với vấn đề này cho biết, công ty tư vấn viễn thông ít được biết đến của Mỹ là APTelecom đã tham gia vào các cuộc đàm phán vận động hành lang ở Việt Nam.

Hai người tham dự cuộc họp cho biết, giới chức Mỹ và APTelecom cho hay rằng việc lựa chọn các nhà thầu cáp Trung Quốc ít kinh nghiệm hơn và khó có được các linh kiện chính sẽ cản trở các công ty Mỹ đầu tư vào Việt Nam.

Tiền thân của HMN Tech Trung Quốc là Huawei Marine Networks – một công ty con của “gã khổng lồ” công nghệ Huawei – được thành lập vào năm 2008, vào năm 2020 được đổi tên thành Huahai Communication Technology (HMN Tech).

Với khoản trợ cấp khổng lồ từ ĐCSTQ, trong vòng 10 năm kể từ khi thành lập, Huawei Marine Networks đã đạt được hơn 20% thị phần toàn cầu, trở thành nhà thầu kỹ thuật cáp ngầm lớn thứ 4 thế giới, chỉ đứng sau SubCom của Mỹ, NEC của Nhật Bản, và Alcatel Submarine Networks của Pháp.

Nhưng trong bối cảnh các nước tăng cường cảnh giác trước các rủi ro an ninh như các cuộc tấn công mạng và nghe lén của ĐCSTQ, các giải pháp cáp ngầm dưới biển do các công ty Trung Quốc thúc đẩy đã gặp phải nhiều trở ngại. Năm 2020 Chile từ bỏ kế hoạch xây dựng cáp ngầm dưới biển của Trung Quốc và thay thế bằng dự án của Nhật Bản. Năm 2021, Trung Quốc cố gắng dùng giá rẻ để giành dự án đấu thầu cáp quang ngầm của 3 quốc đảo Thái Bình Dương, nhưng cuối cùng đều thất bại.

Mỹ đã trừng phạt Huawei và HMN Tech vì lo ngại về an ninh quốc gia.

Một người quen thuộc trong ngành truyền hình cáp cho biết, APTelecom được thành lập năm 2009 đã ký hợp đồng nhiều năm với Chính phủ Mỹ để quảng bá ra nước ngoài sáng kiến “Mạng sạch” (Clean Network) của Washington. Sáng kiến này nhằm đảm bảo rằng các mạng viễn thông quan trọng, đám mây, phân tích dữ liệu, ứng dụng di động, Internet vạn vật, và công nghệ 5G không sử dụng các nhà cung cấp thiết bị “không đáng tin cậy”, để tránh các cuộc tấn công độc hại hoặc kiểm soát phi pháp của các chính phủ độc tài như ĐCSTQ.

Nguồn tin cho biết, APTelecom cũng đang hợp tác với Google và công ty viễn thông Telstra của Úc để xây dựng hệ thống cáp ngầm dưới biển mới, nhằm kết nối các đảo ở Thái Bình Dương.

Hiện tại việc đấu thầu quy hoạch cáp quang của Việt Nam vẫn chưa bắt đầu và cũng chưa chắc Việt Nam có sẵn sàng chấp nhận đề xuất của Mỹ hay không.

Một nhà ngoại giao ở Hà Nội nói với Reuters rằng, “thời gian sẽ trả lời” ai chiến thắng trong cuộc đua giành hợp đồng cáp quang biển cho Việt Nam.