Cuộc sống thực đầy gian nan, nhưng khi con người ngày càng dựa vào game để dễ dàng đáp ứng các nhu cầu và thử thách của cuộc sống thì chính cuộc sống thực của họ bắt đầu sụp đổ.

r shutterstock 1731690001
(Ảnh: aslysun/ Shutterstock)

Trong suốt hơn một thập niên, anh Martin Cermak, 27 tuổi, đã sống trong 2 thế giới: 1 thế giới thực nơi anh vật lộn với các mối quan hệ, phương hướng sống và 1 thế giới kỹ thuật số nơi anh là một game thủ lão luyện.

Cú sốc đánh thức cả 2 thế giới của anh chính là cuộc chia tay khiến anh bị tê dại. Người bạn gái đầu tiên của anh đột ngột kết thúc mối quan hệ sau 9 tháng hẹn hò.

“Thành thật mà nói, lúc đầu tôi không thể tin được”, anh Martin chia sẻ với The Epoch Times.

Trong nhiều tháng trước khi chia tay, Martin đã rơi vào một vòng xoáy trượt dài. Anh đã bỏ công việc trong quân đội, dành phần lớn thời gian trong ngày để chơi game, phát trực tuyến cảnh mình chơi game hoặc xem người khác chơi. Anh cũng có nguy cơ mất việc làm bán thời gian vì đã nghỉ làm nhiều ca chỉ vì… không muốn làm việc. Chỉ khi thật cần thiết, anh mới đến lớp học đại học còn lại mọi thời khắc rảnh rỗi anh đều chơi game.

“Tôi đã trải qua một quãng thời gian dài và căng thẳng để suy nghĩ, quyết định bước tiếp theo là gì. Tôi từng nghĩ đến việc quay lại với cô ấy. Tôi từng nghĩ đến chuyện đi nhà thờ. Tôi cũng từng nghĩ đến việc bỏ chơi game – và tôi đã làm như vậy”. Quyết định đó đã làm thay đổi cuộc đời anh.

Game từng bị coi là thú chơi của những kẻ mọt sách, nhưng nay đã trở thành hiện tượng phổ biến trong xã hội. Ngày nay, có đến 70% người tiêu dùng tại Mỹ tự nhận mình là game thủ, với thời gian chơi trung bình lên tới 14,5 giờ/tuần.

Cuộc sống thực rất khó khăn còn game mang đến một thế giới ảo để trốn chạy – nơi mà thành tựu và khát vọng có thể đạt được một cách dễ dàng, cũng như cuộc sống trở nên sống động hơn nhiều. Khi các trò chơi điện tử ngày càng lôi cuốn con người vào thực tại ảo, những tác động sâu sắc hơn bắt đầu xuất hiện.

Một cuộc trốn thoát còn hấp dẫn hơn cả hiện thực

“Có những game đáp ứng mọi loại động lực của người chơi”, Jesse Schell, Giáo sư danh dự về công nghệ giải trí tại Đại học Carnegie Mellon, Giám đốc điều hành của Schell Games (Công ty phát triển game nổi tiếng tại Mỹ) kiêm nhà thiết kế game, chia sẻ với The Epoch Times.

Các game trực tuyến nhiều người chơi, phần lớn mang tính hành động và bạo lực, dường như đáp ứng nhu cầu được khẳng định bản thân và kết nối xã hội của mọi người. Game thế giới mở thì trao cho người chơi quyền tự do làm bất cứ điều gì họ muốn – như cướp ngân hàng hoặc khai thác tài nguyên để xây nhà.

Nếu bạn đang tìm kiếm một cuộc sống đơn giản thì những game “cozy” (thư giãn, ấm cúng) có thể thu hút bạn – thường lấy bối cảnh ở một trang trại hoặc ngôi làng yên bình, nơi bạn có thể câu cá, trồng trọt và trò chuyện với hàng xóm bên tách trà. Còn nếu bạn khao khát hành động và kịch tính thì các game nhập vai và phiêu lưu sẽ mang đến những nhiệm vụ thú vị và cốt truyện hấp dẫn.

choi dien tu 2
Mỗi game khác nhau đáp ứng một nhu cầu khác nhau của mọi người. (Ảnh: Yaroslav Astakhov/ Shutterstock)

Game mang đến một lối thoát.

