‘Xin-cho’ nên phân bổ chậm, bố trí vốn dàn trải nên thiếu dự toán ODA?’
- Vĩnh Long - Ngọc Long
- •
Trong phiên họp ngày 15/6, đại biểu Quốc hội đã chất vấn, tranh luận về việc đầu tư dàn trải, chậm giải ngân, ách tắc vốn… có thể làm suy giảm tăng trưởng kinh tế trong năm 2017 và nhiều năm sắp tới.
Giải ngân chậm – Do Luật Đầu tư công hay là do cơ chế xin-cho?
Trong phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) nêu ý kiến cho rằng, việc bố trí vốn dàn trải 80 nghìn tỷ cho các công trình quan trọng quốc gia nhưng lại đổ lỗi cho Luật Đầu tư công mới triển khai là không thỏa đáng.
“Dự án khởi công mới chỉ được ghi vốn khi có quyết định đầu tư từ năm trước; các dự án chuyển tiếp cơ bản có thủ tục đầu tư; còn các dự án vướng mắc giải phóng mặt bằng hoặc vướng mắc khác không giải ngân được có thể chuyển vốn sang dự án khác” – đại biểu Hàm nêu. Ông Hàm khẳng định vốn ODA cứ ghi đủ vốn theo đúng cam kết với nhà tài trợ và tiến độ giải ngân thì không thể thiếu dự toán.
“Vậy thì tại sao phân bổ và giải ngân vốn chậm. Tại sao ODA luôn luôn thiếu dự toán? Nhu cầu đầu tư lớn hơn nguồn vốn không phải ở Việt Nam mà quốc gia nào cũng thế. Luật Đầu tư công đã quy định thứ tự ưu tiên nếu tuân thủ thì bố trí vốn chắc chắn không dàn trải.
Xin Bộ trưởng cho biết nguyên nhân gốc rễ của tình trạng này. Có phải là do vẫn tồn tại cơ chế ‘xin -cho’ nên mất thời gian để thống nhất tổng số vốn và danh mục phân bổ hay không? ‘Xin-cho’ nên phân bổ chậm, bố trí vốn dàn trải nên thiếu dự toán ODA? Có phải Bộ tham gia quá sâu không cần thiết vào quá trình phân bổ nên ách tắc vốn đầu tư?” – đại biểu Hàm hỏi thẳng thắn.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Hoàng Quang Hàm, Bộ trưởng Bộ KHĐT cho biết trong 80 ngàn tỷ, dự kiến 70 nghìn tỷ đầu tư các dự án quan trọng quốc gia, 10 nghìn tỷ dành cho dự án chống ngập của TP.HCM và 5 nghìn cho dự án sân bay Long Thành.
Bộ trưởng Dũng cho biết trong kế hoạch trung hạn 2016-2020, hiện Bộ đã giao hết tất cả cho vốn trung hạn, số còn lại khoảng 12,5%. Về kế hoạch năm 2017, thì đã giao hết, còn lại 1,5%.
Song song với việc dẫn số liệu, Bộ trưởng Dũng cũng đồng thời khẳng định “trách nhiệm phân bổ không thuộc Bộ KHĐT”. Người đứng đầu Bộ KHĐT cho hay về quy trình, quyết định phân bổ chi tiết là do các bộ ngành địa phương thực hiện; Bộ KHĐT chỉ làm một việc là hướng dẫn, xây dựng các định hướng tham mưu về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ, tiếp đến hướng dẫn, tổng hợp, rà soát, báo cáo lên Chính phủ. Chính phủ báo cáo cho Quốc hội. Quốc hội phê chuẩn thông qua, thì quay ngược lại Chính phủ giao và Bộ KHĐT thông báo chi tiết.
“Thế nên là không có chuyện ‘xin-cho’. Đều là do các địa phương và bộ ngành quyết định”, Bộ trưởng Dũng khẳng định.
Đại biểu Hàm giành quyền tranh luận, cho hay dường như Bộ trưởng chưa nói được trách nhiệm của địa phương trong vấn đề phân bổ chậm. Đối với vấn đề Bộ có tham gia sâu vào quá trình phân bổ hay không thì Bộ trưởng cũng chưa giải thích rõ.
“Theo tôi thấy rằng, việc Bộ KHĐT tham gia thẩm định nguồn và khả năng cân đối nguồn thì hầu như phải xem xét toàn bộ quy trình của hàng vạn công trình trên toàn bộ quốc gia. Tất cả các nguồn vốn từ Trung ương xuống phải qua Bộ KHĐT. Với lực lượng của Bộ chỉ có mấy trăm người thì có làm được hay không? Tôi nghĩ đây là một vấn đề gây ách tắc đầu tư“, đại biểu Hàm khẳng định, đồng thời cảnh báo nếu để tình trạng thiếu tổng mức đầu tư như này, hàng nghìn công trình dừng không đúng điểm đầu tư kỹ thuật do đầu tư dàn trải, chi phí tăng lên sẽ gây lãng phí rất lớn. “Có những công trình sẽ lãng phí toàn bộ vốn đầu tư ban đầu“, theo ông Hàm.
‘Chúng ta có tiền mà không tiêu hết được’
Trước chất vấn về việc chậm giải ngân, ách tắc vốn có thể kéo tụt đà tăng trưởng kinh tế, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ hỗ trợ trả lời cùng Bộ trưởng Bộ KHĐT.
“Việc giải ngân, phân bổ vốn đầu tư công cả năm 2016 và 5 tháng đầu năm 2017, tuy cao hơn cùng kỳ nằm trước, nhưng còn chậm, chúng ta không phân bổ hết dự toán. Chúng ta có tiền mà không tiêu hết được.
Tôi nhấn mạnh thêm số tiền trong dự toán thì Bộ Tài chính và Chính phủ luôn bảo đảm, nhưng chúng ta không tiêu hết được. Đây là một trong những nguyên nhân làm tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch và làm giảm hiệu quả sử dụng vốn“, Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng giải ngân chậm, theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu nhất. Về nguyên nhân khách quan, bổ sung thêm ý của Bộ trưởng KHĐT, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay việc giảm tiến độ giải ngân một phần là do Luật Đầu tư công mới có hiệu lực từ 2015, nên còn nhiều lúng túng từ khâu ban hành văn bản đến thực hiện.
Thứ hai, “phải thẳng thắn nói rằng nhiều địa phương chưa quyết liệt trong việc rà soát, cắt giảm, đảm bảo thu hồi nợ đọng, các khoản ứng trước, phải ưu tiên dự án quan trọng cấp bách… sau đó mới bố trí cho những công trình khởi công mới. Nhưng các bộ ngành thì “giằng xé” rất nhiều, có tình trạng là việc nào rồi cũng muốn, nên việc cắt giảm các dự án rất khó khăn“.
Thứ ba là việc phân công, phân cấp và ủy quyền chưa hợp lý. “Vẫn còn tình trạng thích “ôm” việc ở các bộ và các ngành” – Phó thủ tướng nhận định.
Yếu kém trong phối hợp giữa các bộ ngành và địa phương, giữa các bộ ở trung ương với nhau, trong nội bộ từng bộ một, trong bộ ngành trung ương với địa phương. “Chúng tôi không thể biện minh hay chối cãi về việc ấy“, Phó thủ tướng thừa nhận.
Ngoài ra, “một bộ phận cán bộ công chức chưa đề cao trách nhiệm, còn nhũng nhiễu, năng lực yếu kém nhưng chưa được các tư lệnh ngành, lãnh đạo địa phương thay thế, xử lý” – Phó thủ tướng xác nhận về tình trạng yếu kém nhân lực trong bộ máy – một trong các nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ trong các dự án đầu tư công.
Vĩnh Long – Ngọc Long
Xem thêm:
Từ khóa đầu tư công cơ chế xin cho