Sau khi bản thảo thứ 11 của “Phân loại Quốc tế về Bệnh tật” (ICD-11), cuốn sách mà các nhà nghiên cứu và bác sĩ dùng để theo dõi và chẩn đoán bệnh được cập nhật, hiện tại, Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã chính thức xếp “nghiện game” vào một loại bệnh rối loạn tâm thần.

Liên Hiệp Quốc dự định xếp nghiện game vào loại bệnh rối loạn tâm thần
(ảnh: Paula Bronstein/ Getty Images)

Triệu chứng của bệnh được miêu tả là “hành vi chơi game lặp lại nhiều lần hoặc kéo dài”, bao gồm sự mất kiểm soát đối với game và nghiêm trọng “tới mức game được ưu tiên hơn các sở thích và các hoạt động khác trong cuộc sống hàng ngày.”

WHO xếp nghiện game vào nhóm các hành vi liên quan tới công nghệ có nguy cơ gây hại, bao gồm cả việc dùng “internet, máy tính, điện thoại” quá nhiều.

Theo cuốn sách, những triệu chứng trên phải kéo dài 12 tháng mới có thể kết luận là bị “nghiện game”. Tuy nhiên, WHO không đưa ra biện pháp ngăn chặn hoặc điều trị cho loại bệnh này.

Từ lâu các chuyên gia đã tranh luận liệu nghiện game có phải là một loại rối loạn sức khỏe tâm thần hay không. Trong một bài báo trên tạp chí Khoa học Tâm lý năm 2009, ước lượng có khoảng 8,5% trẻ em chơi game ở Mỹ trong độ tuổi 8-18 có dấu hiệu nghiện game.

Theo những người ủng hộ việc xếp nghiện game là một chứng rối loạn tâm thần, nó cũng không khác gì so với nghiện ma túy và nghiện rượu.

>> Vì sao game có ma lực mạnh đến vậy? Kỳ 1: Ba yếu tố ‘mồi câu’

Chuyên gia về sức khỏe tinh thần và các chứng lạm dụng của WHO, bà Shekhar Saxena, cho biết trong một vài trường hợp nghiêm trọng mà nhóm nghiên cứu từng tìm thấy, có người chơi game tới 20 giờ một ngày, bỏ ngủ, bỏ ăn, bỏ đi làm, đi học hay các hoạt động khác.

Việc đưa ‘nghiện game’ vào “Phân loại Quốc tế về Bệnh tật” sẽ khiến cho các công ty bảo hiểm phải trả tiền cho các trường hợp điều trị chứng nghiện này.

Cũng theo trung tâm điều trị cai nghiện Anh Quốc (UK Addiction Treatment Centre – UKAT), biểu hiện nghiện game không phải chỉ có một vài triệu chứng đơn lẻ, mà là tổng hợp nhiều dấu hiệu rối loạn tâm thần như mệt mỏi, nhức đầu, mất ngủ, ám ảnh, dễ nổi nóng, cáu gắt, thiếu dinh dưỡng…

Được biết, trung tâm này đã soạn thảo một chương trình đầy đủ để điều trị các bệnh nhân nghiện game. Theo ghi nhận tại đây, một số ca nghiện game còn trầm trọng hơn nghiện thuốc và các chất kích thích.

WHO định nghĩa sự rối loạn về thần kinh (mental disorder) là một loạt các hành vi kiên trì và lặp lại cho thấy sự tổn hại rõ ràng và trầm trọng lên một đối tượng ở góc độ cá nhân, gia đình, xã hội, giáo dục, nghề nghiệp hoặc các khía cạnh khác của cuộc sống.

Các triệu chứng cụ thể:

  1. Có biểu hiện mất kiểm soát trong việc chơi game (chơi quá nhiều lần trong ngày, mỗi lần chơi quá lâu)
  2. Ưu tiên việc chơi game hơn các hoạt động khác, cản trở các sinh hoạt cá nhân khác
  3. Thường tiếp tục chơi game hay có chiều hướng gia tăng thời gian chơi game bất kể các tác dụng xấu của nó

Theo tài liệu này, người ta có thể quan sát các triệu chứng kể trên để xác định mức độ nghiện game của một người có trầm trọng hay không. Quá trình phải được theo dõi ít nhất 12 tháng trước khi được chuẩn đoán. Tuy nhiên, thời lượng này có thể giảm xuống nếu phát hiện các dấu hiệu nghiêm trọng.

Vì vậy, báo cáo này nhấn mạnh yếu tố mất kiểm soát trong việc chơi game. Nhìn chung, trong mọi sinh hoạt của một người, dù cần thiết đến đâu cũng trở nên thoái hoá nếu bị lạm dụng, cản trở các nhu cầu khác, làm mất cân bằng cuộc sống.

Theo qz.com, WHO, CNN
Thành Đô, Thanh Sơn tổng hợp

Xem thêm: