4 vấn đề trong cuộc gặp Mỹ – Trung tại Đối thoại Shangri-La tháng này
- Lý Ngôn
- •
Đối thoại Shangri-La (Shangri-La Dialogue) hay còn gọi Hội nghị An ninh châu Á (Asia Security Conference) sẽ được tổ chức từ ngày 10 – 12/6 tại Khách sạn Shangri-La (Singapore). Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Trung Quốc dự kiến sẽ gặp nhau trong hội nghị và trao đổi quan điểm về Đài Loan, Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, các đảo ở Thái Bình Dương, và cuộc chiến ở Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phụng Hòa (Wei Fenghe) dự kiến sẽ có cuộc hội đàm trực tiếp vào tối thứ Sáu (10/6), đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai bộ trưởng quốc phòng Mỹ – Trung Quốc kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức.
Chắc hẳn cả hai ông Austin và Ngụy Phụng Hòa sẽ có nhiều vấn đề đối đầu nhau.
“Từ quan điểm của chúng tôi, chúng tôi hy vọng nội dung của cuộc họp sẽ tập trung vào quản lý cạnh tranh toàn cầu và khu vực”, một quan chức cấp cao của Mỹ nói với giới truyền thông.
Quan chức Mỹ này cũng cho biết cuộc họp sẽ tập trung một phần vào việc “đặt hành lang cho mối quan hệ hai nước”, đồng thời thúc đẩy cơ chế phối hợp giải quyết khủng hoảng tốt hơn để đảm bảo sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa hai đối thủ lớn nhất thế giới không leo thang thành xung đột.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết Bắc Kinh sẽ sử dụng cuộc gặp để thảo luận về hợp tác với Mỹ.
Trong một thông cáo báo chí, Lầu Năm Góc cho biết cuộc gặp diễn ra theo yêu cầu của các nhà lãnh đạo quân sự Trung Quốc.
Đây là chuyến thăm thứ 4 của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Đối thoại Shangri-La do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), một tổ chức tư vấn của Anh đăng cai tổ chức. Mỗi năm, những người tham gia bao gồm các quan chức cấp cao từ nhiều nước trong nhiều lĩnh vực: quân sự ngoại giao, chuyên gia và nhà bình luận, đại diện của ngành công nghiệp quốc phòng.
Đối thoại Shangri-La đã thu hút nhân sự liên quan đến từ 42 nước trên thế giới, trong số đó có tới 37 đoàn do các quan chức cấp bộ trưởng dẫn đầu.
Điểm nhấn năm nay: Cạnh tranh Mỹ – Trung Quốc
Vài tháng gần đây, quan hệ Mỹ-Trung lại không ngừng căng thẳng. Cả hai bên đã xung đột về các vấn đề như Trung Quốc đe dọa Đài Loan, các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông, và nỗ lực của Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở Thái Bình Dương.
Nhà nghiên cứu cấp cao về chính sách quốc phòng và hiện đại hóa quân đội Trung Quốc là Meia Nouwens nói với Reuters: “Vấn đề quan trọng trong năm nay chắc chắn sẽ là mối quan hệ cạnh tranh Mỹ-Trung”. Bà nói rằng quá trình hiện đại hóa liên tục của quân đội Trung Quốc và hành vi độc đoán được thấy trong 2 năm qua đang tạo ra “cảm giác cấp bách mới”. Bà Meia Nouwens là thành viên của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), tổ chức tư vấn đã tổ chức sự kiện này.
Vấn đề về Đài Loan, Ấn Độ – Thái Bình Dương, và các quốc đảo ở Thái Bình Dương
Reuters dự đoán rằng cuộc đàm phán song phương giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như phần lớn nội dung đối thoại Shangri-La lần này có thể sẽ tập trung vào vấn đề Đài Loan. Trong 2 năm qua Trung Quốc không ngừng leo thang hoạt động quân sự gần Đài Loan.
Nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại tổ chức tư vấn RAND (RAND Corporation) là Derek Grossman nói với Reuters: “Mỹ sẽ nhắm mục tiêu cụ thể vào Đài Loan, đồng thời cũng có động thái mạnh nhắm vào xu thế độc đoán bành trướng không ngừng gia tăng trên khắp Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.
Tháng này, Tổng thống Mỹ Biden nói rằng Mỹ sẽ can thiệp quân sự nếu ĐCSTQ tấn công Đài Loan. Washington từ lâu đã áp dụng chính sách mơ hồ chiến lược về vấn đề này.
Các quốc đảo Thái Bình Dương cũng trở thành khu vực cạnh tranh chiến lược chính giữa Mỹ và Trung Quốc. Mỹ lo ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Vào tuần tới, đặc phái viên của Tổng thống Biden sẽ đến thăm Quần đảo Marshall. Tuần trước, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã kết thúc chuyến thăm 10 nước Thái Bình Dương mà không thể đạt được hiệp ước thương mại và an ninh toàn diện do Trung Quốc đề xuất.
Ukraine và Triều Tiên
Trong khi trọng tâm của cuộc đối thoại an ninh là về các vấn đề an ninh châu Á, thì cuộc chiến xâm lược của Nga vào Ukraine sẽ vẫn là trọng tâm của cuộc thảo luận. Tính đến tuần trước, cuộc xung đột đã ở ngày thứ 100.
Một nguồn tin nắm rõ danh sách những người tham dự nói với Reuters rằng Ukraine sẽ cử phái đoàn tới hội nghị, nhưng phía Nga thì không tham gia. Nhà tổ chức cho biết Tổng thống Volodymyr Zelenskiy của Ukraine sẽ phát biểu theo hình thức trực tuyến.
“Những người Mỹ tham dự sẽ sử dụng dịp này để chỉ trích quan hệ đối tác chiến lược của Trung Quốc với Nga”, phó giáo sư Li Mingjiang tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore nói với Reuters.
Trong khi đó, cùng với việc Mỹ tiếp tục cung cấp cho Ukraine viện trợ quân sự và chính trị để chống lại cuộc tấn công của Nga, lãnh đạo quốc phòng Mỹ Austin sẽ phải đối mặt với áp lực để thuyết phục các đối thủ của Trung Quốc ở châu Á rằng họ có thể tin tưởng vào Washington.
Cựu quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc, ông Elbridge Colby nói với Reuters: “Họ nói Trung Quốc đang là nguy cơ lớn, thậm chí còn cho rằng đó là mối đe dọa nghiêm trọng. Tuy nhiên có vẻ như về cơ bản sự chú ý và các nguồn lực chính đang đổ dồn vào châu Âu”.
Ngoài ra đối thoại Shangri-La còn tập trung vấn đề đe dọa quân sự từ Triều Tiên – nước đang thúc đẩy vũ khí hạt nhân và đã tiến hành ít nhất 18 đợt phóng thử trong năm nay.
Hôm thứ Tư (8/6) các quan chức Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản cho biết vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên là một hành động khiêu khích “nghiêm trọng, bất hợp pháp”.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida dự kiến sẽ có bài phát biểu quan trọng tại cuộc họp hôm thứ Sáu, kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Từ khóa Nguỵ Phụng Hoà Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin Hội nghị An ninh châu Á