Thiền định có thể làm giảm tần suất phạm sai lầm của bạn
- Trúc Nhi
- •
Một nghiên cứu lớn của Đại học Bang Michigan, Hoa Kỳ, đã phát hiện ra rằng thiền định có thể giúp bạn ít phạm sai lầm hơn. Bởi vì nó giúp thay đổi các hoạt động của não, từ đó làm tăng khả năng nhận biết lỗi lầm.
Tiến sĩ Jeff Lin, một nghiên cứu sinh tâm lý học tại Đại học Bang Michigan, cho biết: “Mối quan tâm của mọi người đối với thiền định và ý niệm đang vượt xa những tác động và lợi ích mà khoa học có thể chứng minh. Nhưng rất ngạc nhiên khi chúng tôi có thể thấy hoạt động não bộ của con người đã biến đổi như thế nào sau một thời gian thiền định.”
Những phát hiện này cho thấy các hình thức thiền khác nhau có thể có những tác động khác nhau đối với nhận thức của hệ thần kinh.
Tiến sĩ Lin nói rằng: “Một số hình thức thiền yêu cầu bạn tập trung vào một thứ duy nhất, thường là hơi thở, nhưng thiền định là hơi khác một chút. Nó yêu cầu bạn tập trung vào bên trong, cảm nhận tất cả những thay đổi trong cơ thể và tâm trí. Mục tiêu là ngồi yên lặng và chú ý đến tâm trí mà không bị các yếu tố bên ngoài gây nhiễu.”
Trong nghiên cứu này, tiến sĩ Lin và các đồng nghiệp của ông đã tuyển dụng hơn 200 người tham gia để kiểm tra xem thiền định ảnh hưởng đến khả năng phát hiện và xử lý sai lầm của mọi người như thế nào. Đặc biệt những người này trước đây chưa từng tham gia vào hoạt động thiền. Sau đó họ được thực hiện bài thiền kéo dài 20 phút, trong khoảng thời gian này các nhà nghiên cứu đã tiến hành đo hoạt động não của họ thông qua điện não đồ. Cuối cùng là hoàn thành một bài kiểm tra phân tâm trên máy vi tính.
Tiến sĩ Lin cho biết: “Điện não đồ có thể đo lường hoạt động của não trên thang đo mili giây, vì vậy có thể đo lường chính xác hoạt động thần kinh ngay sau khi xảy ra lỗi với mức độ phản hồi vô cùng chính xác. Có một loại thần kinh tín hiệu được gọi là lỗi tích cực (error positivity), sẽ phát sinh khoảng nửa giây sau khi xảy ra lỗi, và nó có liên quan đến việc nhận biết lỗi có ý thức. Chúng tôi thấy rằng cường độ của tín hiệu này được tăng cường ở những người thiền định so với nhóm đối chứng.”
Mặc dù những người hành thiền không thấy sự cải thiện ngay lập tức trong hiệu suất thực tiễn, nhưng những phát hiện của các nhà nghiên cứu đưa ra một cửa sổ đầy hy vọng về tiềm năng của thiền định bền vững.
Đồng tác giả nghiên cứu, ông Jason Moser cho biết: “Những phát hiện này là bằng chứng mạnh mẽ cho thấy chỉ 20 phút thiền định có thể tăng cường khả năng phát hiện và nhận thức sai lầm của não bộ. Nó cho chúng tôi niềm tin rằng thiền chính niệm có sức mạnh thực sự trong thời điểm hiện tại đối với hiệu suất thực tế và hành vi hàng ngày.”
Mặc dù trong những năm gần đây, thiền định và chính niệm đã thu hút được sự chú ý lớn. Đặc biệt, tiến sĩ Lin cũng là một trong số ít các nhà nghiên cứu trực tiếp áp dụng phương pháp khoa học thần kinh để đánh giá tác động tâm lý và hành vi của nó. Nhưng trong tương lai, các bước tiếp theo của nghiên cứu sẽ mở rộng với nhiều người tham gia hơn, thử nghiệm các hình thức thiền khác nhau và xác định xem những thay đổi trong hoạt động của não sau khi thực hành lâu dài có chuyển thành những thay đổi về hành vi hay không.
Nhà tâm lý học David Creswell, Giám đốc Phòng thí nghiệm Sức khỏe và Hiệu suất Con người của Đại học Carnegie Mellon ở Pittsburgh, Hoa Kỳ, cho biết rằng trong khi thiền định, mọi người nên ngồi yên và chỉ tập trung vào hơi thở của mình để có thể duy trì trạng thái chính niệm.
Tuy nhiên hầu hết mọi người đều khó có thể đạt đến trạng thái tập trung chính niệm. Tâm trí của họ thường hỗn tạp, nghĩ ngợi lung tung, mơ mộng, nhất thời hoài niệm về quá khứ, nhất thời lo lắng cho tương lai, và thường tự kiểm điểm hoặc tự phê bình bản thân.
Mối quan tâm ban đầu của ông Creswell đối với thiền chính niệm đến từ các lớp học tâm lý học và Phật giáo ở trường trung học. Khi còn là một sinh viên mới tốt nghiệp, ông bắt đầu nghiên cứu về mối quan hệ giữa thiền định với việc giảm căng thẳng và cải thiện sức khỏe thể chất cũng như tinh thần.
“Quá trình học tập đã khiến tôi nhìn mọi thứ bằng con mắt hoài nghi. Nhưng tôi cảm thấy rằng sau khi tôi thực hiện một khóa tu thiền, trải nghiệm mà tôi nhận được có tác động tâm lý rất mạnh mẽ đối với bản thân. Là một nhà khoa học, tôi luôn tin tưởng vào điều này,” ông Creswell nói.
Thậm chí, ngay cả một giờ ngồi thiền đơn giản nhưng khó khăn cũng có tác động rất lớn đến ông Creswell. Ông nói: “Cơ thể cảm thấy khó chịu, nhưng tâm trí hoàn toàn tĩnh lặng và cởi mở. Trong sự tách biệt giữa cơ thể và tâm trí này, nội quan mạnh mẽ khiến tôi nhận ra rằng thực hành thiền định có thể thực sự thay đổi cuộc sống của con người, hoặc đảo ngược nhận thức của họ về cuộc sống đau khổ một cách cơ bản nhất.”
Trải qua nhiều thiên niên kỷ, những người thuộc các tôn giáo, văn hóa và triết học khác nhau đã giải thích về những lợi ích khác nhau đối với thiền định. Người ta thường gắn thiền với đạo Phật. Trong văn hóa Phật giáo, thiền định được coi là một phương tiện hiệu quả để đạt được cảnh giới của hạnh phúc và tinh thần. Mặt khác, ông Creswell đã gọi thiền là ‘một khả năng cơ bản của con người’.
Tiến sĩ Lin nói thêm: “Thật tuyệt khi thấy sự nhiệt tình của thế giới đối với thiền định, nhưng từ quan điểm khoa học, vẫn còn rất nhiều việc phải làm để có thể hiểu rõ hơn về những lợi ích và cơ chế hoạt động thực sự của thiền định.”
Đăng ký học thiền, rèn luyện cả tâm lẫn thân tại đây. |
Trúc Nhi/ Theo Sound of Hope
Từ khóa thiền định mắc sai lầm