Tại sao đầu tư công vừa giải ngân chậm vừa không hiệu quả?
- Tuệ San
- •
Chỉ với chức năng “tiêu tiền”, liệu Bộ Kế hoạch và Đầu tư có đủ trách nhiệm để tự nâng cao hiệu quả đầu tư công? Đâu là nguyên nhân gốc rễ khiến đầu tư công vừa chậm chễ, vừa không hiệu quả?
Đầu tư công được cho là tác nhân quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ Tài chính, 5 tháng đầu năm 2017, giải ngân vốn NSNN chỉ đạt 76.260 tỷ đồng, bằng 21,3% dự toán của Quốc hội quyết định. Tiến độ giải ngân 5 tháng đầu năm không đồng đều giữa các bộ, ngành trung ương và địa phương. Có 20/44 bộ, ngành trung ương và 4/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 10%, trong đó 13 bộ, ngành trung ương chưa giải ngân kế hoạch. Cũng trong 5 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,1%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 6,7%
Trong phiên chất vấn Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sáng 15/6, nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu lên vấn đề bất cập và yêu cầu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời.
Theo ông Dũng, việc giải ngân chậm vốn đầu tư trong thời gian qua phần nhiều là do Luật đầu tư công mới có hiệu lực từ năm 2015, nên các Bộ Ngành đều lúng túng trong quá trình triển khai. Các quy định kiểm soát đầu tư, tránh thất thoát, đầu tư dàn trải lại chính là rào cản của tiến độ giải ngân. Ông Dũng cũng thừa nhận nhiều quy định của Luật, Nghị định còn chồng chéo, mâu thuẫn. Để giải quyết vấn đề này, ông Dũng gợi ý các địa phương linh hoạt cho tới thời điểm rà soát và sửa luật.
Tuy vậy, các đại biểu chưa đồng tình với cách lý giải trên. Nhiều đại biểu cho rằng Bộ Kế hoạch Đầu tư đang ôm nhiều việc, duy trì cơ chế “xin-cho” mà chưa tạo được những hành lang pháp lý thông thoáng cho doanh nghiệp. Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc thu hút vốn đầu tư FDI, vốn đầu tư trong nước cũng chưa rõ rệt, chưa có kế hoạch rõ ràng. Các giải trình của Bộ trưởng còn chung chung, liệt kê các văn bản pháp lý chứ chưa đề cập được cốt lõi vấn đề.
Các chất vấn của Quốc hội đối với Bộ KHĐT dường như rơi vào lối mòn, lặp đi lặp lại qua nhiều kỳ họp nhưng không được giải quyết thấu đáo. Bởi nguyên nhân sâu xa là sự phân định chức năng “tiêu tiền” của Bộ KHĐT còn chưa gắn với trách nhiệm tạo ra nguồn thu để bù đắp chi phí. Do vậy, việc điều hành của Bộ KHĐT cũng chỉ dừng ở việc rà soát, tổng hợp số liệu, chia tiền, kiểm soát thủ tục, văn bản chứ chưa phát huy được trách nhiệm của khối máy “cái” tạo ra động lực phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Điều này cũng được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề cập đến trong buổi họp tổ thảo luận về nợ công. Bà cho rằng nếu chức năng kiếm tiền, tiêu tiền và trả nợ được cắt khúc, phân đoạn riêng rẽ như hiện nay thì vấn đề kiểm soát nợ công, nâng cao hiệu quả đầu tư công sẽ không thể giải quyết.
Tuệ San
Xem thêm:
Từ khóa đầu tư công bộ KH-ĐT Quốc hội chất vấn