Nhạc sàn, nhạc rock ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe?
- thiệm âm
- •
Có thể bạn đang là fan của các dòng nhạc hiện đại techno, nhạc sàn, EDM (electronic dance music) hoặc nhạc rock… Bạn có biết cách mà cơ thể chúng ta đón nhận loại nhạc này như thế nào không? Bài viết này sẽ chia sẻ với bạn một vài điều bất ngờ và thú vị.
Để giải trí, nhiều người cho rằng cái gì vui là được rồi, xả được stress, quên đi áp lực cuộc sống hiện tại là được rồi, bởi vì đó cũng chỉ là giải trí thôi. Thực ra nó không đơn giản như vậy, đôi lúc bạn đạt được mục đích giải trí, lấp được khoảng thời gian trống trải, nhưng sức khỏe của bạn có thể đang bị tổn hại.
Tổn hại thính giác
Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hơn một tỷ thanh thiếu niên và người trẻ tuổi đang có nguy cơ mất thính giác (cách nói bình dân gọi là điếc). Không cần phải đợi đến khi về già, mà chỉ với cách nghe nhạc phổ biến hiện nay như dùng tai phone để nghe trong điện thoại, nhạc trong các vũ trường, quán bar, thậm chí trong các tiệm thời trang, trung tâm thương mại, quán karaoke… ở mức mà bạn nghĩ là bình thường thì cũng đủ gây hại vĩnh viễn cho tai của bạn rồi.
WHO cho hay, có đến 50% số người trong độ tuổi 12-35 nghe nhạc với các thiết bị cá nhân ở vượt qua ngưỡng an toàn. Ngưỡng này không hề cao, chỉ cần tiếp xúc với tiếng ồn 100 dB trong vòng 15 phút là tai của bạn đã bắt đầu tiếp cận với nguy cơ tổn hại thính giác. Như vậy, nếu bạn trải qua một đêm vui chơi trong quán bar thì tổn thương về tai sẽ khó mà tránh được.
Mất thính giác không thể phục hồi
Tiếp xúc với tiếng ồn lâu và thường xuyên, bao gồm cả nhạc có âm lượng lớn sẽ làm bạn quen dần. Tuy nhiên tác hại của chúng vẫn tiếp tục ngay cả khi bạn không cảm thấy khó chịu. Bạn sẽ không để ý cho đến một ngày nhận ra các triệu chứng như ù tai, có những tiếng khó chịu trong tai, không nghe rõ những âm thanh thông thường. Một khi bị mất thính giác thì nó sẽ rất khó để khôi phục lại.
Do vậy trường hợp nghe nhạc với các thiết bị điện tử cá nhân, hãy sử dụng loại tai nghe được trang bị lớp cách âm, để tránh việc âm thanh dội thẳng vào tai. Mức độ ảnh hưởng phụ thuộc vào thời gian bạn tiếp xúc. Theo WHO, ngưỡng cường độ âm thanh an toàn nằm dưới 85 dB cho khoảng thời gian 8h, hoặc 100 dB trong vòng 15 phút. Mức 85 dB không phải là cái gì ồn ào lắm, nó tương đương với tiếng vọng của giao thông có thể lọt qua cửa kính để vào trong xe của bạn. Ngày nay một số điện thoại có trang bị chức năng cảnh báo nếu bạn để âm thanh vượt ngưỡng an toàn, đừng vượt qua mức đó.
>> Ô nhiễm ánh sáng làm mờ đục tâm hồn
Nghe nhạc rock, EDM… có hại cho sức khỏe không?
Các bác sĩ của trường Y Hannover (Đức) cảnh báo nguy cơ chấn thương não cho những người nghe nhạc rock sau khi ghi nhận một số trường hợp bị tổn thương não do có những cử động giật lắc nhanh, mạnh theo nhạc. Bạn sẽ có cảm giác được xả stress, vui vẻ nhưng việc hâm mộ quá mức có thể mang lại kết quả tai hại.
