Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh liên quan đến mức chuyển hóa bất thường – Nghiên cứu
- Marina Zhang
- •
Các nhà nghiên cứu đã xác định được 14 dấu ấn sinh học, không phải là dấu ấn điển hình lúc mới sinh, có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh, hay còn gọi là SIDS – một tình trạng từ lâu đã khiến các bác sĩ bối rối.
Nghiên cứu đã đánh giá hơn 350 trẻ sơ sinh tử vong do SIDS và so sánh với hơn 1.400 trẻ sơ sinh tử vong không do SIDS.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học California San Francisco đã viết trong nghiên cứu của họ rằng, “Chúng ta có thể xác định được trẻ sơ sinh có nguy cơ cao mắc SIDS ngay sau khi sinh.” Điều này sẽ giúp ích cho công tác phòng ngừa.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng trẻ sơ sinh có mẹ là người gốc Tây Ban Nha và châu Á có nguy cơ mắc SIDS thấp nhất.
SIDS là tình trạng tử vong đột ngột không rõ nguyên nhân ở trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi. Tình trạng này thường xảy ra trong khi ngủ. Mặc dù nguyên nhân gây ra SIDS vẫn chưa được biết rõ, nhưng trẻ sơ sinh tử vong do SIDS được cho là có vấn đề về cách phản ứng với căng thẳng và cách điều chỉnh nhịp tim, nhịp thở và nhiệt độ của trẻ.
Tiến sĩ Joel “Gator” Warsh – bác sĩ nhi khoa được cấp phép không tham gia vào nghiên cứu, nói với tờ The Epoch Times rằng trẻ sơ sinh nam, sinh non và có tiền sử di truyền về SIDS có xu hướng có nguy cơ mắc SIDS cao hơn.
14 dấu ấn sinh học được xác định
14 dấu ấn sinh học được xác định là chất chuyển hóa – là các hóa chất được tạo ra trong quá trình chuyển hóa. Các chất chuyển hóa được phát hiện trong quá trình sàng lọc trẻ sơ sinh, được thực hiện trước khi trẻ rời bệnh viện.
Trẻ sơ sinh mắc hội chứng SIDS có xu hướng có mức chất chuyển hóa này thấp hơn so với trẻ sơ sinh không mắc hội chứng SIDS.
Các chất chuyển hóa này bao gồm:
- 17-hydroxyprogesterone, một loại hormone và là tiền chất của cortisol, hormone gây căng thẳng;
- 5 loại axit amin, cần thiết để tạo ra protein;
- 8 loại acylcarnitine, là những chất đóng vai trò chính trong quá trình chuyển hóa năng lượng của tế bào.
Ông Warsh nói với tờ The Epoch Times rằng, “Những chất chuyển hóa này có thể chỉ ra những bất thường về chuyển hóa, nội tiết và thần kinh khiến trẻ sơ sinh dễ mắc SIDS hơn.”
“Mô hình chuyển hóa đáng chú ý nhất mà nghiên cứu của chúng tôi tiết lộ là tầm quan trọng của acylcarnitine đối với việc xác định khả năng mắc hội chứng SIDS”, các tác giả viết.
Acylcarnitine tham gia vào quá trình vận chuyển axit béo để chuyển hóa năng lượng. Các tác giả cho biết, mức acylcarnitine không điển hình có thể cho thấy sự “rối loạn chức năng toàn thân” của quá trình chuyển hóa axit béo.
Ông Warsh nói, “Những bất thường trong quá trình chuyển hóa năng lượng có thể dẫn đến tình trạng thiếu năng lượng ở các mô quan trọng, bao gồm não và tim, có thể dẫn đến tử vong đột ngột.”
Ông Warsh cho biết có thêm 2 chất chuyển hóa nổi bật. Một là hormone 17-hydroxyprogesterone và chất còn lại là axit amin tyrosine. Việc có mức 17-hydroxyprogesterone bất thường trong SIDS có thể cho biết về một hệ thống nội tiết bị rối loạn, có thể ảnh hưởng đến phản ứng hô hấp và căng thẳng.
Tyrosine tham gia vào quá trình sản xuất các chất dẫn truyền thần kinh như dopamine và norepinephrine, giúp điều chỉnh căng thẳng và phản ứng cảm xúc.
Ông Warsh cho biết, “Sự gián đoạn trong quá trình sản xuất chất dẫn truyền thần kinh có thể dẫn đến phản ứng căng thẳng không phù hợp hoặc rối loạn chức năng tự chủ, cả 2 đều là những yếu tố liên quan đến SIDS.“
Phòng ngừa hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh
Tiến sĩ Warsh cho biết, “Không có phương pháp nào giúp loại bỏ hoàn toàn nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh.“
Tuy nhiên, có một số cách có thể làm giảm nguy cơ mắc SIDS:
- Tư thế ngủ đúng: Trẻ sơ sinh nên được đặt nằm ngửa khi ngủ, dù là ngủ trưa hay ngủ qua đêm. Tư thế ngủ này giúp thông thoáng đường thở và giảm nguy cơ ngạt thở.
- Sử dụng nệm cứng: Nên tránh dùng chăn ga gối mềm, gối hoặc thú nhồi bông vì chúng có thể cản trở quá trình thở.
- Ngủ chung phòng với cha mẹ: Trẻ sơ sinh nên ngủ cùng phòng với cha mẹ trong 6 tháng đầu nhưng nên được đặt trong cũi hoặc nôi riêng để tránh bị ngạt thở do ngủ chung giường.
- Nuôi con bằng sữa mẹ: Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những đứa trẻ được nuôi bằng sữa mẹ có nguy cơ mắc SIDS thấp hơn. Một nghiên cứu cho thấy, với 2 tháng cho con bú sẽ làm giảm gần một nửa nguy cơ mắc SIDS cho đứa trẻ. Trẻ bú sữa mẹ dễ thức giấc sau giấc ngủ sâu hơn trẻ bú sữa công thức.
- Kiểm soát nhiệt độ: Trẻ sơ sinh nên mặc quần áo nhẹ và nhiệt độ phòng nên được duy trì ở mức thoải mái. Quá nóng do mặc quá nhiều lớp quần áo hoặc nhiệt độ phòng tăng cao có thể làm tăng nguy cơ mắc SIDS.
- Tránh khói thuốc lá: Hít phải khói thuốc lá trong thời kỳ mang thai và sau khi sinh làm tăng nguy cơ mắc SIDS.
- Cho trẻ ngậm núm vú giả: Việc cho trẻ ngậm núm vú giả vào giờ ngủ trưa và giờ đi ngủ có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc SIDS. Tuy nhiên, không nên bắt trẻ phải ngậm núm vú giả nếu trẻ từ chối.
Nguyên Khang biên dịch
Theo Marina Zhang/ The Epoch Times
Xem thêm:
Từ khóa nuôi dạy trẻ SIDS Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh