5 nhân viên của công ty Mỹ tại Bắc Kinh bị bắt, Trung Quốc trả đũa Mỹ?
- Bình Minh
- •
Vào ngày 23/3 giờ địa phương, công ty thẩm định của Mỹ Mintz Group xác nhận rằng văn phòng của họ ở Bắc Kinh đã bị chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đột kích mà không báo trước, 5 nhân viên Trung Quốc bị bắt, hiện không rõ tung tích.
Công ty cũng được lệnh đình chỉ hoạt động. Sau khi lên kế hoạch chặn TikTok, ngày 23/3, Hoa Kỳ lại tuyên bố đưa 14 công ty Trung Quốc vào danh sách báo động đỏ. Từ đó, thế giới bên ngoài đã đặt câu hỏi về việc liệu ĐCSTQ có sử dụng các thủ đoạn lưu manh để trả đũa Hoa Kỳ hay không.
Văn phòng Bắc Kinh của công ty Mỹ bị đột kích, 5 nhân viên Trung Quốc bị bắt và mất liên lạc
Mintz Group có trụ sở tại New York, chuyên kiểm tra lý lịch, thu thập thông tin thực tế và điều tra nội bộ. Tập đoàn này có 18 văn phòng trên khắp thế giới, gồm các trụ sở tại London, thành phố Mexico, Dubai và Nairobi Kenya ở châu Phi.
Tại Bắc Kinh, khi được hỏi về hoạt động này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao ĐCSTQ Mao Ninh nói rằng bà không biết về việc này, Văn phòng Công an Bắc Kinh chưa phản hồi về vụ việc.
Theo Reuters, Tập đoàn Mintz đã viết trong một email tuyên bố: “Chúng tôi có thể xác nhận rằng chính quyền Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bắt giữ 5 nhân viên Trung Quốc tại văn phòng Bắc Kinh của Tập đoàn, và đóng cửa các hoạt động tại địa phương của chúng tôi.”
Tuyên bố cũng đề cập rằng “Tập đoàn chúng tôi đã không nhận được thông báo trước, hoặc thông báo pháp lý chính thức về hoạt động lục soát này.”
Theo nguồn tin tại trụ sở chính của Tập đoàn Mintz ở New York, cuộc đột kích xảy ra vào chiều ngày 23/3. Các nhân viên bị bắt đã được đưa đến một nơi bên ngoài Bắc Kinh, và mất liên lạc với thế giới bên ngoài.
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên các công ty điều tra phương Tây gặp rắc rối ở Trung Quốc Đại Lục. Vợ chồng ông Humphrey, người điều hành công ty tư vấn rủi ro ChinaWhys, cũng bị giam giữ vào năm 2013, sau khi tiếp quản hoạt động của gã khổng lồ dược phẩm Anh GlaxoSmithKline (GSK).
Những năm trước, bà Mạnh Vãn Châu cũng bị bắt vì tình nghi lừa đảo khi quá cảnh ở Vancouver, Canada. Sau đó vào tháng 5/2019, ĐCSTQ đã bắt giữ 2 công dân Canada là Michael Kovrig và Michael Spavor với tội danh “nghi ngờ gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia”.
Khi đó, vụ việc này được thế giới bên ngoài coi là chính sách ngoại giao con tin, nhằm gây áp lực lên Canada. Tháng 9/2021, bà Mạnh Vãn Châu đã đạt được thỏa thuận với chính quyền Hoa Kỳ và Canada, kết thúc quá trình dẫn độ. Hai người Canada bị Trung Quốc giam giữ hơn 1.000 ngày cũng được ĐCSTQ trả tự do và trở về Canada.
14 công ty Trung Quốc bị Mỹ đưa vào danh sách báo động đỏ
Reuters cũng đưa tin, ngày 23/3, chính quyền Biden của Hoa Kỳ đã đưa 14 công ty Trung Quốc vào Danh sách Báo động đỏ, yêu cầu các nhà xuất khẩu Hoa Kỳ tiến hành thẩm định cẩn thận hơn trước khi giao hàng cho những công ty này.
14 công ty này gồm cả ECOM International và HK P&W Industry đăng ký tại Hồng Kông. Hiện hai công ty trên vẫn chưa có phản hồi.
Hôm thứ Hai (20/3), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm Nga theo cấp nhà nước, cùng ăn tối với Tổng thống Nga Vladimir Putin và hội đàm chính thức vào ngày 21/3.
Tờ Washington Post chỉ ra rằng chuyến thăm Nga của ông Tập Cận Bình đã đặt nền móng cho sự đối đầu toàn cầu, cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng sử dụng mối quan hệ với Moscow để đối đầu với Washington.
Mong muốn thay đổi trật tự thế giới do Mỹ thống trị của ông Tập Cận Bình thể hiện ở việc đứng về phía ông Putin, và đứng cùng hành động xâm lược của ông Putin bằng mọi giá.
Sau thông báo trên, Thứ trưởng Thương mại Hoa Kỳ, ông Don Graves, cho biết trong một tuyên bố: “Thực hiện kiểm soát xuất khẩu là một phần quan trọng trong việc bảo vệ an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Chúng tôi sẽ cố gắng sử dụng mọi phương tiện sẵn có, để xác định tình trạng sử dụng công nghệ tiên tiến của Hoa Kỳ trên toàn cầu.”
Hoa Kỳ coi những hạn chế đối với việc xuất khẩu hàng hóa của Mỹ là một biện pháp quan trọng, nhằm ngăn cản ĐCSTQ đạt được tiến bộ trong lĩnh vực công nghệ.
Từ khóa Trung Quốc trả đũa Mỹ Mintz Group