Nói về nhạc rock, các nghiên cứu khoa học không cho kết quả đồng nhất về tác động. Một số kết luận rằng các cá nhân sau khi nghe nhạc rock trở nên hung hăng và dễ nổi nóng hơn, trong khi một số nghiên cứu lại cho thấy người đang nổi nóng trở nên vui vẻ, bình tĩnh hơn sau khi nghe nhạc rock nếu đó là loại nhạc yêu thích của họ.
Trong phạm vi bài này, xin được đưa ra một thí nghiệm đáng suy ngẫm:
Thí nghiệm tinh thể nước và âm nhạc: Khi nghiên cứu tác động của các loại thông điệp khác nhau lên nước, tiến sĩ người Nhật Bản, ông Emoto Masaru, đã làm cho giới khoa học kinh ngạc nhưng không kém phần thích thú. Các mẫu nước đã kết tinh được cho xem hoặc nghe các loại nhạc khác nhau, sau đó tinh thể nước được chụp hình với kính hiển vi. Cùng một loại mẫu nước, nhưng mỗi thông điệp cho ra một hình ảnh khác nhau. Ví dụ, hình ảnh thu được khi cho nước nghe nhạc cổ điển tỏ ra rất lung linh tráng lệ, khác hẳn hình ảnh bất thường thu được khi cho nước nghe nhạc rock.
>> Phong thủy tốt nhất cho cuộc đời bạn – Kỳ IV: Thiện niệm và nước
Theo tiến sĩ Emoto, cơ thể bạn có đến 80% là nước. Như vậy, nếu nước “không thích” nhạc rock, thì có thể nước sẽ không có được trạng thái tốt nhất khi nghe loại nhạc này, và qua đó có thể mang lại cho bạn các trạng thái sức khỏe không tốt. Kết quả chụp hình tinh thể nước sau khi được nghe nhạc cổ điển thì tuyệt đẹp và điều này dường như logic với tác động có lợi của nhạc cổ điển lên não người. Có thể là âm nhạc cổ điển phù hợp với các nguyên tắc phổ quát của thiên nhiên, vì vậy có tác động tích cực lên các cơ thể sống.
Loại nhạc nào là có lợi nhất cho cơ thể?
Cho đến nay, chỉ có loại nhạc cổ điển và nhạc truyền thống Trung Hoa đã được chứng minh là có lợi cho tinh thần và thể chất cho con người, thậm chí có thể sử dụng như một liệu pháp y học. Nhạc cổ điển có thể giúp phát triển và bảo vệ não, tăng cường khả năng học tập, đồng thời làm chậm sự phát bệnh mất trí nhớ.
Theo Trung y thì âm nhạc có tác động rất lớn lên sức khỏe con người. Các loại nhạc truyền thống Trung Hoa có thang âm ngũ cung, bao gồm cung, thương, giốc, chủy, vũ, tương đương với đồ, rê, mi, sol và la. Theo “Hoàng Đế Nội Kinh” – một trong Tứ Đại Kỳ Thư, thì 5 cung này có mối tương đồng rất rõ ràng với năm cơ quan lớn trong cơ thể – ngũ tạng. Mỗi một cung sẽ nuôi dưỡng và tiếp thêm năng lượng cho các hệ cơ thể theo một cách khác nhau, qua đó có các tác dụng cải thiện các trạng thái cảm xúc, tinh thần khác nhau.
Do vậy, việc chọn thể loại âm nhạc nào và nghe ở cường độ nào cũng sẽ rất quan trọng đối với sức khỏe của bạn. Nó không chỉ là các tổn thương về vật lý mà khoa học hiện tại đã tìm ra (mất thị giác, hại não hoặc bổ não…) mà còn ảnh hưởng trực tiếp lên tâm sinh lý của cơ thể.
Nói chung, các bậc thầy dưỡng sinh đều khuyến cáo nên nghe các dòng nhạc cổ điển, nhạc thiền nhẹ nhàng gần gũi với thiên nhiên, hoặc âm nhạc truyền thống có giá trị nhân văn cao thay vì các dòng nhạc mới dễ làm cho cảm xúc con người xáo trộn mạnh, thậm chí có thể đi đến trạng thái tinh thần cực đoan.
Sơn Vũ biên tập
Xem thêm:
Từ khóa Âm nhạc nhạc cổ điển ngũ tạng nhạc rock Văn hóa cổ truyền