Hợp chất mới giúp chữa lành vết thương không để lại sẹo – Nghiên cứu
- Marina Zhang
- •
Nghiên cứu trên động vật đã phát hiện ra một hợp chất mới có thể thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương không để lại sẹo.
Hiện tại không có loại thuốc nào có thể ngăn ngừa hoặc đảo ngược quá trình hình thành sẹo.
Trong một nghiên cứu được công bố vào thứ Sáu ngày 23/8, các nhà nghiên cứu tại Đại học Rutgers đã phát hiện ra rằng một phân tử do ký sinh trùng đường ruột tiết ra có thể thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương ở chuột.
“Chúng tôi đã phát triển một liệu pháp mới để điều trị vết thương ngoài da, ưu tiên quá trình chữa lành vết thương đang tái tạo hơn là … sẹo,” ông William Gause, giám đốc Trung tâm Miễn dịch và Viêm tại Đại học Rutgers và là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết trong thông cáo báo chí.
Sau khi mô bị thương, cơ thể có thể tự chữa lành vết thương thông qua quá trình tái tạo da hoặc sẹo. Mô tái tạo có cấu trúc và chức năng giống như mô cũ, trong khi mô sẹo có các hình dạng khác nhau và dễ gặp phải nhiều biến chứng khác nhau.
Tiến sĩ George Cotsarelis, giám đốc Phòng khám Tóc và Da đầu của Đại học Pennsylvania và là chủ tịch khoa Da liễu tại Hệ thống Y tế Đại học Pennsylvania, người không tham gia vào nghiên cứu này cho biết, cơ thể có xu hướng tạo ra sẹo hơn là tái tạo da. Do đó, nghiên cứu đã được dành riêng để xác định loại hóa chất sẽ hướng cơ thể đến quá trình tái tạo da thay vì hình thành sẹo.
Ông Gause trả lời The Epoch Times qua email rằng “Việc hình thành sẹo có thể gây ra các biến chứng bao gồm đau, hạn chế vận động và nhiễm trùng,” trong khi việc tái tạo mô “có thể giúp phục hồi chức năng của da, giảm khả năng xảy ra biến chứng.“
Ông Cotsarelis cho biết “Sẹo cũng không có tuyến mồ hôi, nang lông, vì vậy sẹo không có đầu dây thần kinh“, đồng thời nói thêm rằng các mô sẹo thường làm hạn chế khả năng cảm giác.
Các tác giả của nghiên cứu đã viết rằng, ký sinh trùng Heligmosomoides polygyrus sinh sống tự nhiên trong đường ruột của các loài gặm nhấm tiết ra một loại hóa chất đã được chứng minh là có thể đẩy nhanh quá trình tái tạo da.
Nghiên cứu đã được công bố trên Life Science Alliance (Tập san Liên minh Khoa học Đời sống) và các tác giả chính đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế cho phân tử được tìm ra này. Rutgers đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế thay mặt cho một số tác giả của nghiên cứu.
Tăng tốc độ chữa lành
Sau khi tạo ra tổn thương sâu 5mm trên lưng chuột, các nhà nghiên cứu đã tiêm cho chuột hóa chất do ký sinh trùng tiết ra và theo dõi trong 12 ngày. Các tác giả dán nhãn hóa chất là TGF-beta bắt chước (TGM).
TGM liên kết với thụ thể TGF-beta, có liên quan đến quá trình chữa lành vết thương, ở cả người và chuột.
Các tác giả phát hiện ra rằng, vào ngày thứ 3 sau khi bị thương, những con chuột được dùng TGM có kích thước vết thương giảm đi 40%, so với mức giảm 15% ở những con chuột trong nhóm đối chứng.
Từ ngày đầu tiên đến ngày thứ 2, có rất ít sự khác biệt về kích thước vết thương giữa 2 nhóm. Tuy nhiên, từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 8, vết thương ở chuột được dùng TGM nhỏ đi đáng kể.
Những vết thương được tiếp xúc với TGM cũng tiết ra ít mủ hơn.
“Chúng tôi tin rằng, TGM có thể có tiềm năng tăng phản ứng chữa lành vết thương. Chúng tôi dự định nghiên cứu hiệu quả của TGM trong việc điều trị vết thương trên da người, hy vọng sẽ đưa TGM ra được ngoài thị trường như một liệu pháp,” ông Gause cho biết.
Tái tạo da ở chuột
Trong khi tác dụng thúc đẩy lành vết thương của TGM diễn ra nhanh chóng thì tác dụng tái tạo da lại xảy ra muộn hơn – sau khi tiêm 12 ngày.
Các tác giả phát hiện ra rằng, đối với những con chuột được dùng TGM, cấu trúc của collagen trong mô đã lành có dạng hình rổ, giống với mô tái tạo hơn.
Mặt khác, những con chuột chỉ được dùng nước muối sinh lý để rửa vết thương có sự hình thành collagen song song, giống với mô sẹo hơn.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra nang lông trong các mô đã lành. Mô sẹo không có tuyến mồ hôi và nang lông.
Tuy nhiên, ông Cotsarelis, người không tham gia vào nghiên cứu, đã bày tỏ sự nghi ngờ về những phát hiện của nghiên cứu.
“Khi bạn đẩy nhanh quá trình chữa lành vết thương, điều đó thường ngược lại với quá trình tái tạo, vì quá trình tái tạo thường mất nhiều thời gian hơn,” ông Cotsarelis cho biết, vì vậy kết quả “có phần trái ngược với trực giác.” Ông cũng cho biết nghiên cứu hiện tại có những hạn chế về cách đánh giá nang lông.
Ông Gause cho biết, “Chúng tôi thấy vết thương lành nhanh hơn sau khi được điều trị bằng TGM. Tuy nhiên, quá trình tái tạo mô sau đó mất một khoảng thời gian như đã thể hiện trong kết quả,” đồng thời, ông nói thêm rằng, quá trình tái tạo mô diễn ra sau khi vết thương lành.
Không có phương pháp điều trị nào chống lại sự hình thành sẹo
Hiện tại không có phương pháp điều trị nào thúc đẩy quá trình tái tạo da thay vì hình thành sẹo trong quá trình phục hồi vết thương và ông Cotsarelis cho biết rằng, liệu pháp can thiệp vào lối sống rất khó giúp ngăn ngừa được việc hình thành sẹo.
Ông cho biết, mức độ nghiêm trọng của sẹo ở mỗi người là khác nhau, phụ thuộc vào yếu tố di truyền và độ tuổi.
Ông nói: “Vì vậy, hóa ra những người lớn tuổi có xu hướng lên sẹo ít hơn những người trẻ tuổi. Những người trẻ tuổi có phản ứng chữa lành vết thương mạnh hơn và có xu hướng bị sẹo lớn hơn với nhiều triệu chứng hơn, ví dụ như ngứa. Vì vậy, đó là một lợi thế của người lớn tuổi.”
Mặc dù sức khỏe của một người có ảnh hưởng đến mức độ lành vết thương, nhưng điều này không liên quan rõ ràng đến hình dạng và mức độ nghiêm trọng của vết sẹo sau khi mô lành lại.
Ông Cotsarelis cho biết, “Chắc chắn, để lành vết thương, cần có khẩu phần dinh dưỡng tốt, không hút thuốc, và nếu bị tiểu đường, [bạn nên] kiểm soát tình trạng tiểu đường để vết thương lành lại, nhưng tôi không chắc điều đó có thực sự ảnh hưởng đến việc hình thành sẹo hay không.”
“Thực sự thì kích thước của vết thương mới là yếu tố quan trọng và quan trọng hơn là sức căng trên vết thương sẽ quyết định kích thước sẹo.”
Từ khóa Sẹo