Trẻ 2 tuổi bị rắn mổ mang cắn – những điều cần lưu ý
- Nguyễn Sơn
- •
22 giờ sau khi bị rắn hổ mang cắn, bé 2 tuổi mới được gia đình đưa vào bệnh viện cấp cứu. Khi này, bé đã trong tình trạng co giật từng cơn, hôn mê…
Theo thông tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang, trưa ngày 25/7, bé trai V.A.T (Sn 2021, tộc người Mông, trú tại xã Kiến Thiết, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) được gia đình đưa đến cấp cứu tại bệnh viện trong tình trạng nguy kịch (co giật từng cơn, hôn mê, chân trái tím đen…).
Gia đình cho biết trưa 24/7, bé ngủ trưa trên giường bất ngờ khóc thét. Người nhà chạy đến thấy rắn hổ mang đã lẻn lên giường và cắn vào ngón chân cái bên chân trái của bé.
Người lớn đánh chết con rắn và vứt ra vườn. Thấy con vẫn chơi và ăn uống bình thường, người nhà đi lấy thảo dược (không rõ nguồn gốc) về đắp vào đùi để “chữa rắn cắn”. Qua một đêm ngủ dậy, chân bé tím đen, trẻ sốt cao, co giật, gia đình mới vội đưa bé đi cấp cứu.
Tại khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang, bác sĩ khẩn trương cấp cứu cho bệnh nhi, chạy đua với thời gian để cứu trẻ. Do tiên lượng bệnh nhi rất nặng, các bác sĩ khoa Nhi của Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang đã hội chẩn với các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương để đưa ra phương án điều trị tốt nhất cũng như vận chuyển – chuyển tuyến an toàn nhất cho trẻ.
Bác sĩ khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang khuyến cáo khi trẻ bị rắn cắn, đặc biệt là khi bị rắn độc cắn, trẻ cần được đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt để được các bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời. Trong lúc chờ nhân viên y tế đến, gia đình nên thực hiện các bước sơ cứu để làm chậm và hạn chế nọc độc xâm nhập vào cơ thể:
- Cho trẻ ngồi hoặc nằm xuống, cố gắng giữ trẻ bình tĩnh và hạn chế cử động, tốt nhất là bất động chi bị cắn bằng nẹp, để làm chậm sự lây lan của nọc độc.
- Điều chỉnh tư thế để giữ vùng bị rắn cắn thấp hơn tim, ngay cả trong lúc trẻ được vận chuyển đến bệnh viện.
- Rửa vết thương bằng xà phòng và nước muối sinh lý, dùng gạc khô, sạch băng kín vết thương.
- Tháo bỏ đồ trang sức (nếu có) và nới lỏng quần áo để tránh gây chèn ép khiến vết thương bắt đầu sưng lên.
- Có thể quấn băng gạc sạch lên vết thương để làm chậm sự di chuyển của nọc độc trong cơ thể. Tuy nhiên, không băng quá chặt gây cản trở máu lưu thông đến các chi gây hoại tử.
Nếu bị rắn độc cắn, cần ngay lập tức gọi số khẩn cấp cho bệnh viện gần nhất để được cấp cứu bằng huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu, đặc biệt khi thấy vết thương có dấu răng nanh hoặc dấu hiệu đổi màu, bắt đầu sưng đau.
Nếu trẻ không may bị rắn độc cắn, cha mẹ có thể liên hệ cơ sở y tế chuyên khoa gần nhất hoặc Khoa Cấp cứu Chống độc – Bệnh viện Nhi Trung ương qua số điện thoại: 024 6273 8678/ 0981.113.515 |
Chú ý:
- Không hút nọc độc từ vết cắn.
- Không rạch vết thương bằng dao.
- Không cố đuổi theo để bắt, giết con rắn.
- Không chườm đá, đắp lá cây hoặc bôi bất cứ thuốc gì lên vết thương.
- Không nên sử dụng băng garo chặt vùng bị cắn, vừa làm đau nạn nhân, vừa cản trở máu lưu thông đến các chi gây hoại tử.
- Không tự ý cho trẻ uống thuốc.
- Không cho trẻ uống rượu hoặc đồ uống chứa caffeine để giảm đau.
Cố gắng ghi nhớ màu sắccon rắn, thời điểm bị cắn, các phản ứng đầu tiên của nạn nhân… để hỗ trợ cho việc điều trị.
Nguyễn Sơn
Từ khóa rắn hổ mang trẻ bị rắn cắn Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang