Một nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học tại Đại học Kentucky đã xác định chế độ ăn nhiều đường và dầu ngô đã kích thích cơ thể tích lũy glycogen, một loại đường dự trữ đóng vai trò quan trọng trong sự thúc đẩy tiến triển của ung thư biểu mô tuyến tại phổi, một dạng ung thư phổi đặc biệt nguy hiểm. 

r shutterstock 2557652513
Ung thư phổi có liên quan đến lượng đường dự trữ trong cơ thể (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Chế độ ăn giàu chất béo và đường làm trầm trọng bệnh ung thư phổi

Những phát hiện mới được công bố trên Nature Metabolism (Tập san Trao đổi chất Tự nhiên) cho thấy rằng, mức glycogen cao có liên quan đến sự phát triển mạnh mẽ hơn của khối ung thư phổi dạng biểu mô tuyến và tỷ lệ sống sót thấp hơn.

Các nhà khoa học đã tiến hành thử nghiệm trên cả chuột và người để đánh giá tác động của glycogen. Ở chuột, họ làm tăng mức glycogen thông qua điều chỉnh chế độ ăn uống và biến đổi gene. Cách tiếp cận này giúp họ có cái nhìn toàn diện về vai trò của glycogen trong ung thư phổi.

Chuột được chia thành nhiều nhóm và cho ăn các chế độ khác nhau, bao gồm nước (nhóm đối chứng), xi-rô ngô có hàm lượng fructose cao (một dạng đường), dầu ngô (một dạng chất béo) và sự kết hợp giữa xi-rô ngô và dầu ngô.

Sau hai tuần, kết quả cho thấy cả dầu ngô và xi-rô ngô có hàm lượng fructose cao đều làm tăng mức glycogen trong phổi chuột. Tuy nhiên, nhóm chuột ăn kết hợp cả hai loại thực phẩm này có mức glycogen cao hơn đáng kể và chuỗi glycogen dài hơn. Điều này dẫn đến sự phát triển nhanh hơn và mạnh hơn của khối ung thư phổi ở chuột.

“Lượng glycogen cao hơn thúc đẩy sự tiến triển của khối u”, các nhà nghiên cứu nhận định.

Ngoài thử nghiệm chế độ ăn, nhóm nghiên cứu cũng sử dụng mô hình chuột biến đổi gene nhằm tạo điều kiện tích trữ glycogen trong phổi.

Bằng cách vô hiệu hóa enzyme chịu trách nhiệm sản xuất glycogen, họ phát hiện ra rằng, các khối ung thư phổi phát triển nhỏ hơn nhiều và ít xâm lấn hơn. Điều này cho thấy việc can thiệp vào quá trình sản xuất glycogen có thể trở thành một chiến lược tiềm năng để điều trị ung thư phổi dạng biểu mô tuyến.

Các nhà khoa học viết “nghiên cứu kết hợp này giúp xác định và kiểm chứng các yếu tố chuyển hóa quan trọng”, cần thiết để cải thiện phương pháp điều trị ung thư phổi dạng biểu mô tuyến. Qua các thí nghiệm, họ đã chứng minh rằng việc ức chế glycogen có thể làm chậm sự phát triển của khối u.

Mức glycogen cao ở người gắn liền với tiên lượng xấu

Nghiên cứu cũng bao gồm dữ liệu từ 276 bệnh nhân mắc ung thư phổi dạng biểu mô tuyến. Phân tích không gian cho thấy glycogen tích tụ với số lượng lớn trong các vùng khối u so với mô phổi khỏe mạnh và các loại ung thư phổi khác.

Phát hiện này chỉ ra rằng mức glycogen cao có liên quan đến khả năng xâm lấn mạnh hơn của khối u và làm giảm tỷ lệ sống sót của bệnh nhân.

“Những kết quả này mở ra hướng nghiên cứu mới về các điểm yếu trong chuyển hóa liên quan đến chế độ ăn uống, đặc biệt là tác động của dinh dưỡng đối với khả năng sống sót của bệnh nhân ung thư phổi,” các tác giả viết.

Thực phẩm có chỉ số đường huyết cao và nguy cơ ung thư

Ken Tobby, một chuyên gia khoa học thực phẩm, nói với The Epoch Times rằng việc thường xuyên tiêu thụ thực phẩm có chỉ số đường huyết cao – chẳng hạn như nước ngọt, bánh mì trắng, đồ ăn vặt chế biến sẵn và kẹo – không chỉ làm tăng đường huyết mà còn có thể gây ra những tác động tiêu cực nghiêm trọng hơn.

“Những thực phẩm này khiến mức glucose và insulin trong cơ thể tăng đột biến”, ông giải thích. “Về lâu dài, điều này có thể dẫn đến rối loạn nội tiết và tình trạng viêm mãn tính”. Viêm mãn tính có thể góp phần vào sự hình thành ung thư bằng cách làm tổn thương DNA, thúc đẩy sự phát triển và phân chia tế bào bất thường, đồng thời tạo ra môi trường lý tưởng cho sự phát triển và di căn của khối u.

Ông Tobby cũng nhấn mạnh rằng việc liên tục tiêu thụ đường sẽ kích thích cơ thể sản xuất quá mức insulin và các yếu tố tăng trưởng giống insulin, từ đó làm tăng nguy cơ tăng sinh tế bào bất thường. Đây là một khía cạnh chính về cách thức ung thư có thể phát triển“.

Ngoài ra ông cũng cảnh báo rằng sự tăng đột biến lượng đường huyết từ việc ăn những thực phẩm này cũng góp phần làm tăng gánh nặng oxy hóa. “Đây là một trạng thái trong đó các gốc tự do gây hại được tạo ra và tấn công các tế bào khỏe mạnh, dẫn đến đột biến có thể gây ung thư”.

Theo bà Catherine Gervacio, chuyên gia dinh dưỡng đồng thời là huấn luyện viên thể thao, chia sẻ với The Epoch Times rằng cách tốt nhất để giảm nguy cơ ung thư là hạn chế tối đa hoặc loại bỏ hoàn toàn lượng đường bổ sung trong chế độ ăn uống.

Bà cho biết: “Chúng ta cần thêm nhiều nghiên cứu để hiểu rõ hơn về mối liên hệ giữa thực phẩm có chỉ số đường huyết cao và ung thư. Vì vậy, hãy ưu tiên một chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ dinh dưỡng để giúp cơ thể khỏe mạnh và giảm nguy cơ mắc bệnh”.

Theo George Citroner, The Epoch Times

Nguyên Khang biên dịch