Gần đây, nhà sáng lập TSMC của Đài Loan, ông Trương Trung Mưu (Morris Chang) 92 tuổi, đã nhận lời phỏng vấn độc quyền với The New York Times, kể về cuộc đời trong lĩnh vực bán dẫn và bí quyết trường thọ của ông.

Trương Trung Mưu
Ông Trương Trung Mưu (Morris Chang), nhà sáng lập TSMC, ảnh chụp tại Phủ Tổng thống Đài Loan năm 2018. (Ảnh: Phủ Tổng thống Đài Loan/ Wikimedia Commons)

Ông không chỉ có thành tích xuất sắc trong công việc, mà còn rất kỷ luật trong việc giữ gìn sức khỏe. Ông từng đề cập trong một cuộc phỏng vấn độc quyền về “lợi thế” của việc ông có thể duy trì khả năng ra quyết định nhạy bén, giúp TSMC tiếp tục phát triển. Tất cả là vì ông có kỷ luật với sức khỏe như cách đối đãi với sự nghiệp. Ông lập kế hoạch, quản lý có hệ thống và nỗ lực không ngừng.

5 bí quyết quản lý “sức khỏe” của ông như sau:

1. Ngủ sớm dậy sớm, làm việc và nghỉ ngơi đều đặn

Mỗi sáng ông thức dậy từ 5h30 đến 6h, đến công ty lúc 8h30, về nhà lúc 18h30, 22h đi ngủ và 23h đã an giấc.

Khi còn ở tuổi đôi mươi, ông vẫn giữ thói quen này, để cơ thể hoạt động ổn định, chỉ là chu kỳ làm việc và nghỉ ngơi muộn hơn một chút. Sau khi đã 70 tuổi, ông vẫn kiên trì thực hiện lịch trình này đến tận ngày nay.

2. Không tăng ca, không tiếp khách quá nhiều

Mỗi tuần ông không ở lại công ty quá 50 giờ, mỗi tháng không tham dự quá 2 buổi tiếp khách, và mỗi lần đều kết thúc trong vòng một tiếng rưỡi.

Ông rất thích hưởng thụ bầu không khí gia đình. Sau khi đi làm ở tuổi 24, ông luôn tuân theo nguyên tắc không tăng ca ở công ty, mà tiếp tục giải quyết hoặc quan tâm đến những việc liên quan ở nhà.

Ông tin rằng bầu không khí trong gia đình có thể khiến mọi người thư giãn về mặt cảm xúc, “hoàn toàn khác so với sự căng thẳng ở văn phòng”, đồng thời khuyến khích nhân viên TSMC làm theo.

3. Chăm chỉ tập thể dục, ăn uống thanh đạm

Ông sẽ đi bộ nhanh trên máy chạy bộ trong 40 đến 45 phút, ít nhất 6 ngày trong tuần. Ở công ty và ở nhà ông đều có máy chạy bộ, bất cứ khi nào có thời gian rảnh rỗi, ông đều bước lên máy tập thể dục.

Ngoài việc uống một ly nước ép rau tươi sau khi thức giấc, bữa trưa của ông đều do đầu bếp làm tại nhà, dưới sự hướng dẫn của vợ ông, bà Trương Thục Phương. Thông thường, bữa trưa và bữa tối đều khá đơn giản, gồm một món cá, một món thịt, một món rau, ít dầu và ít muối.

4. Đọc sách tăng trí tuệ, thư giãn với âm nhạc

Sự kết hợp giữa đọc sách và âm nhạc giống như nguyên lý của y học cổ truyền Trung Quốc là thuận theo tự nhiên. Ông Trương Trung Mưu đã kết hợp đọc sách và âm nhạc với nhịp sinh học và cảm xúc của mình vào những thời điểm khác nhau. Có thể nói, đây là công thức “độc nhất vô nhị” của ông.

Đọc báo vào sáng sớm giúp ông nắm vững và phân tích tình hình kinh tế, chính trị trong và ngoài nước. Lúc này tư tưởng cần tập trung, ông sẽ nghe nhạc của Bach vừa nghiêm trang, vừa mang màu sắc tôn giáo.

Vào buổi chiều và hoàng hôn ông đọc tiểu sử các danh nhân. Lúc này cảm xúc trào dâng, không gian tưởng tượng được mở ra, ông sẽ nghe những bản nhạc hùng vĩ và dâng trào của Beethoven, hay vở opera của Puccini “đẹp đến nỗi khiến tôi rơi nước mắt”.

Trước khi đi ngủ, ông đọc các tiểu phẩm văn học, nghe nhạc piano của Mozart và Chopin để làm dịu thần kinh và nhịp tim.

Âm nhạc và đọc sách giống như một “phương thức giải độc” tinh thần của ông. Những căng thẳng, mệt mỏi cả ngày được xả bỏ từng chút một bằng văn tự và những nốt nhạc. Năng lượng và sự tập trung của ngày hôm sau được phục hồi và tái tạo.

5. Học tập suốt đời một cách có hệ thống và có kế hoạch

Ông Trương Trung Mưu không tán thành câu “sống đến già, học đến già”. Ông tin rằng việc học không nên là cảm hứng nhất thời, mà cần có kế hoạch từng từng bước một, có hệ thống và chiến lược.

Đọc tiểu sử của những người nổi tiếng như Churchill và Washington, phân tích và tóm tắt khả năng lãnh đạo của họ, ông có thể trở thành một “người tổng hợp thông tin”.

Ông dẫn lời nhà sinh vật học người Mỹ Edward Osborne Wilson rằng: “Thế giới này có rất nhiều thông tin, nhưng cuối cùng nó sẽ bị thống trị bởi những người soạn thảo thông tin. Những người này có thể tổng hợp vào đúng thời điểm, tích hợp thông tin chính xác, có suy nghĩ chọn lọc và đưa ra những quyết định quan trọng một cách khôn ngoan.” Đây là phương pháp học tập suốt đời mà ông tin tưởng.

Ông đã cống hiến cả đời mình cho việc nghiên cứu ngành công nghiệp bán dẫn và thực hành các chiến lược lãnh đạo doanh nghiệp. Ông chưa bao giờ buông lơi việc rèn luyện khả năng tiếng Trung và tiếng Anh của mình, đồng thời tiếp tục định hình mình là một “người tổng hợp thông tin”.

Theo ông, khả năng học hỏi, lĩnh hội, phân tích và phán đoán mạnh mẽ là tiêu chuẩn và bằng chứng của “một người bất lão không tuổi”.

Về tuổi thọ, ông Trương Trung Mưu cũng cười và nói rằng gen của ông rất đặc biệt: “Mẹ tôi sống đến 102 tuổi, bố tôi cũng sống đến 86 tuổi. Họ là những người ở đầu thế kỷ 20. Trong thời đại đó, tuổi thọ trung bình chỉ hơn 60 tuổi, nên ‘gen’ của tôi rất tốt, tôi có gen trường thọ”.

Nhưng ông cũng tự hào nhấn mạnh rằng: “Sức khỏe của tôi không phụ thuộc vào gen, mà phụ thuộc vào thói quen sinh hoạt tốt được hình thành lâu dài”.