Nghiên cứu: Tỷ lệ chẩn đoán tự kỷ ở người lớn tăng 450%
- George Citroner
- •
Số lượng người Mỹ được chẩn đoán mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ (ASD) đã tăng gần gấp 3 lần trong thập niên qua, trong đó nhóm người trẻ từ 26 đến 34 tuổi có sự gia tăng đột biến nhất – tăng 450% – theo một nghiên cứu cắt ngang mới được công bố trên tạp chí JAMA Psychiatry (Tập san Tâm thần học JAMA) vào thứ Tư (30/10/2024).
Các tác giả phát hiện ra rằng, từ năm 2011 đến năm 2022, tỷ lệ chẩn đoán tự kỷ nói chung đã tăng 175%. Phụ nữ và các nhóm chủng tộc cũng có tỷ lệ chẩn đoán tăng đáng kể.
Phân tích cho thấy, tỷ lệ chẩn đoán ASD tăng chưa từng có – từ 2.3/1,000 lên 6.3/1,000 trong thập niên qua, trong đó phụ nữ và các nhóm thiểu số có mức tăng mạnh nhất.
Mặc dù chứng tự kỷ thường được chẩn đoán ở trẻ em, nhưng căn bệnh này sẽ kéo dài suốt đời và có thể cần được trợ giúp liên tục trong suốt tuổi trưởng thành.
Các nhà nghiên cứu đã thu thập dữ liệu từ 12 trang web của Hệ thống Nghiên cứu Sức khỏe Tâm thần (MHRN), tập trung vào những bệnh nhân đã đăng ký tham gia vào các hệ thống y tế trong ít nhất 10 tháng mỗi năm dương lịch.
Người lớn trẻ tuổi có mức tăng mạnh nhất
Trong khi trẻ em từ 5 đến 8 tuổi có tỷ lệ chẩn đoán cao nhất thì người lớn trẻ tuổi từ 26 đến 34 tuổi có mức tăng đáng kể nhất: 450% từ năm 2011 đến năm 2022.
Dữ liệu cũng cho thấy sự khác biệt về giới tính. Trong số trẻ em, chẩn đoán ở nữ tăng 305% so với 185% ở nam. Phụ nữ trưởng thành cũng có xu hướng tương tự, với chẩn đoán tăng 315% so với 215% ở nam giới.
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng, những con số này có thể vẫn là thấp so với tỷ lệ mắc ASD thực sự, “đặc biệt là ở phụ nữ lớn tuổi, vì nhiều người không được sàng lọc khi còn nhỏ và vẫn chưa được chẩn đoán”.
Các mô hình chủng tộc và dân tộc thiểu số
Nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ chẩn đoán tăng cao ở trẻ em dân tộc và chủng tộc thiểu số so với trẻ em da trắng. Các nhà nghiên cứu đã viết rằng “Không giống như ở trẻ em, sự chênh lệch về chủng tộc và dân tộc thiểu số dường như vẫn tồn tại ở người lớn”.
Trong khi người lớn da trắng vẫn được chẩn đoán bị mắc ASD gấp đôi so với những người thuộc các nhóm chủng tộc và dân tộc thiểu số khác thì theo một nghiên cứu năm 2023, trẻ em da đen, gốc Tây Ban Nha và châu Á hiện được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ với tỷ lệ cao hơn trẻ em da trắng, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC).
Khả năng điều trị chứng tự kỷ
Mặc dù hiện tại không có cách chữa khỏi ASD, nhưng bệnh nhân có thể có cuộc sống trọn vẹn với sự trợ giúp phù hợp. Điều trị sớm là rất quan trọng; điều này giúp giảm thiểu các thách thức, tăng cường sức mạnh và dạy các kỹ năng mới. Vì mỗi người mắc chứng tự kỷ đều có nhu cầu riêng nên các giải pháp can thiệp cần được cá nhân hóa để có kết quả tối ưu.
