Huyết áp cao? Khám phá cách kiểm soát huyết áp nhanh chóng bằng Trung y
- Amber Yang
- •
Huyết áp cao thường được gọi là “kẻ giết người thầm lặng” vì nó có thể xảy ra đột ngột mà không có dấu hiệu báo trước, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe. Ông Wu Hongqian, giám đốc Phòng khám Y học cổ truyền Y Sinh tại Đài Loan, đưa ra ba mẹo giúp hạ huyết áp nhanh chóng, tăng cơ hội cứu sống người bệnh.

Theo Trung y, những cơn tăng huyết áp cấp tính thường do cảm xúc quá khích, ăn nhiều đồ cay nóng hoặc mất ngủ kéo dài gây ra. Cơ chế chính là do sự mất cân bằng của hệ thần kinh tự chủ, khiến cơ thể không kiểm soát được hoạt động của hệ giao cảm và đối giao cảm.
3 mẹo giúp hạ huyết áp nhanh chóng
Xoa bóp huyệt là điều bạn có thể làm tại nhà.
1. Kích thích 3 huyệt đạo quan trọng theo đúng thứ tự
Ông Wu từng gặp một bệnh nhân có huyết áp tăng vọt lên 190 mmHg. Sau khi châm cứu ba huyệt này theo thứ tự, huyết áp đã giảm xuống còn 120 mmHg chỉ trong 5 đến 10 phút. Ba huyệt này là Dương Lăng Tuyền (GB-34), Túc Tam Lý (ST-36), và Thái Xung (LR-3). Ông Wu nhấn mạnh rằng có thể kích thích các huyệt này bằng cách châm cứu hoặc xoa bóp, nhưng phải theo đúng trình tự để dẫn khí đang dồn lên phía trên quay trở lại trạng thái bình thường.
Theo Trung y, “khí” (qi) là nguồn năng lượng sống lưu thông trong các kinh mạch của cơ thể. Khi dòng khí này bị rối loạn, nó có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm cả tình trạng huyết áp tăng đột ngột.
Bạn có thể nhẹ nhàng xoa bóp những huyệt đạo này để điều hòa khí và hỗ trợ giảm huyết áp:
- Xác định và ấn huyệt Dương Lăng Tuyền (GB-34), nằm ở phía ngoài của cẳng chân, ngay dưới đầu gối.
- Xoa bóp huyệt Túc Tam Lý (ST-36), nằm cách xương bánh chè khoảng 8cm, hơi lệch về phía ngoài của xương ống chân.
- Kích thích huyệt Thái Xung (LR-3), nằm trên mu bàn chân, tại chỗ lõm giữa ngón chân cái và ngón thứ hai.



Dùng lực ấn chắc nhưng dễ chịu, xoa bóp mỗi huyệt từ 1 đến 2 phút rồi mới chuyển sang huyệt tiếp theo. Việc tuân theo đúng trình tự này rất quan trọng để hướng khí nghịch đi xuống và làm dịu cơn tăng huyết áp đột ngột.
2. Ngâm chân trong nước nóng với gừng để kích thích tuần hoàn máu
Nếu huyết áp cao xảy ra tại nhà và bạn không thể được châm cứu hoặc xoa bóp ngay, hãy uống thuốc hạ huyết áp trước để ổn định tình hình.
Sau đó, ngâm chân trong nước nóng khoảng 42°C. Đồng thời, dùng gót chân xoa huyệt Thái Xung ở mu bàn chân đối diện, luân phiên hai bên. Ông Wu lưu ý rằng khi xoa huyệt Thái Xung, bạn không nên cúi đầu vì tư thế này có thể khiến huyết áp tăng cao hơn.
Ông cũng cho biết việc ngâm chân mang lại lợi ích chăm sóc sức khỏe hàng ngày cho người bị tăng huyết áp. Thời gian ngâm từ 15 đến 30 phút, nên thực hiện sau bữa ăn 2 giờ hoặc trước khi đi ngủ 1 giờ. Ngâm chân giúp ổn định huyết áp và cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Có thể thêm gừng hoặc muối vào nước để tăng hiệu quả tuần hoàn máu. Ông Ngô khuyên nên dùng gừng già vì nó giúp hoạt huyết, làm ấm dạ dày và tử cung. Khi tuần hoàn máu được cải thiện, não nhận được nhiều oxy hơn, từ đó huyết áp sẽ hạ dần một cách ổn định.
3. Xoa bóp “rãnh hạ áp” sau tai
Ấn vào “rãnh hạ huyết áp” nằm sau tai cũng là một cách hiệu quả để giúp giảm huyết áp. Ông Wu cho biết, bạn có thể dùng ngón cái hoặc ngón trỏ trượt từ trên xuống dưới theo đường thẳng, hoặc theo chuyển động tròn kết hợp hướng từ trên xuống dưới, đều giúp làm giảm huyết áp.
Vị trí “rãnh hạ áp” này nằm ở mặt sau của vành tai. Khi bạn kéo nhẹ chóp tai xuống, sẽ thấy một rãnh nhỏ ở phía sau tai – đó chính là “rãnh thần kỳ” giúp điều hòa huyết áp.
Trà hỗ trợ hạ huyết áp
Tăng huyết áp thường xảy ra khi não không được cung cấp đủ oxy. Lúc này, não sẽ gửi tín hiệu yêu cầu tim và mạch máu bơm thêm máu và oxy. Theo ông Wu, chìa khóa để kiểm soát huyết áp là duy trì sự lưu thông khí huyết. Việc điều hòa cơ thể bằng y học cổ truyền và châm cứu hàng ngày có thể cải thiện tình trạng tắc nghẽn khí huyết.
