Vào mùa hè nóng nực, đôi lúc uống một ly nước đá mát lạnh cảm giác thật sảng khoái. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng uống nước đá có những tác động xấu nhất định đối với cơ thể. Y học cổ truyền Trung Quốc cũng cho rằng việc luôn thèm nước đá có thể là một tín hiệu sức khỏe từ cơ thể.

uong nuoc da 1
Các bác sĩ Y học cổ truyền Trung Quốc hướng dẫn cách tự kiểm tra xem mình có thể uống nước đá hay không. (Ảnh: Aleksandr Grechanyuk/ Shutterstock)

Thường xuyên uống nước đá sẽ gây ra một số vấn đề sức khỏe

1. Khiến tình trạng co thắt tâm vị nặng hơn

Co thắt tâm vị (Achalasia) là một dạng rối loạn chức năng mà thực quản không thể đẩy thức ăn xuống dạ dày. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Neurogastroenterology and Motility cho thấy, uống nước đá ở nhiệt độ 2°C sẽ làm trầm trọng thêm các triệu chứng Achalasia. Nhiệt độ thấp có thể làm tăng áp lực nghỉ ngơi của cơ thắt thực quản dưới, kéo dài thời gian co bóp của thực quản và làm trầm trọng thêm chứng khó nuốt.

2. Gây ra chứng đau nửa đầu

Một nghiên cứu trên 669 phụ nữ cho thấy 51 người trong số họ (khoảng 8%) bị đau đầu sau khi uống một cốc nước đá. Cụ thể là nếu họ từng bị chứng đau nửa đầu thì sau khi uống nước đá sẽ có nguy cơ mắc cao gấp đôi so với những phụ nữ chưa bao giờ bị chứng đau nửa đầu.

Ngoài ra, một nghiên cứu ngay từ năm 1978 cũng cho thấy uống nước đá làm chậm dòng chảy của chất nhầy mũi ở những người khỏe mạnh, nghĩa là đối với những bệnh nhân bị nhiễm trùng đường hô hấp trên, uống nước đá sẽ khiến tình trạng nghẹt mũi trở nên trầm trọng hơn.

uong nuoc da 3
Nếu từng bị chứng đau nửa đầu thì sau khi uống nước đá sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp đôi so với những phụ nữ chưa bao giờ bị chứng đau nửa đầu. (Ảnh: fizkes/ Shutterstock)

3. Gây ức chế dây thần kinh phế vị

Nghiên cứu của Đại học Anglia Ruskin cho biết nước đá lạnh có thể kích thích dây thần kinh phế vị – một phần quan trọng trong hệ thống thần kinh tự trị của cơ thể. Khi uống nước đá, hệ thống thần kinh này sẽ bị ức chế từ đó khiến nhịp tim chậm lại.

4. Gây tích tụ chất béo trong cơ thể

Nếu uống nước đá lạnh ngay sau bữa ăn, nhiệt độ lạnh sẽ làm đông cứng chất béo từ thực phẩm vừa nạp vào khiến cho cơ thể khó phân hủy các chất béo dư thừa, từ đó gây ra tình trạng béo phì thừa cân.

Muốn uống nước đá là tín hiệu từ cơ thể

Ông Ritsugaku Ken, một bác sĩ Trung y của Hiệp hội Y học Phương Đông Nhật Bản và Giám đốc của Phòng khám Châm cứu & Cứu ngải của Bệnh viện Kurashiki Heisei ở Nhật Bản cho biết: Cơ thể con người có khả năng điều chỉnh nhiệt độ riêng và việc uống nước đá lâu dài sẽ gây ức chế khả năng này, nó sẽ dẫn đến việc mất cân bằng giữa nóng và lạnh của cơ thể. 

Bên cạnh đó, việc uống nước đá cũng có thể làm hỏng chức năng của lá lách và dạ dày. Lá lách và dạ dày chịu trách nhiệm tiêu hóa và hấp thu thức ăn, khi chức năng lá lách và dạ dày suy giảm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng chuyển hóa nước, từ đó có thể dẫn đến các triệu chứng như phù nề, chướng bụng.

Ngoài ra, Ye Qimin, bác sĩ tại Phòng khám Liên hợp Trung y Minh y tại Đài Loan nói rằng việc thường xuyên cảm thấy nóng nực không chịu nổi và muốn uống một cốc nước đá để hạ nhiệt có thể là một tín hiệu không tốt từ cơ thể.

