2 ngày ĐCSTQ điều động hơn 150 lượt máy bay quấy rối Đài Loan: Muốn ‘khoe cơ bắp’
- Lý Hiền
- •
Quân đội Đài Loan phát hiện hơn 150 lượt máy bay quân sự Trung Quốc xâm nhập qua eo biển Đài Loan trong hai ngày 17 và 18/9, trong đó 103 lượt trong 1 ngày đạt mức cao kỷ lục kể từ khi nước này công bố dữ liệu. Các chuyên gia quân sự phân tích rằng Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc, ĐCSTQ) nhằm mục đích chứng tỏ khả năng phong tỏa Biển Đông và chống lại các cuộc tập trận quân sự vây chặn của Mỹ và các đồng minh, vốn đã làm tăng thêm áp lực phòng không ở phía đông và đông nam Đài Loan.
Ngày 18/9, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết, trong 24 giờ tính đến 6 giờ sáng ngày 18/9, có tổng cộng 103 lượt máy bay và 9 lượt tàu đã được phát hiện và tiếp tục hoạt động quanh eo biển Đài Loan, trong đó có 40 lượt máy bay vượt qua đường trung tâm của eo biển Đài Loan và đường kéo dài của nó, xâm nhập vào không phận phía Tây Nam và Đông Nam của Đài Loan. Con số này đạt mức cao kỷ lục. So với mức cao nhất trong một ngày trước đó, tổng cộng 91 lượt máy bay đã bị phát hiện trong cuộc tập trận quân sự vòng quanh Đài Loan của Trung Quốc vào tháng 4/202.
Ngày 19/9, Bộ Quốc phòng Đài Loan thông báo, trong 24 giờ tính đến 6h sáng cùng ngày, có thêm 55 lượt máy bay và 7 lượt tàu chiến hoạt động quanh eo biển Đài Loan, trong đó có 27 lượt máy bay quân sự đi vào không phận phía Tây Nam Đài Loan.
55 PLA aircraft and 7 PLAN vessels around Taiwan were detected by 6 a.m.(UTC+8) today. R.O.C. Armed Forces have monitored the situation and tasked CAP aircraft, Navy vessels, and land-based missile systems to respond these activities. pic.twitter.com/kXttA8YPFP
— 國防部 Ministry of National Defense, R.O.C. 🇹🇼 (@MoNDefense) September 19, 2023
Theo thống kê của Không quân Đài Loan, tổng số loại máy bay của ĐCSTQ xâm nhập eo biển Đài Loan trong hai ngày qua bao gồm máy bay chiến đấu Su-30, máy bay chiến đấu J-10, máy bay chiến đấu J-11, máy bay chiến đấu J-16, máy bay tiếp dầu Yunyou-20, KJ-500 và máy bay không người lái WZ-7, v.v.
Diễn tập tổng hợp của quân đội ĐCSTQ để thể hiện khả năng phong tỏa Biển Đông
Để đối phó với sự đe dọa quân sự quy mô lớn này, ông Tô Tử Vân (Su Tzu-Yun), Giám đốc Viện Chiến lược và Nguồn lực Quốc phòng Đài Loan, đã phân tích và chỉ ra rằng quân đội của ĐCSTQ nhằm mục đích chứng tỏ sức mạnh quân sự của mình là “bảo vệ phía bắc và tấn công phía nam”, tức là sử dụng một số tên lửa phòng không trên mặt đất và hỏa lực tầm xa ở phía bắc để tiến hành diễn tập phòng không, bảo vệ lực lượng phòng không chiến lược trên tiền tuyến Thiên Tân và Bắc Kinh. Ở phía Nam, họ tiến hành các cuộc tập trận tổng hợp trên biển và trên không ở eo biển Ba Sĩ (Bashi) để thể hiện khả năng phong tỏa lối vào Biển Đông.
Ông Tô Tử Vân nói với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) rằng: “Quân đội ĐCSTQ đã tiến hành các cuộc diễn tập đội hình chiến đấu thực tế thông qua việc điều động các máy bay quân sự quy mô lớn trong hai ngày qua, bao gồm cả máy bay cảnh báo sớm KJ-500. Đây là công cụ quản lý chiến trường có thể điều phối và chỉ huy các nhóm máy bay tấn công, để thực hiện các cuộc tấn công trấn áp các mục tiêu trên biển hoặc thậm chí trên mặt đất. Máy bay chở dầu cũng có thể cung cấp cho các máy bay quân sự này khả năng dẫn đường ở khoảng cách xa hơn để thực hiện cái mà họ gọi là nhiệm vụ tấn công.”
Ông cho rằng việc ‘phô trương cơ bắp’ của quân đội ĐCSTQ có thể nhằm chuyển hướng những khó khăn kinh tế và chính trị trong nước. Ông nói, mặc dù quân đội ĐCSTQ dường như có thể ra vào eo biển Đài Loan một cách tự do, nhưng quân đội Đài Loan có thể phong tỏa eo biển Ba Sĩ và eo biển Miyako ở phía bắc một cách hiệu quả trong thời chiến thông qua các hệ thống tên lửa phòng không và chống hạm, để ngăn chặn một cách hiệu quả bước tiến của quân đội ĐCSTQ. Do đó, việc ĐCSTQ thường xuyên đe dọa quân sự đối với Đài Loan sẽ chỉ củng cố “thuyết mối đe dọa từ Trung Quốc (ĐCSTQ)” và khiến nhiều quốc gia tăng cường cảnh giác, điều này gây bất lợi ngược lại cho Bắc Kinh.