Trong khi bạn đang trì trệ với những bài tập chưa hoàn thành thì nhân vật của bạn trong game mô phỏng có thể đã tốt nghiệp thủ khoa với bảng điểm xuất sắc. Khi bạn đang vật lộn với lo âu xã hội thì nhân vật của bạn trong game mô phỏng lại có thể chinh phục mọi mục tiêu về mối quan hệ.

“Muốn đạt được bất kỳ điều gì trong đời thực thì cần phải có sự nỗ lực lớn, thời gian dài, sự bất định và khả năng chịu đựng cảm xúc”, Alok Kanojia, bác sĩ chuyên khoa Tâm thần và là đồng sáng lập Công ty Tư vấn Sức khỏe Tâm thần Healthy Gamer, chia sẻ với The Epoch Times.

Bác sĩ Kanojia nói:

“Bạn muốn đạt điểm cao? Việc đó cần nhiều năm. Bạn muốn xây dựng sự nghiệp? Điều đó cần hàng thập niên. Bạn muốn cảm thấy tự tin hay tự hào về bản thân? Đó là hành trình phát triển kéo dài cả đời. Nhưng trong game, bạn có thể đi từ tay trắng thành anh hùng chỉ sau vài giờ. Bạn bắt đầu ở cấp độ 1 và đến cuối đêm đã lên đến cấp 10. Con đường đã được vạch sẵn. Phản hồi đến ngay lập tức. Mọi thao tác đều rõ ràng”.

Douglas Gentile, Giáo sư xuất sắc ngành Nghệ thuật và Khoa học tự do tại Đại học Bang Iowa, chuyên nghiên cứu về chứng rối loạn chơi game trên internet và tác động của truyền thông, cho biết, việc chơi game tạo ra một cảm giác thành tựu giả tạo.

Giáo sư Gentile chia sẻ với The Epoch Times rằng, bộ não không thể phân biệt giữa thế giới ảo và đời thực. Dù những thành tựu trong game là vô hình, nhưng bộ não vẫn nhận diện chúng là có thật. “Tôi có thể dành 4 tiếng đồng hồ để xây dựng một công trình trong game … và với tôi, cảm giác giống như tôi thực sự đã làm được điều gì đó hôm nay”, Giáo sư chia sẻ.

Ngoài việc não bộ đánh lừa chúng ta – xem game như là thế giới thực – các nhà thiết kế game còn xây dựng các tính năng củng cố sự đánh lừa này và mang lại sự thỏa mãn không gì sánh bằng.

Game lôi kéo người chơi như thế nào

Các hình thức giải trí truyền thống như âm nhạc và sách mang đến cho mọi người trải nghiệm nhưng không có hình thức nào có thể sánh được với mức độ đắm chìm mà các game thực tại ảo có thể tạo ra.

Thiết kế game nhằm mục đích tạo ra một trải nghiệm mang tính con người trong một hoàn cảnh phi tự nhiên.

Milijana Komad, một nhà thiết kế UI/UX, chia sẻ với The Epoch Times rằng: “Việc thiết kế game là sự cân bằng giữa cơ chế, động lực và cảm xúc thẩm mỹ. Cơ chế là luật chơi và hệ thống; động lực là cách người chơi tương tác với các hệ thống đó; còn cảm xúc thẩm mỹ là phản ứng cảm xúc mà game gợi lên”.

Kết hợp các yếu tố này với cốt truyện và khả năng xây dựng thế giới tạo nên một game mang lại cảm giác có ý nghĩa và khiến người chơi cảm thấy gắn bó.

Hiệu ứng Game Juice (Hiệu ứng thị giác – âm thanh)

Game juice là thành phần then chốt trong các game. Đó là cách âm thanh bước chân thay đổi khi nhân vật di chuyển từ thảm sang sàn gỗ hay cách những ngọn cỏ rung rinh dưới chân khi người chơi bước vào một cánh đồng.

Đó là những viên kẹo trong Candy Crush phát sáng trắng khi bạn kết nối đúng và những lời tán dương như “Tuyệt vời” hiện lên trên màn hình đồng thời với một giọng nói vang lên.

r shutterstock 2436702643
(Ảnh: Shutterstock)

Phản hồi tức thì là yếu tố thiết yếu để người chơi cảm thấy rằng hành động của họ được ghi nhận và đền đáp. Game juice mang lại cho người chơi cảm giác kiểm soát đầy thỏa mãn và nâng cao mức độ nhập vai.

