Thuốc kháng sinh có thể là con dao 2 lưỡi đối với sức khỏe hệ miễn dịch ở trẻ sơ sinh
- Henry Jom
- •
Các nhà khoa học tìm thấy mối quan hệ giữa sự phá vỡ hệ vi sinh vật đường ruột do thuốc kháng sinh và nguy cơ mắc bệnh hen suyễn tăng cao.
Thuốc kháng sinh giúp trẻ sơ sinh khỏe hơn khi bị viêm nhiễm nhưng cũng có thể khiến trẻ gặp các vấn đề về hô hấp sau này.
Nghiên cứu gần đây đã tìm thấy mối quan hệ giữa việc sử dụng thuốc kháng sinh khi còn nhỏ với sự phát triển của bệnh hen suyễn và dị ứng khi trưởng thành – thách thức sự hiểu biết của chúng ta về những loại thuốc phổ biến này và tác động lâu dài của chúng đối với sức khỏe.
Nghiên cứu của Úc cho thấy mối quan hệ giữa ruột và phổi
Nghiên cứu được tiến hành tại Úc và được công bố trên Immunity (Tập san Miễn dịch). Các nhà nghiên cứu thực hiện thí nghiệm trên chuột và phát hiện ra rằng, phân tử do vi khuẩn đường ruột tạo ra – được gọi là axit indole-3-propionic (IPA) – đã bị suy giảm đáng kể do sử dụng thuốc kháng sinh ngay từ khi còn nhỏ.
“Hệ vi sinh vật và hệ miễn dịch trải qua các bước phát triển quan trọng trong năm đầu đời và trong giai đoạn đó, việc điều trị bằng kháng sinh có thể làm cho cơ thể dễ bị dị ứng hoặc hen suyễn,” Benjamin Marsland, Giáo sư Khoa Miễn dịch học và Bệnh học tại Đại học Monash và là tác giả chính của nghiên cứu, chia sẻ với The Epoch Times.
“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, IPA đặc biệt quan trọng trong giai đoạn đầu đời và khi không có IPA, các tế bào đang phát triển trong phổi có thể dễ bị viêm hơn.”
IPA được sản xuất thông qua quá trình chuyển hóa tryptophan và có một số chức năng quan trọng như:
- Cải thiện lượng đường trong máu
- Tăng độ nhạy insulin
- Điều chỉnh các rối loạn vi khuẩn đường ruột
- Ức chế sự xâm nhập của độc tố
- Điều chỉnh phản ứng của hệ miễn dịch
Giáo sư Marsland cho biết thêm rằng, nghiên cứu này đánh dấu lần đầu tiên IPA được liên kết với khả năng bảo vệ chống lại sự phát triển của bệnh hen suyễn trong tương lai.
Hen suyễn được định nghĩa là tình trạng viêm phổi mạn tính do đường thở bị hẹp khi bị viêm. Đây là bệnh mạn tính phổ biến nhất ở trẻ em.
Viêm đường thở là một tính năng sinh lý bệnh quan trọng của các phản ứng dị ứng. Khi những người bị dị ứng tiếp xúc với chất gây dị ứng – chẳng hạn như bụi – hệ thống miễn dịch sẽ có phản ứng thái quá. Phản ứng thái quá này kích hoạt giải phóng các hóa chất, bao gồm histamine, gây viêm đường hô hấp.
Trong nghiên cứu, khi chuột được cho dùng kháng sinh trong năm đầu đời sẽ dễ bị viêm đường hô hấp do mạt bụi nhà hơn. Nghiên cứu phát hiện ra rằng, tình trạng dễ bị viêm này kéo dài đến tuổi trưởng thành, ngay cả sau khi mức độ IPA và hệ vi sinh vật đường ruột trở lại bình thường.
Tuy nhiên, khi những con chuột nhỏ tuổi được bổ sung phân tử IPA vào khẩu phần ăn uống thì sẽ được chữa khỏi tình trạng viêm đường hô hấp do mạt bụi nhà gây ra, hay còn gọi là hen suyễn, khi trưởng thành.
Tương tự như vậy, việc sử dụng kháng sinh đã được chứng minh là làm giảm mức độ IPA ở người, Giáo sư Marsland cho biết, điều này cho thấy những phát hiện của nghiên cứu tại Úc có thể có ý nghĩa liên quan đến sức khỏe con người.
Ông nói: “Nghiên cứu này làm nổi bật khả năng IPA được sử dụng như một liệu pháp bổ sung với kháng sinh trong giai đoạn đầu đời nhằm mục đích bù đắp lại tác động tiêu cực của kháng sinh và bảo vệ các tế bào đang phát triển trong phổi.”
