Bị cảm lạnh có nên uống cà phê để làm ấm cơ thể?
- Hoa Nhài
- •
Khi bị cảm lạnh hoặc cúm, một số người có thể muốn làm ấm cơ thể bằng đồ uống nóng, chẳng hạn như cà phê. Nhưng một số chuyên gia cho rằng đối với những người bị bệnh, cà phê không phải là một lựa chọn phù hợp, lý do là gì, và nên thay thế băn loại nước uống nào?
Theo Huffington Post, nghiên cứu cho thấy uống đồ uống nóng có thể tạm thời làm giảm các triệu chứng cảm lạnh như sổ mũi và đau họng, đồng thời cầm một chiếc cốc ấm trên tay cũng có thể giúp bạn cảm thấy thoải mái, có lợi cho việc chống lại virus gây bệnh.
Tuy rằng chúng ta có thể thưởng thức một tách cà phê nóng, nhưng đây lại không phải là lựa chọn đồ uống tốt trong thời gian mắc bệnh, có một số lý do giải thích cho điều này.
1. Người bệnh cần nghỉ ngơi, nhưng cà phê sẽ khiến bạn tỉnh táo
Susan Hassig là giáo sư danh dự tại Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Tulane University, Hoa Kỳ. Bà chỉ ra rằng, khi bị nhiễm virus cảm lạnh, người bệnh cần nghỉ ngơi đầy đủ để cơ thể phục hồi, nhưng trong cà phê có chứa chất caffeine gây kích thích, có thể gây ra tác dụng ngược lại, khiến bạn không thể ngủ được.
Bà Hassig nói, nước tăng lực cũng tương tự như vậy, chúng còn chứa nhiều caffeine hơn một tách cà phê.
Bà nói: “Cho dù có bị cảm lạnh hay cúm thì quá nhiều caffeine đều không tốt cho bạn.”
2. Uống cà phê có thể gây rối loạn tiêu hóa
Những người bị cảm lạnh có thể không muốn mắc các vấn đề về đường tiêu hóa, nhưng uống cà phê có thể gây rối loạn tiêu hóa ở một số người.
Bà Hassig đề cập rằng, một số bệnh như cảm lạnh hoặc cúm đôi khi có thể gây ra các triệu chứng về đường ruột, sẽ không tốt nếu nó gây ra các vấn đề cho toàn bộ hệ thống tiêu hóa.
Ông Daniel Monti, Chủ tịch Khoa Y học Tích hợp và Dinh dưỡng tại Bệnh viện Đại học Thomas Jefferson, Hoa Kỳ, cho biết nếu tình trạng của bạn ở mức độ nhẹ thì nguy cơ khó chịu ở đường tiêu hóa là rất thấp. Những vấn đề tiềm ẩn khi uống cà phê chỉ phát sinh nếu bạn có triệu chứng nôn mửa hoặc tiêu chảy.
3. Uống quá nhiều cà phê có thể gây mất nước
Ông Monti nói, nếu các triệu chứng cảm lạnh của bạn không nhẹ, hãy cẩn thận khi uống cà phê, vì nó có một số tác dụng lợi tiểu và có thể làm bạn mất nước.
Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng, những người uống một lượng cà phê vừa phải với mức độ thường xuyên sẽ không nhận thấy tác dụng lợi tiểu của nó. Những người không uống cà phê thường xuyên, mà đột nhiên uống nhiều trong một lúc sẽ bị mất nước nhẹ.
Vì vậy, nếu bạn thường không uống cà phê thì khi bị cảm lạnh hoặc cúm không nên uống nhiều loại đồ uống này. Thay vào đó, bạn nên uống nhiều nước để giữ nước cho cơ thể.
Ông lưu ý rằng, nếu bạn bị bệnh nặng và có triệu chứng nôn mửa hoặc tiêu chảy thì việc bổ sung nước bằng cách uống nước là rất quan trọng.
4. Vậy loại đồ uống nào phù hợp hơn?
Bà Hassig cho biết, uống cà phê vào buổi sáng sẽ không có vấn đề gì nếu nó giúp cải thiện tâm trạng của bạn hoặc giảm bớt những cơn đau đầu không phải do caffeine gây ra. Nhưng khi bị ốm và cần nghỉ ngơi, bạn chỉ nên uống cà phê với lượng vừa phải, vì chất caffeine trong nó có thể gây kích thích.
Bà Hassig nói: “Điều thực sự quan trọng là đảm bảo bạn giữ nước đúng cách, nước lọc hoặc nước trái cây tự nhiên là những thức uống tuyệt vời để giữ nước. Trong trường hợp này, uống nước là lựa chọn tốt nhất.”
Ông Monti khuyên rằng, khi bạn ốm, uống trà thảo dược ấm hoặc súp nóng cũng là một lựa chọn tuyệt vời.
Ông Monti chia sẻ rằng, khi mọi người bị cảm lạnh hoặc cúm, tình trạng viêm sẽ tăng lên trong cơ thể, có thể dẫn đến các triệu chứng như sổ mũi và sưng tấy quanh mắt. Giảm viêm có thể làm giảm bớt những triệu chứng đó.
Ông nói: “Nếu bạn đang tìm cách giảm chứng viêm, hai điều bạn nên làm là bổ sung đủ nước và nghỉ ngơi.”