Trạng thái dòng chảy

Trạng thái dòng chảy là yếu tố giữ chân người chơi tiếp tục chơi. Đây là trạng thái tâm lý phấn khích tột độ, lần đầu được nhà tâm lý học Mihaly Csikszentmihalyi xác định vào những năm 1990. Ban đầu, trạng thái này được ghi nhận ở những chuyên gia như thạc sĩ hoặc nhà khoa học, khi họ đắm chìm hoàn toàn vào công việc đến mức thời gian như ngừng trôi và bản ngã dường như tan biến. Trạng thái dòng chảy gắn liền với cảm giác thành tựu và sự thành thạo.

Kể từ đó, các game đã cố gắng tái tạo trạng thái dòng chảy bằng cách điều chỉnh mức độ khó của game sao cho phù hợp chính xác với kỹ năng của người chơi.

b9ba1df3a86d1f33467c2
(Ảnh minh họa cho trạng thái dòng chảy: The Epoch Times)

Giáo sư Schell cho biết: “Việc tăng dần yêu cầu kỹ năng thực tế trong game là điều vô cùng quan trọng. Nếu đòi hỏi quá nhiều kỹ năng thì game đó sẽ gây ức chế cho người chơi, nhưng nếu đòi hỏi quá ít kỹ năng thì sẽ trở nên nhàm chán. Một game hay sẽ tìm được điểm cân bằng hoàn hảo ở giữa – điểm vừa đủ”.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là người chơi thực sự đang trở nên giỏi hơn. Cần phân biệt giữa kỹ năng thực tế và kỹ năng ảo.

“Kỹ năng thực sự là khi bạn rèn luyện và nâng cao một kỹ năng thật, ví dụ như ngày càng thực hiện tốt hơn các cú nhảy kép trong game. Kỹ năng ảo là khi bạn nhận được một vật phẩm tăng sức mạnh trong game – như một thanh kiếm mạnh hơn – khiến bạn trông có vẻ như chơi giỏi hơn, trong khi thực chất là bạn chỉ có nhiều sức mạnh hơn so với trước đây mà thôi”, Giáo sư Schell giải thích.

Từ niềm vui đến sự cưỡng bức

Có tới 10% game thủ mắc chứng rối loạn chơi game, thường được gọi là nghiện game. Nguyên nhân thì rất nhiều. Game kích thích giải phóng một lượng lớn dopamine, một chất hóa học trong não đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra động lực.

Giống như sô cô la, tình dục và ma túy, game là yếu tố kích thích dopamine mạnh mẽ. Chúng làm tăng gấp đôi mức dopamine cơ bản của não.

fe268e6f3bf18cafd5e01

(Ảnh: The Epoch Times)

Game mang lại cảm giác thỏa mãn tức thì liên quan chặt chẽ với chứng nghiện.

“Thuốc lá là bằng chứng cho thấy bạn không cần phải phê thuốc hay ảo giác mới có thể nghiện, bạn chỉ cần cảm nhận được hiệu ứng ngay tức thì. Vì vậy, tất cả đều xoay quanh việc có được điều mình muốn vào đúng lúc mình muốn” – bác sĩ chuyên khoa Tâm thần Clifford Sussman, chuyên điều trị các chứng rối loạn sử dụng internet và game, chia sẻ với The Epoch Times.

Sự thỏa mãn tức thì trong game đến từ việc chúng phản hồi ngay lập tức với hành động của người chơi. Việc thăng cấp và cải thiện diễn ra nhanh hơn rất nhiều so với các hoạt động trong đời thực.

Game cũng có thể đáp ứng các nhu cầu tâm lý như trốn tránh căng thẳng, tìm kiếm sự tự chủ, thành tựu hoặc các mối quan hệ xã hội.

Daria Kuss, Giáo sư ngành Tâm lý học chuyên nghiên cứu về các khía cạnh tâm lý của việc sử dụng Internet và công nghệ tại Đại học Nottingham Trent, chia sẻ với The Epoch Times rằng: “Chơi game để trốn tránh là một động lực thường xuyên được nhắc đến”. Nghiên cứu của bà cho thấy những người chơi game để trốn tránh thực tại có nguy cơ cao hơn trong việc phát triển chứng nghiện.

“Ham muốn chơi game không đơn thuần chỉ là sự khao khát – chúng thường đang đáp ứng một nhu cầu sâu xa hơn”, bác sĩ Kanojia nói.