Ông cũng cho rằng làn sóng áp lực quân sự này của ĐCSTQ còn mang hàm ý đe dọa ngoại giao và là sự biểu đạt thái độ chính trị bất mãn, nhằm chống lại việc một số nước châu Á tham gia vào các cuộc tập trận quân sự do Mỹ dẫn đầu để kiềm chế Trung Quốc, bao gồm cả cuộc tập trận chung Hải quân Vàng đang diễn ra của 3 nước Mỹ và Hàn Quốc, Canada, cuộc tập trận trên Biển Hoa Đông vừa kết thúc giữa Mỹ, Canada, Úc, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc, cuộc tập trận bắn đạn thật “Super Garuda Shield” ở Biển Đông của 19 quốc gia trong đó có Mỹ và Indonesia.
Trung Quốc đe dọa Mỹ và đồng minh, không chỉ nhắm vào Đài Loan
Ông Lâm Dĩnh Hựu, trợ lý giáo sư tại Viện Chiến lược và Quan hệ Quốc tế tại Đại học Tamkang ở Đài Bắc, cũng đồng ý rằng làn sóng hành động quân sự hiện nay của ĐCSTQ không chỉ nhắm vào Đài Loan mà đang cố gắng gây áp lực lên Mỹ và các nước châu Á lân cận.
Ông cho rằng theo quan điểm của Đài Loan, số lượng máy bay của ĐCSTQ quấy nhiễu Đài Loan trong một ngày quả thực đã đạt mức cao mới, tuy nhiên so với hai cuộc tập trận vòng quanh Đài Loan vào tháng 8/2022 và tháng 4 năm nay, và khi Phó Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức quá cảnh tại Mỹ vào tháng 8 năm nay, thì cuộc tuần tra liên hợp trên biển và trên không do Quân đội Giải phóng Nhân của ĐCSTQ dân phát động trong hai ngày qua “không nhắm mục tiêu nhiều vào Đài Loan”, càng làm nổi bật hơn những hàm ý trong lập trường của Trung Quốc đối với Mỹ và khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Ông Lâm Dĩnh Hựu nhấn mạnh rằng ngoài số lượt máy bay của quân đội ĐCSTQ, đường bay và phạm vi bay của nó đáng được quan tâm hơn. Ông nói rằng quân đội ĐCSTQ coi đường trung tâm của eo biển Đài Loan chẳng là gì cả và đang thiết lập trạng thái “bình thường mới” cho các hoạt động của họ ở phía đông eo biển Đài Loan.
Ông nói với VOA: “Ở phía bên này của đường trung tâm (của eo biển), họ (Trung Quốc) đã vượt qua. Tôi nghĩ trọng tâm của họ bây giờ sẽ phía đông Đài Loan. Bởi vì nói một cách tương đối, nếu tên lửa của Lực lượng Tên lửa (quân đội ĐCSTQ) tấn công sân bay phía tây (Đài Loan) thì không có vấn đề gì lớn. Nhưng họ (ĐCSTQ) muốn tăng thêm áp lực lên phía đông nam (Đài Loan).”
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning cho biết trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 18/9: “Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc và không có cái gọi là đường trung tâm ở eo biển”.
Quân đội ĐCSTQ thiết lập trạng thái bình thường mới, áp lực phòng thủ phía đông nam của Đài Loan gia tăng
Chuyên gia quân sự Trung Quốc Trương Học Phong (Zhang Xuefeng) cũng đã nhiều lần đề cập đến khái niệm “bình thường mới” trong các cuộc phỏng vấn với Thời báo Hoàn Cầu (Global Times). Ông cho biết, xu hướng chung của các cuộc tập trận và huấn luyện của Quân đội Giải phóng Nhân dân (của ĐCSTQ) quanh eo biển Đài Loan là ngày càng có quy mô lớn hơn, thu hẹp đáng kể khu vực hoạt động của quân đội Đài Loan và hình thành trạng thái bình thường mới. Việc tổ chức các cuộc diễn tập, hoạt động huấn luyện phù hợp cũng ngày càng linh hoạt, có khi được thông báo trước, có khi chỉ diễn tập mà không báo trước, quy mô diễn tập, phạm vi vùng biển, vùng trời cũng thay đổi khá nhiều, càng làm tăng thêm độ khó trong phán đoán và phản ứng của quân đội Đài Loan, đồng thời khiến Đài Loan ngày càng khó suy đoán và không nhìn trúng được ý đồ.
Một chuyên gia quân sự khác của Trung Quốc, Phúc Tiền Tiêu (Fu Qianshao), nói với Thời báo Hoàn Cầu vào ngày 18/9 rằng việc quân đội Giải phóng nhân dân điều động hơn 100 lượt máy bay chiến đấu xuất kích trong một ngày là một hoạt động ở cấp độ chiến dịch trên không có quy mô đáng kể. Máy bay quân sự được điều động lần này có đủ loại, bao gồm máy bay chiến đấu, máy bay cảnh báo sớm và máy bay tiếp dầu trên không, v.v., đánh dấu khả năng bay xuyên khu vực của quân đội ĐCSTQ ở eo biển Đài Loan đã được nâng lên một tầm cao mới.
Bộ Quốc phòng Đài Loan liên tiếp đưa ra các tuyên bố trong ngày 18 và 19/9, lên án các hành động khiêu khích của Trung Quốc (ĐCSTQ) là tác nhân gia tăng căng thẳng gia tăng và làm tình hình an ninh khu vực xấu đi. Bộ Quốc phòng Đài Loan nhắc lại rằng hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan có liên quan đến hòa bình, thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và là trách nhiệm chung của tất cả các bên trong khu vực, các bên liên quan phải có trách nhiệm chung. Đồng thời Bộ Quốc phòng Đài Loan cũng kêu gọi chính quyền Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm và chấm dứt ngay các hành động đơn phương làm xói mòn hiện trạng.
Từ khóa Đài Loan Trung Quốc tấn công Đài Loan