Hơn nữa, theo Giáo sư Marsland, việc điều trị bằng kháng sinh là một yếu tố nguy cơ đã biết đối với bệnh hen suyễn sau này ở người, kháng sinh không chỉ tiêu diệt vi khuẩn “xấu” mà còn cả một số vi khuẩn “có lợi” cho việc nâng cao sức khỏe nữa.
Sự thận trọng cần thiết: Nghiên cứu
Một nghiên cứu theo chiều dọc riêng biệt, được công bố trên International Journal of ObGyn and Health Sciences (Tập san Quốc tế về Sản phụ khoa và Khoa học Sức khỏe), liên quan đến 300 trẻ em từ 1 đến 5 tuổi đã xác định được 1 xu hướng đáng lo ngại.
Trẻ em được dùng kháng sinh cho thấy có sự suy giảm “đáng kể” về số lượng và tính đa dạng của hệ vi khuẩn đường ruột, và sau này sẽ có tỷ lệ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và đường tiêu hóa cao hơn so với những trẻ ít hoặc không tiếp xúc với kháng sinh.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, việc sử dụng kháng sinh đã làm rối loạn hệ vi khuẩn đường ruột và việc điều hòa miễn dịch, khiến trẻ em dễ bị mầm bệnh xâm nhập hơn. Điểm yếu này đã tạo ra một chu kỳ nhiễm trùng tái phát, dẫn đến bắt buộc phải sử dụng kháng sinh nhiều lần.
Điều thú vị là những trẻ lớn hơn lại có phản ứng phục hồi tốt hơn khi tiếp xúc với kháng sinh.
Các nhà nghiên cứu viết rằng, “Mặc dù vẫn có sự rối loạn đáng kể trong hệ vi khuẩn đường ruột và các thông số miễn dịch của trẻ lớn, nhưng tác động đối với những trẻ này ít nghiêm trọng hơn và thời gian phục hồi ngắn hơn so với trẻ nhỏ. Điều này cho thấy sự trưởng thành ngày càng tăng của hệ thống miễn dịch – cung cấp một độ đệm nhất định giúp chống lại các tác dụng phụ của kháng sinh.”
Họ cũng nói thêm rằng, “Do dễ bị tổn thương hơn trước sự rối loạn của hệ vi khuẩn đường ruột và rối loạn miễn dịch, nên cần đặc biệt thận trọng khi dùng kháng sinh cho trẻ em từ 1 đến 2 tuổi.”
Các nghiên cứu được đưa ra khi Ủy ban An toàn và Chất lượng Chăm sóc Sức khỏe Úc (ACSQHC) công bố 1 báo cáo vào tháng 8 nêu rõ rằng “hầu như không có tác dụng gì” khi dùng thuốc kháng sinh để điều trị các bệnh nhiễm trùng thông thường.
Thuốc kháng sinh là loại thuốc được dùng để điều trị các bệnh và nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra và chỉ nên sử dụng nếu cần thiết để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn.
ACSQHC cho biết thêm rằng, mặc dù thuốc kháng khuẩn (bao gồm kháng sinh, thuốc kháng vi-rút, thuốc kháng nấm và thuốc chống ký sinh trùng) là một thành phần không thể thiếu được trong việc chăm sóc sức khỏe, nhưng việc lạm dụng thuốc kháng sinh đã gây ra tình trạng kháng thuốc, do đó ảnh hưởng đến các phương pháp điều trị quan trọng, chẳng hạn như hóa trị ung thư, kiểm soát bệnh tiểu đường, ghép tạng và các thủ thuật phẫu thuật lớn.
Theo thông tin từ báo Vnexpres, nhiều trẻ em Việt Nam đang dùng kháng sinh ngay cả trong trường hợp không thật sự cần thiết. Khi thấy trẻ bị chảy nước mũi đặc, dịch xanh vàng, thông thường các bà mẹ sẽ đưa con đi khám bác sĩ với mong muốn được cho con uống kháng sinh giúp con chóng khỏi bệnh.
Tuy nhiên, theo Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) thì kháng sinh giúp giảm nguy cơ tử vong do các bệnh nhiễm khuẩn nhưng tình trạng vi khuẩn kháng thuốc đang ngày càng phổ biến. Chẳng hạn tụ cầu kháng methicilline; phế cầu kháng penicilline; khuẩn salmonela đa kháng với choramphenicol, ampicillin, cotrimoxazole… Việc lạm dụng kháng sinh là nguyên nhân chủ yếu gây kháng thuốc.
Ước tính đến năm 2025, kháng kháng sinh là nguyên nhân tử vong lớn hơn cả ung thư trên toàn cầu. Giáo sư Stephen Baker, Đại học Cambridge (Anh) đã đưa ra nhận định trên tại Hội nghị khoa học quốc tế lần 1, do UBND TP. Thủ Đức (TP.HCM) tổ chức.
Từ khóa kháng sinh