“Với một số người, game là nơi duy nhất họ cảm thấy mình có năng lực. Hoặc là nơi duy nhất họ cảm thấy có sự kết nối xã hội”.

Khi con người dựa hoàn toàn vào game để thỏa mãn mọi nhu cầu, cuộc sống thực của họ bắt đầu sụp đổ.

Giáo sư Gentile so sánh việc phụ thuộc vào game để thỏa mãn các nhu cầu tâm lý giống như việc cho gấu hoang dã ăn thức ăn của con người trong công viên quốc gia.

Việc cho gấu ăn thức ăn của con người không nhất thiết gây hại cho gấu, giống như game không phải tự bản chất là có hại cho con người, ông nói.

Tuy nhiên, những con gấu học cách lấy thức ăn từ con người sẽ không còn đi kiếm mồi và săn bắt như lẽ ra phải làm nữa.

“Vì vậy, bạn không nên cho gấu ăn, không phải vì điều đó sẽ làm chúng bị thương. Mà là vì nếu chúng thực sự trở nên quá phụ thuộc vào việc nhận thức ăn từ con người, chúng sẽ quên mất cách tự kiếm ăn và chúng sẽ không thể sống sót khi không còn ai cho chúng ăn”.

Điều này cũng áp dụng cho con người và game. Điều đặc biệt quan trọng đối với các game thủ đang trong giai đoạn hình thành nhân cách như trẻ em, không nên học cách chỉ tìm thấy cảm giác thỏa mãn và mục đích sống duy nhất từ việc chơi game.

nghien game
Một khi não của trẻ đã quá quen với mức dopamine từ chơi game, các hoạt động khác sẽ trở nên kém hấp dẫn. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Mặt trái của sự vui thích

Nghiện không chỉ hình thành vì điều gì đó mang lại cảm giác dễ chịu mà còn vì việc từ bỏ nó sẽ gây ra đau đớn cho bản thân.

Cũng như dopamine mang lại khoái cảm, nó cũng gây ra đau đớn. Đối với một số người, việc tham gia vào các hành vi nhất định theo thời gian trở nên không còn là việc tìm kiếm niềm vui mà là để tránh nỗi đau do việc cai nghiện.

Nghiên cứu mới về thần kinh học đã cho thấy rằng, các vùng não chịu trách nhiệm về cảm giác đau và khoái cảm nằm gần nhau.

Dopamine có thể được tạo ra tự nhiên trong các hoạt động hàng ngày của chúng ta như khi ăn uống, cảm thấy đói và khi tập thể dục.

Những trải nghiệm mang lại khoái cảm mạnh gây ra đỉnh dopamine cao hơn, trong khi những trải nghiệm vừa phải tạo ra đỉnh thấp hơn. Tuy nhiên, sau khi đạt đỉnh, dopamine không trở lại mức cơ bản ban đầu mà còn giảm xuống dưới mức đó, gây cảm giác đau để tái cân bằng mức dopamine.

Đỉnh dopamine càng cao thì cảm giác vui càng lớn, nhưng sự sụt giảm sau đỉnh càng sâu thì nỗi đau càng lớn.

Tuy nhiên, não bộ được lập trình chống lại sự lặp đi lặp lại của khoái cảm, tức là hoạt động đó sẽ cảm thấy ít vui hơn vào lần thứ 2. Việc tăng đột biến dopamine liên tục có thể gây giảm lâu dài mức cơ bản của dopamine. Điều này có thể giải thích vì sao một số game thủ có thể vẫn chơi game ngay cả khi họ không còn cảm thấy vui nữa, chỉ để cảm nhận trạng thái khoái cảm bình thường vì sự cân bằng giữa đau đớn và vui vẻ đã bị lệch đi rất nhiều.

Một khía cạnh khác của trạng thái dopamine thấp là sự thiếu động lực để làm những việc khác như việc nhà và công việc. Điều này góp phần làm đổ vỡ các khía cạnh khác trong cuộc sống, từ đó dẫn đến sự đau đớn và khiến người đó quay trở lại chơi game, tạo nên một vòng xoáy tiêu cực.

Nghiện game cũng giống như nhiều dạng nghiện khác, thường được xem là tình trạng sức khỏe tâm thần đi kèm. Dù chưa thể xác định được đâu là nguyên nhân và đâu là hệ quả, nhưng nghiện game luôn gắn liền với sự suy giảm sức khỏe tâm thần, Giáo sư Gentile cho biết.

Ông nói, khi người chơi đã nghiện, “bệnh trầm cảm của họ trở nên nặng hơn, chứng lo âu tăng lên, chứng sợ xã hội cũng trầm trọng hơn hơn. Nếu họ cai nghiện, thì tất cả những tình trạng này đều cải thiện. Vì vậy, rõ ràng, nghiện game có tác động riêng biệt”.

Dấu hiệu cảnh báo của chứng nghiện game

Tần suất chơi game không nhất thiết phản ánh một người có mắc rối loạn nghiện game hay không.

“Nếu ai đó chơi game 4 tiếng mỗi đêm mà thành tích học tập tốt, các mối quan hệ của họ vững chắc, sức khỏe tâm thần ổn định, thì tôi sẽ không xem đó là vấn đề”, Bác sĩ Kanojia nói.

Điều quan trọng là xem các khía cạnh khác trong sức khỏe của người đó có bị ảnh hưởng hay không, chẳng hạn như mất ngủ, điểm số giảm sút hoặc không thể duy trì vệ sinh cá nhân.

“Tất cả các dạng nghiện đều được định nghĩa dựa trên mức độ nghiêm trọng của những vấn đề phát sinh do bạn không thể dừng hoạt động mà bạn nghiện. Nói cách khác, vấn đề càng nghiêm trọng thì mức độ nghiện càng cao”, bác sĩ Sussman nói.

Bác sĩ Kanojia lưu ý cần để ý đến các dấu hiệu kích động và mất kiểm soát cảm xúc.

Thay đổi tâm trạng là biểu hiện của hệ limbic – trung tâm não bộ chịu trách nhiệm điều tiết cảm xúc bị rối loạn chức năng. Hệ limbic cũng giúp chúng ta học hỏi từ những trải nghiệm tiêu cực. Nếu thiếu nó, ta có thể lặp lại những sai lầm tương tự.

Lấy lại kiểm soát

Nhiều nhóm hỗ trợ cai nghiện khuyên áp dụng chế độ kiêng tuyệt đối và tránh các tác nhân kích thích như vào quán bar hay cửa hàng thuốc lá. Tuy nhiên, mô hình kiêng tuyệt đối lại khó áp dụng với người nghiện game vì thật sự không có nơi nào an toàn để tránh hay thoát khỏi.

Bác sĩ Sussman cho biết: “Thiết bị màn hình xuất hiện ở khắp nơi trong văn hóa và xã hội của chúng ta. Chúng gần như không thể thiếu. Bạn không thể tránh xa quán bar theo nghĩa bóng vì bạn cần màn hình để làm việc và bạn sẽ liên tục nhận được những tín hiệu kích thích [muốn chơi game]”. Do đó, phác đồ điều trị của ông tập trung vào kế hoạch giúp người chơi học cách tự điều chỉnh thời gian sử dụng màn hình hàng ngày.

Bác sĩ Sussman khuyến nghị thực hiện cai màn hình trong 3 ngày – loại bỏ hoàn toàn việc dùng màn hình để giải trí – cùng với việc kiêng các chất kích thích và những thứ mang lại sự thỏa mãn tức thời.

Các chuyên gia thường khuyên nên kiêng một chất gây nghiện hay hành vi nào đó trong khoảng 1 tháng để não bộ được phục hồi. Giáo sư Lembke cho biết, 1 tháng thường là khoảng thời gian đủ để người ta suy ngẫm xem cuộc sống sẽ như thế nào nếu không làm những việc đang chi phối họ hiện nay.

Giáo sư Lembke nói, “Tôi không nói rằng việc nhịn dopamine trong 1 tháng sẽ chữa khỏi chứng nghiện mà đó là khoảng thời gian trung bình để người ta có được giây phút nhận thức đó”.

Trong thời gian này, mọi người có thể chọn những hoạt động ít mang tính thỏa mãn ngay lập tức hơn như chơi game cờ bàn thay vì video game.

Sau khi kết thúc giai đoạn nhịn màn hình, một số người có thể chọn bỏ hẳn game, trong khi người khác chọn chơi có kiểm soát. Đối với nhóm muốn tiếp tục chơi, bác sĩ Sussman khuyên nên lên lịch rõ ràng cho một ngày và môi trường sống để tự điều chỉnh việc dùng màn hình.

Ví dụ, ông gợi ý nên có một phòng hoặc khu vực duy nhất cho việc sử dụng màn hình. Khi rời khỏi nơi đó, người chơi không còn sử dụng màn hình để vào mạng xã hội hay chơi game nữa. Tuy nhiên, ông lưu ý, phòng ngủ không nên có màn hình vì sẽ luôn phát tín hiệu thôi thúc chơi.

Các hướng dẫn này cũng có thể áp dụng cho những game thủ không nghiện nhưng muốn nâng cao hiệu suất làm việc.

Bác sĩ Kanojia gợi ý rằng, những người hay mất tập trung nên tránh chơi game hay dùng mạng xã hội trong vài giờ đầu của ngày vì dopamine tăng cao có thể làm cạn kiệt động lực cho các việc khác.

“Càng kích thích dopamine sớm thì bạn càng trở nên cạn kiệt khi thực sự cần phải hoàn thành công việc. Nếu bạn chơi game ngay từ sáng sớm, não bạn sẽ nghĩ rằng, ‘Tuyệt, đó là điểm nhấn của ngày rồi và mọi việc khác sẽ trở nên nhàm chán”.

“Ngay cả khi không gây nghiện, game vẫn có thể làm những việc khác trở nên kém hấp dẫn hơn. Điều đó không phải lúc nào cũng là vấn đề nhưng bạn nên nhận biết. Nếu bạn thấy mình cần nhiều kích thích hơn để cảm nhận bất cứ điều gì thì đó có thể là dấu hiệu bạn cần điều chỉnh lại”.

Khi cai nghiện game, cũng giống như với các dạng nghiện khác, sẽ có giai đoạn cai nghiện, khi cơn thèm trở nên đau đớn. Giai đoạn này thường xuất hiện từ ngày thứ 2 hoặc thứ 3 và thường hết sau khoảng một tháng.

Những người nghiện game dễ có nguy cơ thay thế cơn thèm game bằng các hành vi khác như xem video và game phát trực tiếp, lướt mạng xã hội hoặc sử dụng chất kích thích vốn cũng mang lại cảm giác thỏa mãn tương tự.

Bác sĩ Sussman cảnh báo: “Khi bạn loại bỏ một nguồn thỏa mãn tức thời hoặc dopamine, nhiều người sẽ chuyển sang nguồn khác”.

Vì vậy, điều quan trọng là khi mọi người cai nghiện, họ cần chủ động chọn các hoạt động ít gây tăng dopamine hơn.

Ronnit Nazarian, bác sĩ Tâm lý Lâm sàng cho biết, những người nghiện game hoặc nghiện màn hình thường có những tác nhân kích thích cảm xúc khiến họ rơi vào trạng thái lo âu hoặc trầm cảm, từ đó tìm đến game như một cách để an ủi. Phần lớn công việc của bà với các khách hàng, chủ yếu là trẻ em, là tìm hiểu các tác nhân kích thích khiến họ muốn chơi game.

Sau khi xác định được tác nhân này, bác sĩ Nazarian sẽ giúp bệnh nhân phát triển các cơ chế đối phó lành mạnh hơn để quản lý lo âu và các áp lực trong cuộc sống.

Bác sĩ Nazarian nói: “Cơ chế đối phó lành mạnh hơn sẽ là cơ chế giúp bạn điều chỉnh cảm xúc và cho phép bạn sống nhiều hơn trong khoảnh khắc hiện tại”. Điều này khác với các game vốn làm người chơi rời xa khoảnh khắc hiện tại, khiến họ gặp khó khăn hơn hoặc thậm chí ngại trở lại thực tại, bà nói thêm.

Những lựa chọn thay thế lành mạnh hơn có thể bao gồm hít thở sâu, tập thể dục, thiền định hoặc kết nối với người khác – những cách mang đến ý nghĩa thực tế và niềm vui thực sự cho cuộc sống.

Sống như một game thủ lành mạnh

Mỗi người trong chúng ta đều có những ham muốn, có thể là đồ ăn, mua sắm hoặc một ly rượu vang.

“Cuộc sống hiện nay căng thẳng hơn nhiều. Chúng ta phải đối mặt với kỳ vọng cao hơn, sự cô lập nhiều hơn, áp lực kinh tế, quá tải thông tin. Mạng xã hội tạo ra một vòng so sánh liên tục. Công nghệ phát triển vượt quá khả năng thích nghi về mặt cảm xúc của chúng ta. Và vì thế, mọi người cảm thấy quá tải. Hoàn toàn dễ hiểu khi họ tìm kiếm điều gì đó – bất cứ thứ gì – để giúp họ đối phó”, bác sĩ Kanojia nói.

