Trái tim và khối óc ghi dấu mọi giây phút nóng giận của chúng ta
- Thiên Vân
- •
John Hunter (1728–1793) là một trong những bác sĩ phẫu thuật lỗi lạc và có ảnh hưởng nhất vào thế kỷ 18 tại Anh, được xem là cha đẻ của ngành phẫu thuật hiện đại. Ông hiểu rằng sự nóng giận có thể đoạt mạng mình khi từng thổ lộ rằng mạng sống ông “nằm trong tay bất kỳ kẻ tiểu nhân nào muốn chọc giận hoặc khiêu khích tôi”. Và ông đã đúng khi lo lắng về điều đó.

Danh y Hunter là hình mẫu tiêu biểu của những người thuộc nhóm tính cách A. Một nhân vật đầy tham vọng, làm việc quá độ hàng giờ liền, mỗi đêm chỉ chợp mắt khoảng năm tiếng. Dù là một bác sĩ giải phẫu lừng danh và thành công rực rỡ vào thời của mình, ông lại nổi tiếng là người nóng nảy và thiếu kiên nhẫn. Theo một nghiên cứu lịch sử được công bố trên Tập san Tim mạch Hoa Kỳ, ông Hunter bắt đầu xuất hiện triệu chứng đau ngực ở tuổi 45 – dấu hiệu sớm cảnh báo rằng tính khí nóng giận của ông đã ảnh hưởng đến tim.
Vào ngày 16/10/1793, dù nổi tiếng đúng giờ, ông Hunter đến trễ trong một cuộc họp hội đồng quản trị bệnh viện tại Bệnh viện St. George ở London. Khi bị một đồng nghiệp phản bác lại trong một cuộc thảo luận, ông Hunter cố gắng kiềm chế cảm xúc. Sau đó, ông bước sang phòng kế bên, thở hắt ra một hơi rồi gục ngã – trái tim ông đã ngừng đập vì ngưng tim đột ngột. Danh y Hunter hưởng thọ lúc 65 tuổi.
Trái tim bị tấn công
Mạch máu ghi khắc mọi khoảnh khắc giận dữ.
Một nghiên cứu đăng tải trong Tập san Tim mạch Hoa Kỳ (số tháng 5/2024) đã tiết lộ những hậu quả nghiêm trọng của giận dữ đối với sức khỏe tim mạch.
Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng ngay cả những cơn giận ngắn cũng có thể làm tổn hại đến mạch máu bằng cách làm chậm quá trình giãn nở của lớp nội mạc lót bên trong thành mạch vốn chịu trách nhiệm điều hòa sự co giãn mạch máu.
Rối loạn nội mạc mạch máu là giai đoạn đầu của chứng xơ vữa động mạch – tình trạng tích tụ mảng bám trong thành động mạch, cản trở lưu thông máu, dẫn đến nguy cơ đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim.
Khi cơn giận lấn át lý trí
Từ “anger” (tức giận) có gốc từ tiếng Bắc Âu cổ “angr,” nghĩa là “buồn bã” hoặc “thống khổ”. Trong khi đó, “rage” (cơn thịnh nộ) – biểu hiện cực đoan của tức giận – mang nghĩa “liều lĩnh” hoặc “điên cuồng”. Triết gia Khắc kỷ thời cổ đại Seneca từng coi tức giận là một dạng điên loạn, một thứ cuồng nộ làm lu mờ lý trí con người.
Khi cơn giận trỗi dậy, hạch hạnh nhân – hệ thống báo động của não – hoạt động dữ dội, đồng thời vỏ não trán – trung tâm tư duy lý trí – bị vô hiệu hóa. Đồng thời, lưu lượng máu cũng chuyển hướng khỏi các vùng não chịu trách nhiệm phân tích, phán đoán và giải quyết vấn đề.
Khi một người nổi cơn thịnh nộ, họ tự làm giảm khả năng vượt qua thử thách, vì cơn giận không kiềm chế được sẽ lấn át lý trí, khiến họ khó phân định đúng sai và dễ hành động bất cẩn, liều lĩnh.
Hơn nữa, người hay giận dữ thường hay nghĩ đi nghĩ lại về những trải nghiệm tiêu cực, khiến họ dễ có xu hướng hung hăng. Các nghiên cứu qua nhiều năm đã chứng minh rằng cơn giận không kiểm soát được có thể làm lệch lạc khả năng phán đoán đạo đức, thúc đẩy tính ích kỷ, và khiến người ta dễ tỏ ra hung dữ hoặc tìm cách trả thù, trừng phạt nặng nề những ai khiến họ tức giận.
Tác hại của cơn giận không chỉ dừng lại ở người nổi giận mà còn gây tổn thương cho người bị trút giận. Ngay cả những lời la mắng tưởng chừng như “vô hại“ cũng có thể làm thay đổi vĩnh viễn cấu trúc não bộ đang phát triển của trẻ em — với mức độ tổn thương tương đương với việc bị bạo hành thể chất hoặc bị lạm dụng tình dục.
Sự nóng giận nhìn qua lăng kính Trung y: Gan bốc hỏa
Trung y cung cấp một góc nhìn khác về tác động của giận dữ. Theo triết lý Trung y, cảm xúc và tạng phủ kết nối thông qua dòng năng lượng sinh mệnh gọi là “khí”.
Cơn giận trước hết ảnh hưởng đến gan – tạng phủ mang chức năng như “vị tướng quân”, chịu trách nhiệm lưu thông khí huyết toàn thân. Lương y Jonathan Liu giải thích rằng giận dữ kéo dài làm “khí gan bị ứ trệ”, lâu ngày sinh ra tình trạng “gan bốc hỏa”.
Khi gan bốc hỏa, năng lượng ứ đọng sẽ tăng lên, gây cao huyết áp, đau đầu, chóng mặt và đỏ mắt. Trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến đột quỵ hoặc đau nửa đầu.
“Gan thường là nạn nhân đầu tiên của cơn giận dữ, nhưng không phải là nạn nhân cuối cùng”, Lương Y Liu nói với The Epoch Times.
Vì gan nằm gần tỳ (lá lách), vị (dạ dày) và mật, khí gan bị đình trệ cũng ảnh hưởng đến tiêu hóa, gây chán ăn và đau bụng.
Mật – tạng phủ phụ trách chi phối lòng dũng cảm, sự quyết đoán và phán đoán – là cơ quan tương ứng với gan. Nếu gan và mật không điều hòa, sẽ dễ ảnh hưởng tiêu cực lẫn nhau. Mật khỏe mạnh thúc đẩy trạng thái cảm xúc ổn định và bất kỳ sự mất quân bình nào cũng có thể dẫn đến đau nhức cơ thể và các vấn đề về tiêu hóa, đồng thời phản ánh các vấn đề liên quan đến sự tức giận và oán giận.
Theo thuyết Ngũ hành, giận dữ thuộc hành Mộc. Trong khi, Mộc tượng trưng cho sự phát triển và biến hóa, nhưng đồng thời cũng biểu hiện cho sự cứng cỏi và cố chấp – như cây lớn không chịu uốn mình sẽ gãy trước cuồng phong.
Cả trí tuệ cổ xưa và hiện đại đều tin rằng thuốc giải cho sự tức giận là nuôi dưỡng những suy nghĩ tử tế và đức khiêm cung.
Chế ngự hỏa nộ bằng đức khiêm cung
Tiến sĩ tâm lý Elizabeth Summerell – người nghiên cứu cảm xúc như giận dữ và xung đột – chia sẻ với Thời báo The Epoch Times rằng: Giận dữ là một phản ứng tiêu cực phát sinh để phản ứng với các mối đe dọa, sự khiêu khích hoặc mục tiêu bị ngăn cản.
Năm 2020, bà Summerell cùng cộng sự thực hiện một nghiên cứu về ảnh hưởng của đức khiêm cung trong việc điều tiết cơn giận.
Người tham gia được hướng dẫn nhớ lại và viết ra một sự kiện khiến họ cảm thấy khiêm nhường trong vòng hai phút. Sau đó, họ được yêu cầu khơi dậy sự tức giận bằng cách đọc những mô tả ngắn về những tình huống có khả năng khơi dậy sự tức giận khi lái xe, chẳng hạn như ai đó tăng tốc khi bạn cố vượt qua họ, đỗ xe lâu hoặc cản trở giao thông.
Kết quả cho thấy: Cảm xúc khiêm cung được khơi dậy trước đó đã giúp làm giảm hành vi hung hăng rõ rệt so với nhóm trung tính. Khiêm cung đã giúp chế ngự cơn giận dữ của họ.
Nhiều công trình nghiên cứu trước đây cũng xác nhận rằng khiêm cung được nuôi dưỡng thông qua lòng biết ơn và cảm giác kính phục gia tăng. Những cảm xúc tích cực liên quan đến lòng biết ơn như sự cảm thông khiến mọi người bớt hung hăng hơn, giống như sự khiêm cung được khơi dậy bởi sự kính phục làm giảm sự tức giận.
Tuy nhiên, mặc dù kiểm soát cơn tức giận là một kỹ năng sống rất cần thiết, bà Summerell cũng cảnh báo rằng đè nén cơn giận một cách máy móc có thể gây hệ lụy tiêu cực về lâu dài cho sức khỏe, có thể dẫn đến thái độ tiêu cực thụ động hoặc oán hận.
Tương tự như vậy, bà Summerell nói rằng, việc “xả giận” bằng cách đập phá đồ vật trong phòng giận dữ hay đánh bao cát thực ra không giúp ích gì, mà còn làm tăng cường các đường dẫn thần kinh liên quan đến sự tức giận và hành vi hung hăng. Điều này giữ cho hệ thần kinh luôn ở trạng thái chiến đấu hoặc bỏ chạy – nhịp tim nhanh, huyết áp tăng và giải phóng hormone stress tràn ngập huyết quản.
Bên cạnh việc nuôi dưỡng đức khiêm cung, bà Summerell tiết lộ phương pháp cải biến tư duy cũng hữu hiệu trong việc kiểm soát cơn giận. Phương pháp này đòi hỏi phải thay đổi cách suy nghĩ và diễn giải về những tình huống khiến ta tức giận – bằng cách nhìn lại vấn đề dưới một góc độ khác hoặc cân nhắc những cách hiểu thay thế. Nó giúp ta tạm lùi lại một bước để nhìn nhận vấn đề một cách khách quan hơn, như thể đang quan sát từ góc nhìn của người thứ ba.
Ví dụ, thay vì nghĩ rằng hành động thô lỗ của đồng nghiệp xúc phạm mình, người ta có thể nghĩ anh ta đang trải qua chuyện không vui trong đời sống cá nhân. Kỹ thuật này hướng dẫn mọi người xác định và điều chỉnh dòng tư tưởng tiêu cực thành tích cực.
Ngoài ra, các phương pháp thực hành cải thiện cả tâm lẫn thân như thái cực quyền, khí công, yoga, các bài tập thở và các kỹ thuật chính niệm cũng hỗ trợ giải phóng căng thẳng, xoa dịu cảm xúc tiêu cực và mang lại sự điều hòa cho thân tâm. Lương y Liu khẳng định rằng: Sống không oán giận – hoặc biết cách điều tiết giận giữ – chính là ”đỉnh cao của y học dưỡng sinh”.
Dù những kiến thức này đến quá muộn để cứu danh y John Hunter, nhưng câu chuyện về cái chết của ông là minh chứng sống động cho thấy: nạn nhân đầu tiên của cơn giận, không ai khác, chính là người đang giận.
Từ khóa tức giận khiêm nhường