Trong y học cổ truyền Trung Quốc, chất bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể thường được gọi là máu, còn “năng lượng” hay “sức mạnh” cấu thành nên sự sống được gọi là khí. Hai chất khí và máu này lưu thông là để duy trì sự cân bằng và ổn định của các mô và cơ quan khác nhau trong cơ thể. Nhưng nếu cơ thể xuất hiện sự mất cân bằng thì bệnh tật có thể xảy ra.

Bác sĩ Ye Qimin giải thích rằng khi khí và máu lưu thông khắp cơ thể một cách thuận lợi và mồ hôi thông suốt thì nhiệt độ dư thừa có thể được đưa ra khỏi cơ thể và bạn sẽ không phải lúc nào cũng muốn uống nước đá. Ngược lại, nếu khí huyết bị tắc nghẽn, bạn sẽ dễ cáu gắt, miệng khát và muốn uống đồ uống có đá hoặc ăn các sản phẩm có đá mát lạnh. Lúc này, bạn có thể cân nhắc đến gặp bác sĩ Đông y để điều hòa cơ thể.

uong nuoc da 2
Thường xuyên cảm thấy nóng nực không chịu nổi và muốn uống một cốc nước đá để hạ nhiệt có thể là một tín hiệu không tốt từ cơ thể. (Ảnh: antoniodiaz/ Shutterstock)

Tự kiểm tra xem bản thân có phù hợp với đồ uống có đá không

Tình trạng thể chất của mỗi người là khác nhau. Bác sĩ Ye Qimin đã chỉ ra một cách đơn giản để kiểm tra xem mình có phù hợp để uống nước đá hay không. Phương pháp chính là dùng tay nắm chắc cục đá lạnh hoặc ly đồ uống lạnh, nếu có thể giữ được hơn 1 phút mà không cảm thấy đau tức là cơ thể bạn có thể chịu đựng được.

Ông giải thích rằng phản ứng thần kinh của các cơ quan nội tạng không nhạy cảm bằng bề mặt da, nhưng việc dạ dày không phản kháng không có nghĩa là nó có thể chịu đựng được. Nếu như chưa tới 1 phút mà đã muốn đổi tay khác, điều này cho thấy nhiệt độ này nếu trực tiếp đi vào dạ dày sẽ làm ngưng kết khí huyết, chỉ là do phản ứng thần kinh nội tạng không nhạy cảm bằng phản ứng thần kinh của bề mặt da. Cho nên những người như vậy không nên uống nước đá hay ăn các thực phẩm có đá.

Bằng cách kiểm tra này, có thể thấy rằng lượng nước đá mà một người có thể chịu được trên thực tế là có giới hạn, thậm chí là đối với những người dễ bị lạnh tay chân thậm chí còn hạn chế hơn.

4 thời điểm không nên uống nước đá lạnh

Ngoài ra, ông còn nhắc nhở bạn cần tránh uống nước đá trong những tình huống sau:

  1. Trong thời kỳ kinh nguyệt: Nước đá sẽ làm đông máu và cản trở quá trình lưu thông máu, hơn nữa nếu uống nước đá trong thời kỳ kinh nguyệt còn dễ gây đau bụng kinh và vô kinh. Vì vậy những người bị đau bụng kinh nên uống nước ấm trong thời gian này.
  2. Ngay sau khi tập thể dục: Sau khi tập thể dục, các mạch máu ngoại vi sẽ giãn ra, việc uống nước đá sẽ khiến mạch máu co rút đột ngột. Lúc này, bạn chỉ có thể uống ở nhiệt độ phòng hoặc nước ấm. Khi cơ thể đã bình tĩnh lại và mồ hôi đã giảm bớt mới có thể uống một ít nước đá.
  3. Những người dễ bị cảm lạnh cũng nên uống ít nước đá. 
  4. Sau khi ăn lẩu, súp nóng hoặc ăn mì ăn liền: Khi toàn bộ tỳ vị đang tiến hành tiêu hóa thì không nên uống nước đá. Nếu sau khi ăn đồ nóng mà lại tiếp tục uống nước đá lạnh sẽ làm cho dạ dày có hiện tượng “nóng gặp lạnh”, từ đó có thể khiến dạ dày bị thương tổn.

Trúc Nhi t/h