Ví dụ, dùng Đẳng sâm và Hoàng cầm để bổ khí, kết hợp với Hồng hoa và Địa long để hoạt huyết có thể giúp cải thiện mạch máu và tăng lượng oxy trong máu. Khi não được cung cấp đủ oxy, huyết áp sẽ tự động hạ xuống.
Vì vậy, ông Wu khuyến nghị sử dụng loại trà sau đây để hỗ trợ hạ huyết áp:
Nguyên liệu:
- 30g Hoàng cầm
- Hồng hoa, Đương quy, Xuyên khung và Đẳng sâm: Mỗi loại 3g
- 6 trái táo đỏ (táo tàu)
- 2l nước
Cách pha trà
Cho tất cả nguyên liệu vào nồi, đun sôi, sau đó hạ lửa và nấu liu riu trong khoảng 3 phút. Uống thay cho nước lọc trong suốt cả ngày.
2 thói quen giúp kiểm soát huyết áp
Ông Wu cho rằng người bị huyết áp cao cần duy trì hai thói quen sống để kiểm soát huyết áp:
- Ngủ đủ giấc: Từ kinh nghiệm lâm sàng, ông nhận thấy nhiều bệnh nhân tăng huyết áp thường xuyên thức khuya, mất ngủ hoặc thiếu ngủ. Ông nhấn mạnh rằng chất lượng giấc ngủ kém thường là dấu hiệu ban đầu của tăng huyết áp. Khi bệnh nhân lo lắng vì ngủ kém, chính sự lo lắng đó lại khiến huyết áp tăng thêm, tạo thành vòng luẩn quẩn. Vì vậy, ngủ đủ giấc là bước đầu tiên để hạ huyết áp.
- Tập thể dục 3 lần mỗi tuần: Tập thể dục giúp máu lưu thông tốt hơn nhờ kích hoạt khả năng tự nhiên của cơ thể trong việc phá vỡ các cục máu đông nhỏ, từ đó ngăn ngừa tắc nghẽn mạch máu. Điều này bảo vệ sức khỏe hệ tim mạch và giảm nguy cơ đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim. Khi máu lưu thông tốt, oxy sẽ đến não đều đặn. Ông Wu khuyến nghị nên tập thể dục ít nhất 3 lần mỗi tuần để hỗ trợ hạ huyết áp hiệu quả.
Các bài tập tốt nhất cho người bị huyết áp cao
Một nghiên cứu đăng trên Tập san British Journal of Sports Medicine (Y học Thể thao Anh Quốc) đã tổng hợp 270 báo cáo nghiên cứu, với khoảng 16.000 người tham gia, nhằm đánh giá tác động của nhiều loại hình tập luyện khác nhau đến huyết áp. Kết quả cho thấy, bài tập đẳng trường (isometric) có hiệu quả rõ rệt trong việc hạ huyết áp.
Cụ thể, huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương giảm lần lượt khoảng 8 và 4 mmHg. Hiệu quả này gần tương đương với việc dùng thuốc hạ huyết áp, vốn có mức giảm trung bình khoảng 10 mmHg (tâm thu) và 5 mmHg (tâm trương).
Bài tập đẳng trường là loại bài tập không di chuyển, nhưng cơ bắp vẫn duy trì sự co kéo liên tục. Một số ví dụ điển hình là tư thế cây cầu (bridge pose), tư thế thăng bằng (balancing stick pose), và động tác ngồi tường (wall squats). Cơ chế giúp hạ huyết áp là do trong quá trình tập, sự co cơ liên tục giúp tăng nồng độ nitric oxide – một chất giúp giãn nở mạch máu. Khi cơ tiếp tục siết và tạo áp lực, mạch máu được kích thích giãn nở thêm, từ đó làm giảm huyết áp hiệu quả hơn.
Lưu ý: Khi tập các bài tập đẳng trường, không nên nín thở, vì điều này có thể khiến huyết áp tăng đột ngột.
Ngoài ra, bài tập aerobic cũng giúp giảm huyết áp tâm thu và tâm trương lần lượt khoảng 4,5 và 2,5 mmHg. Tập nặng có thể giảm tương ứng 4,5 và 3 mmHg, trong khi bài tập ngắt quãng cường độ cao có hiệu quả tương tự như aerobic.
Tác dụng phụ của thuốc hạ huyết áp
Các loại thuốc hạ huyết áp phổ biến bao gồm thuốc lợi tiểu và thuốc chẹn kênh canxi – mỗi loại đều có tác dụng phụ riêng:
Thuốc lợi tiểu: Loại thuốc này giúp hạ huyết áp bằng cách loại bỏ nước ra khỏi máu. Tuy nhiên, khi mất nước, máu sẽ bị cô đặc, làm giảm khả năng vận chuyển oxy, có thể dẫn đến tình trạng thiếu oxy và gây chóng mặt.
Thuốc chẹn kênh canxi: Những thuốc này có tác dụng giãn và mở rộng mạch máu, giúp máu lưu thông dễ dàng hơn, từ đó giảm áp lực trong đầu. Tuy nhiên, chúng có thể gây đỏ mặt, phù chân (đặc biệt ở vùng cẳng chân) và yếu cơ.
Ông Wu khuyên rằng những bệnh nhân tăng huyết áp mạn tính nên tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ và không nên tự ý ngưng thuốc chỉ vì gặp tác dụng phụ mà chưa tham khảo ý kiến chuyên môn. Tự ý điều chỉnh thuốc có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như đột quỵ hoặc huyết áp tăng trở lại.
Lưu ý: Phác đồ điều trị cần được cá nhân hóa, vì cơ địa mỗi người khác nhau. Hãy tham khảo chuyên gia y tế để có kế hoạch phù hợp.
Theo Amber Yang, The Epoch Times
Từ khóa Huyết áp cao
