Một cuộc điều tra của Cục Môi trường Liên bang Đức (UBA) cho thấy, có tới 45 dự án giảm phát thải carbon của Trung Quốc bị nghi ngờ đã lừa gạt Liên minh Châu Âu (EU), khi xin cấp giấy chứng nhận giảm phát thải thông qua khai báo sai và gian lận dữ liệu phóng đại. Đức đã tạm dừng các dự án này, ước tính thiệt hại lên tới 500 triệu euro (khoảng 557 triệu USD).

giam phat thai co2
(Ảnh minh họa: Shutterstock)

Ông Dirk Messner, Giám đốc Cục Môi trường Liên bang Đức, cho biết họ đã xem xét 56 dự án của Trung Quốc đạt được chứng chỉ giảm phát thải của EU, và đã thu hồi chứng chỉ của 45 dự án trong số này.

Các dự án bị cáo buộc lừa đảo của Trung Quốc nhằm mục đích tiêu hủy khoảng 6 triệu tấn khí thải carbon dioxide, có giá trị thị trường là 1,5 tỷ euro (1,7 tỷ USD).

Ông Messner cho rằng chỉ có thể thu hồi được khoảng 4 triệu tấn, đồng nghĩa với việc Đức phải đối mặt với thiệt hại kinh tế trực tiếp khoảng 500 triệu euro (khoảng 557 triệu USD).

Để giảm lượng khí thải carbon dioxide, EU đã thiết lập hệ thống “Giảm phát thải thượng nguồn” (UER). Các công ty có thể nhận được mức tín chỉ carbon bằng cách tham gia vào các dự án giảm thiểu khí hậu trên khắp thế giới, để tiêu hủy lượng khí thải carbon của chính họ.

Mỗi dự án “giảm phát thải thượng nguồn” cần được thẩm định và chứng nhận bởi cơ quan bên thứ 3 độc lập theo tiêu chuẩn quốc tế.

Người phát ngôn của Cục Môi trường Liên bang Đức (UBA) cho biết, khi hỏi về các chi tiết đáng nghi ngờ trong báo cáo kiểm toán và điều tra sâu hơn, họ nhận ra rằng họ đang xử lý một hệ thống hắc ám đang chế tạo hết hình ảnh giả mạo này đến hình ảnh giả khác, bịa ra hết lý do chính đáng này đến lý do khác.

UBA cho biết, có 75 dự án “giảm phát thải thượng nguồn” trên khắp thế giới, 66 trong số đó là ở Trung Quốc.

Lợi dụng dịch COVID-19

Vào tháng 1 năm nay, The Nikkei đưa tin, tọa độ của một số dự án “giảm phát thải thượng nguồn” của Trung Quốc được liệt kê trên trang web của Cục Thương mại Khí thải Đức được hiển thị là sa mạc trên Google Maps.

Việc kiểm toán tại chỗ của ít nhất 8 dự án được thực hiện bởi cùng một nhân viên của một công ty kiểm toán môi trường có trụ sở tại Đức. Một số báo cáo trên trang web không bao gồm bất kỳ hình ảnh nào có thể chứng minh sự tồn tại của những cơ sở này.

Bộ trưởng Môi trường Đức, bà Steffi Lemke, nói với ủy ban Bundestag (Quốc hội Liên bang Đức), rằng ban đầu ngay cả các công ty quốc tế có bộ phận tuân thủ quy tắc quy mô lớn cũng không xác định được những mâu thuẫn này. Bà cho rằng điều đó chứng minh cho tính phức tạp của cáo buộc lừa dối có chủ ý.

Theo Deutsche Welle, những gian lận này có thể xảy ra một phần là do quy trình chứng nhận thiếu tính độc lập.

Việc đánh giá chứng nhận của các dự án như vậy được thực hiện bởi một tổ chức tư nhân bên thứ 3. Các dự án bị nghi ngờ gian lận thường được tạo ra, được xác minh và chứng nhận bởi cùng một nhóm người tại cùng một thời điểm.

Những người này rất quen thuộc với hệ thống “giảm phát thải thượng nguồn” nên dùng kiến ​​thức chuyên môn để dùi vào sơ hở trong hệ thống, và lấy chứng nhận cho dự án giả. Thậm chí một số dự án này còn không tồn tại.

Cuộc điều tra của Deutsche Welle còn phát hiện ra rằng một thị trường mua bán các dự án “giảm phát thải thượng nguồn” đã hình thành ở Trung Quốc.

Một lý do khác dẫn đến việc gian lận thành công là do đơn đăng ký cho các dự án sai lệch này được nộp trong thời gian xảy ra đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), khiến nhân viên của cơ quan chứng nhận không thể tiến hành thanh tra, kiểm tra tại chỗ.

Cục Môi trường Liên bang Đức cho biết, các công tố viên Berlin đang điều tra 17 người vì nghi ngờ âm mưu thực hiện hành vi gian lận thương mại. Các bị cáo là giám đốc điều hành và nhân viên của Trung tâm thử nghiệm dự án giảm phát thải thượng nguồn.

Vào tháng 7/2024, các công tố viên Berlin đã đột kích văn phòng của các công ty kiểm toán môi trường do nghi ngờ các công ty này có thể đã tiếp tay cho hành vi tình nghi gian lận trên.

Theo ước tính của Liên đoàn Khí sinh học Đức, với việc “làm đẹp” bảng cân đối kế toán về phát thải, chống biến đổi khí hậu của mình, các công ty đã tránh được khoản tiền phạt lên tới 4,5 tỷ euro (5 tỷ USD).

Để ngăn chặn các dự án giảm phát thải giả tương tự, vào đầu năm nay, Cục Môi trường Liên bang Đức đã thực hiện một loạt hành động, bao gồm sửa đổi các luật và quy định liên quan, cũng như chấm dứt quy trình xin cấp phép cho các dự án “giảm phát thải thượng nguồn” hiện tại trước 2 năm.

Theo quy định mới, từ ngày 1/7 năm nay, Đức sẽ không còn chấp nhận đơn xin cấp phép dự án “giảm phát thải thượng nguồn” mới, đồng thời tăng cường các biện pháp quản lý đối với các dự án hiện có. Các quy định mới áp dụng cho tất cả những đơn cấp phép liên quan đến “giảm phát thải thượng nguồn”, không chỉ giới hạn ở các đơn xin cấp phép từ Trung Quốc.

Bình Minh (t/h)