Bác sĩ Kanojia, là game thủ và từng là người nghiện game, cho rằng điều quan trọng là phải tìm thấy niềm vui và hạnh phúc ngoài game.

Về mặt thần kinh học, có nhiều dạng hạnh phúc khác nhau.

“Từ chính trải nghiệm của mình, tôi có thể nói rằng cái bẫy mà các game thủ thường rơi vào là chúng ta cứ mải mê đuổi theo những cơn hưng phấn dopamin. Nhưng theo thời gian, điều đó tạo ra một dạng “suy dinh dưỡng cảm xúc. Bạn có được khoái cảm, nhưng không có sự nuôi dưỡng tinh thần”, bác sĩ Kanojia nói.

Có những dạng hạnh phúc bổ dưỡng hơn, đòi hỏi sự nỗ lực, kiên nhẫn và kiểm soát xung động, liên quan đến serotonin, một chất hóa học tác động chậm hơn dopamine trong não.

Các hoạt động làm tăng serotonin thường ít mang lại khoái cảm ngay lập tức. Những hoạt động này bao gồm tập thể dục, ngủ đủ giấc, ăn uống lành mạnh, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, thiền định và kiểm soát căng thẳng.

“Serotonin và hạnh phúc đích thực đến từ sự cố gắng. Và điều trớ trêu là, bạn càng theo đuổi một cuộc sống dễ dàng thì cuộc sống của bạn càng trở nên khó khăn hơn. Nếu bạn càng sẵn lòng làm những việc khó khăn ngày hôm nay, cuộc sống của bạn ngày mai sẽ càng trở nên dễ dàng hơn”.

“Tôi nghĩ chìa khóa không phải là nói ‘đừng chơi game’. Mà là xây dựng một cuộc sống đáng sống, nơi những nhu cầu cốt lõi của bạn thực sự được đáp ứng trong thế giới thực. Bởi vì khi điều đó xảy ra, chơi game sẽ trở lại là niềm vui”, bác sĩ Kanojia nói.

Hơn nữa, Kuss cho biết, chơi game không phải lúc nào cũng tiêu cực. Game thủ có những kỹ năng mà người không chơi game không có, chẳng hạn như khả năng phối hợp tay mắt và thời gian phản ứng được cải thiện. Như khả năng phối hợp tay-mắt và phản xạ nhanh nhạy hơn.

Hiện thực mới của Martin

Vào ngày 21/4/2019, Martin đã viết bài nhật ký đầu tiên trên diễn đàn Game Quitters (diễn đàn và cộng đồng trực tuyến toàn cầu dành cho những người muốn từ bỏ hoặc kiểm soát việc chơi game). Anh thông báo với mọi người trên diễn đàn rằng anh sẽ từ bỏ game và bắt đầu một đợt nhịn chơi kéo dài 3 tháng.

Ba tháng ấy rồi kéo dài thành 1 năm và bây giờ đã là 6 năm.

Tuần đầu tiên sau khi bỏ game, Martin đột nhiên có thêm từ 8 đến 10 giờ mỗi ngày. Với khoảng thời gian mới tìm được này, anh tập trung vào việc phát triển công việc dạy tiếng Anh, vốn trước đó khá đình trệ.

“Tôi đã có thể dành nhiều thời gian hơn để học tập và hoàn thành các dự án, các cam kết”, Martin nói.

Martin không quay lại với bạn gái đầu tiên, cả hai đang đi theo những con đường cuộc sống khác nhau.

Giờ đây, anh vẫn tiếp tục duy trì hoạt động viết nhật ký trên diễn đàn Game Quitters. Vào mỗi tuần, anh đều đăng các kế hoạch mong muốn kiểm soát tốt hơn những thôi thúc chơi game cùng với những người khác cho tuần tới.

Anh đã lấy được bằng cử nhân và thạc sĩ ngành địa lý kinh tế, và hiện đang có một mối quan hệ kéo dài 2 năm rất bền chặt.

“Tôi rất mong được ở bên bạn gái của mình, dành thời gian cho cô ấy và có thể sẽ bắt đầu xây dựng một gia đình”.