Dịch vụ can thiệp sớm
Trẻ em dưới 3 tuổi là đủ điều kiện nhận dịch vụ tự kỷ thông qua các chương trình can thiệp sớm của tiểu bang. Các gia đình nên trao đổi với các chuyên gia để lập kế hoạch dịch vụ gia đình cá nhân hóa (IFSP) và liệu pháp chữa trị tại nhà hoặc tại nhà trẻ.
Trẻ em từ 3 đến 5 tuổi đủ điều kiện được hưởng các dịch vụ mẫu giáo miễn phí từ trường học hoặc trung tâm học tập địa phương. Các dịch vụ này thường bao gồm liệu pháp và các giải pháp trợ giúp học tập tại nhà hoặc tại lớp học. Đối với trẻ em đủ điều kiện, sẽ được xây dựng chương trình giáo dục cá nhân hóa (IEP), phác thảo các mục tiêu về học tập, hành vi, kỹ năng xã hội và tự chăm sóc. Các dịch vụ giáo dục đặc biệt có thể được tiếp tục áp dụng cho đến khi trẻ 21 tuổi kèm theo các cuộc đánh giá lại khi trẻ được 6 tuổi để đánh giá nhu cầu về IEP.
Can thiệp về hành vi, tâm lý và giáo dục
Sau đây là các lựa chọn can thiệp bổ sung:
- Phân tích hành vi ứng dụng (ABA): Phương pháp điều trị từng bước này tập trung vào các kỹ năng nhận thức, xã hội, ngôn ngữ và tự chăm sóc, củng cố những cải thiện nhỏ để phát triển hoặc thay đổi hành vi đồng thời giảm các hành vi gây rối.
- Mô hình Early Start Denver (Mô hình can thiệp sớm Denver – ESDM): Được thiết kế cho trẻ em từ 12 đến 48 tháng tuổi, liệu pháp này kết hợp các kỹ thuật ABA và trò chơi tương tác để trau dồi các kỹ năng ngôn ngữ, xã hội và nhận thức.
- Floortime (Mô hình giáo dục ngồi sàn): Đây là liệu pháp dựa trên mối quan hệ, trong đó người chăm sóc tương tác trực tiếp với trẻ em theo mức độ [phát triển] của trẻ. Liệu pháp này có thể được sử dụng riêng lẻ hoặc kết hợp với liệu pháp ABA.
- Liệu pháp ngôn ngữ – lời nói: Liệu pháp này giúp cải thiện các kỹ năng giao tiếp bằng lời và không lời.
- Liệu pháp nghề nghiệp: Liệu pháp nghề nghiệp giải quyết tình trạng chậm phát triển các kỹ năng vận động tinh và các thách thức về tích hợp giác quan, vốn rất quan trọng đối với nhiều trẻ tự kỷ.
- Phương pháp can thiệp phát triển quan hệ (RDI): Liệu pháp lấy gia đình làm trung tâm này nhằm mục đích nâng cao các kỹ năng xã hội và cảm xúc. Cha mẹ sẽ được đào tạo để trợ giúp cho sự phát triển của con.
Sử dụng thuốc
Mặc dù không có loại thuốc nào có thể chữa khỏi chứng tự kỷ, nhưng một số loại thuốc có thể giúp kiểm soát các triệu chứng cụ thể:
- Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI): Các loại thuốc như fluoxetine, paroxetine và fluvoxamine có thể làm giảm các hành vi rập khuôn.
- Thuốc chống loạn thần: Các loại thuốc như risperidone có thể giúp ích cho các hành vi tự gây thương tích nhưng có thể có tác dụng phụ.
- Thuốc ổn định tâm trạng và thuốc kích thích thần kinh: Những loại thuốc này có tác dụng với những người đang phải đối mặt với tình trạng mất tập trung, bốc đồng hoặc tăng động.
Bằng cách áp dụng bất kỳ phương pháp điều trị nào trong số này, các gia đình có thể cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống cho những người mắc chứng tự kỷ.
Khánh Ngọc biên dịch
Theo The Epoch Times
Xem thêm: