Nỗi sợ bóng tối không chỉ là phản ứng tự nhiên mà còn phản ánh những cảm giác bất an và mất kiểm soát trước môi trường xung quanh. Dù bóng tối không ẩn chứa nguy hiểm thực sự, nhiều người vẫn cảm thấy lo lắng, đặc biệt là trẻ nhỏ. Bằng việc hiểu rõ nguyên nhân và áp dụng phương pháp khoa học như liệu pháp tiếp xúc, nỗi sợ này có thể được khắc phục, giúp con người đối mặt và chiến thắng những ám ảnh từ bóng tối.

so bong toi
Vì sao con người lại sợ bóng tối. (Ảnh minh hoạ: Shutterstock)

Nỗi sợ và chứng sợ là hai khái niệm khác nhau

Nỗi sợ có thể được coi là một đặc tính bẩm sinh của con người. Dù ở mức độ nhiều hay ít, mỗi người đều có xu hướng sợ hãi một điều nhất định, đôi khi không có lý do rõ ràng, chẳng hạn như nỗi sợ bóng tối. Mặc dù bản thân bóng tối không gây ra nguy hiểm, nhưng tại Mỹ, cứ 9 người trưởng thành thì có 1 người thừa nhận sợ bóng tối. Vậy tại sao con người lại cảm thấy sợ hãi bóng tối, và liệu có cách nào để vượt qua nỗi sợ này? Các chuyên gia đã có những lời giải thích chi tiết về vấn đề này.

Theo trang web IFLScience, nếu bạn cảm thấy hoảng sợ khi nhìn thấy nhện hoặc chỉ cần nghĩ đến việc bị kẹt trong thang máy đã khiến bạn thở gấp, thì bạn cũng giống như rất nhiều người khác. Tiến sĩ Melissa Norberg, nhà tâm lý học lâm sàng tại Đại học Macquarie, Úc, cho biết: “Hơn 70% người có một nỗi sợ vô hình như vậy”.

Tuy nhiên, nỗi sợ không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với chứng sợ (phobia). Tiến sĩ Norberg giải thích rằng, theo định nghĩa, chứng sợ thường xuyên gây ra đau khổ hoặc làm xáo trộn cuộc sống của một người. Nỗi sợ phải là phi lý hoặc cực đoan đến mức nào đó mới có thể được gọi là một chứng sợ cụ thể.

Theo Tiến sĩ Norberg, nếu bạn sợ rắn, bạn có thể nghĩ rằng mình mắc chứng sợ rắn (ophidiophobia). Tuy nhiên, nếu bạn sống trong một môi trường không có rắn, thì nỗi sợ đó có thể không được coi là chứng sợ rắn, vì rắn không gây ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn.

Tuy nhiên, nếu bạn chuyển đến một môi trường có rắn, và vì sợ gặp rắn mà không dám thực hiện một số hoạt động, khiến cuộc sống của bạn bị ảnh hưởng, thì lúc đó bạn có thể được xem là mắc chứng sợ rắn theo định nghĩa.

Rõ ràng, việc con người có phản ứng sợ hãi trước động vật là điều bình thường, nếu không tổ tiên của loài người khi nhìn thấy sư tử mà không né tránh thì chúng ta đã không thể tồn tại và phát triển đến ngày nay.

Tuy nhiên, chứng sợ hãi lại khác. Tiến sĩ Norberg cho biết, nhìn chung, các nghiên cứu không ủng hộ quan điểm rằng việc chúng ta sợ một số điều là do chúng mang lại lợi ích trong quá trình tiến hóa. Ngược lại, khả năng cao đó là kết quả của những quan niệm sau này.

Bạn có sợ bóng tối không?

Dựa trên định nghĩa, chứng sợ hãi là phi lý, không có cơ sở. Mặc dù tại thời điểm đó bạn có thể cảm nhận được mối đe dọa là thật, nhưng trên thực tế, bạn không thực sự đối mặt với bất kỳ nguy hiểm nào. Tuy nhiên, việc khiến bản thân tin rằng mình không gặp phải nguy hiểm nào lại vô cùng khó khăn.

Tiến sĩ Norberg chỉ ra: “Khi con người mắc chứng sợ hãi nghiêm trọng về mặt lâm sàng, họ không chỉ sợ những tình huống nguy hiểm thực sự (có thể gây hại trong thực tế) mà còn sợ cả những tình huống hoặc tác nhân phi lý, tức là không có nguy cơ thực tế nhưng vẫn khiến họ cảm thấy lo lắng, hoảng loạn”.

Ví dụ, có người không dám chạm vào một con gián cao su. Mặc dù họ biết đó chỉ là đồ giả và hoàn toàn vô hại, nhưng dường như bộ não của họ vẫn không chấp nhận điều đó.

Tiến sĩ Norberg giải thích: “Mọi người cảm thấy bóng tối đáng sợ vì nó làm mất đi một giác quan của chúng ta. Điều này làm gia tăng cảm giác bất định, và nhiều người nhận thấy rằng việc đối mặt với sự bất định thường khiến họ khó chịu”.

Giống như các chứng sợ hãi khác, một số trường hợp có thể là kết quả của phản ứng có điều kiện. Tiến sĩ Norberg nói: “Ở một số quốc gia, trẻ em thường ngủ một mình, và bóng tối có thể liên quan đến cảm giác chia cách ở trẻ nhỏ. Sự kết hợp giữa việc ở một mình và bóng tối có thể khiến trẻ em nghĩ rằng bóng tối chính là vấn đề”.

Làm thế nào để vượt qua nỗi sợ?

Tiến sĩ Norberg chia sẻ rằng phương pháp tiêu chuẩn để điều trị chứng sợ hãi là liệu pháp tiếp xúc (exposure therapy), nghĩa là đối diện với nỗi sợ, và đây là phương pháp hiệu quả hơn so với các liệu pháp khác.

Bà giải thích rằng, liệu pháp tiếp xúc bao gồm việc đối diện với các kích thích gây sợ hãi theo cách không gây nguy hiểm và hiểu rằng không cần phải lo sợ chúng. Vì vậy, người sợ bóng tối nên thử vào một căn phòng tối, ở một mình vào ban đêm mà không có tác nhân gây nguy hiểm, ma quỷ, tội phạm hay những loài động vật nguy hiểm. Họ cần lặp lại điều này nhiều lần cho đến khi thực sự tin rằng bóng tối không hề đáng sợ.

Nếu bạn cảm thấy cách này quá khó khăn, bạn có thể áp dụng phương pháp tiến từng bước. Tiến sĩ Norberg cho rằng bạn có thể bắt đầu bằng cách vào một căn phòng mờ tối nhưng không hoàn toàn tối.

Bà nhấn mạnh rằng khi thực hiện liệu pháp tiếp xúc, mọi người nên tự hỏi: “Điều gì sẽ xảy ra? Khả năng điều đó xảy ra là bao nhiêu? Nếu nó xảy ra, hậu quả sẽ tệ đến mức nào?”

Bà nhắc nhở rằng, sau khi kết thúc liệu pháp này, mọi người nên ngay lập tức tự hỏi:
“Kết quả đáng sợ đã xảy ra chưa? Nếu có, tình hình tệ đến mức nào? Khả năng sự việc đáng sợ đó xảy ra trong tương lai là bao nhiêu?”

Bà giải thích, những câu hỏi này có thể giúp mọi người rút ra những bài học sau:

– Kết quả đáng lo gần như không bao giờ xảy ra.

– Khi nó xảy ra, kết quả thường không tệ như họ nghĩ.

– Nếu nó thực sự xảy ra, họ vẫn có thể xử lý được.

Tuy nhiên, chìa khóa để liệu pháp này thành công là bạn cần sẵn sàng đối mặt với bóng tối trong một khoảng thời gian khi có cơ hội. Tiến sĩ Norberg nói: “Mỗi khi bạn có cơ hội đối mặt với bóng tối, nếu khách quan mà nói nếu điều đó không nguy hiểm, thì hãy mạnh dạn thực hiện!”

Bà nói, nếu bạn chỉ đối mặt với bóng tối trong phòng làm việc của bác sĩ, thì có thể đó là nơi duy nhất bạn không sợ bóng tối. Tuy nhiên, điều này sẽ không giúp ích nhiều trong việc vượt qua nỗi sợ bóng tối trong thực tế.