Nghiên cứu toàn cầu: Chúng ta đang sống lâu hơn nhưng không khỏe mạnh hơn
- George Citroner
- •
Nghiên cứu mới cho thấy con người đang sống lâu hơn nhưng lại có nhiều năm sống trong tình trạng sức khỏe kém hơn.
Lời hứa của y học hiện đại luôn rất đơn giản: kéo dài tuổi thọ thêm nhiều năm nữa. Nhưng một nghiên cứu quốc tế mới cho thấy một điều trớ trêu tàn khốc là chúng ta đang sống lâu hơn chỉ để trải qua những năm tháng đó vật lộn với tình trạng sức khỏe suy nhược.
Phân tích toàn diện về dữ liệu y tế toàn cầu từ hơn 180 quốc gia đã phát hiện ra rằng một người trung bình hiện dành 9,6 năm – gần cả thập kỷ – trong cuộc đời của mình để quản lý bệnh tật và khuyết tật.
Sự phân chia sức khỏe toàn cầu xuất hiện
Theo nghiên cứu được công bố trên JAMA Network Open hôm thứ Tư (11/12), phụ nữ và đàn ông có sự chênh lệch rõ rệt về số năm bị suy giảm sức khỏe, với mức chênh lệch trung bình là 2,4 năm.
Các tác giả nghiên cứu viết: “Sự chênh lệch trong khoảng cách sức khỏe – tuổi thọ giữa hai giới là trên quy mô toàn cầu, một phần được củng cố bởi tuổi thọ cao hơn và gánh nặng bệnh không lây nhiễm cao hơn rõ rệt ở phụ nữ”.
Hoa Kỳ có khoảng cách về tuổi thọ và sức khỏe rõ rệt nhất, với 12,4 năm sức khỏe bị tổn hại. Khoảng cách đáng kể này chủ yếu là do tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm ngày càng tăng (không truyền trực tiếp từ người này sang người khác), bao gồm cả bệnh tiểu đường và bệnh tim.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, 14.3% người lớn ở Hoa Kỳ mắc bệnh tiểu đường, trong đó 10.1% được chẩn đoán và 4.2% chưa được chẩn đoán. Tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường cũng tăng theo tuổi, với 3,6% người lớn dưới 40 tuổi, 12,1% người lớn từ 40 đến 59 tuổi và 20,5% người từ 60 tuổi trở lên mắc bệnh này. Ngoài ra, hàng trăm nghìn người tử vong vì bệnh tim mạch mỗi năm.
Nhu cầu cấp thiết phải giải quyết bệnh mạn tính
Trong hai thập kỷ qua, tuổi thọ trung bình toàn cầu đã tăng hơn sáu năm, trong khi tuổi thọ hiệu chỉnh theo sức khỏe – một thước đo tính đến chất lượng cuộc sống, tương tự như tuổi thọ khỏe mạnh – chỉ tăng 5,4 năm, theo kết quả nghiên cứu.
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng sự mất cân bằng này làm nổi bật nhu cầu cấp thiết về việc cải thiện quản lý sức khỏe và giải quyết các bệnh mãn tính làm giảm chất lượng cuộc sống.
Hơn nữa, các tác động kinh tế tiềm ẩn bao gồm chi phí chăm sóc sức khỏe tăng do thời gian mắc bệnh mạn tính kéo dài, lực lượng lao động giảm và gây áp lực lên hệ thống an sinh xã hội và Medicare.
Tại Hoa Kỳ, các vấn đề về sức khỏe tâm thần và các bệnh cơ xương khớp, bao gồm các tình trạng như viêm khớp và loãng xương ảnh hưởng đến cơ, xương và các mô khác, góp phần đáng kể vào sự chênh lệch [giữa tuổi thọ trung bình và tuổi thọ khỏe mạnh] này.
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không chỉ tập trung vào việc kéo dài tuổi thọ mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống. Họ nhấn mạnh nhu cầu về các chính sách, sáng kiến ưu tiên sức khỏe và hạnh phúc khi dân số toàn cầu già đi, với mục tiêu cuối cùng là thu hẹp khoảng cách tuổi thọ khỏe mạnh – tuổi thọ trung bình.
Tú Liên biên dịch
Theo The Epoch Times
Từ khóa Sống lâu Nghiên cứu khỏe hơn