60 phóng viên Trung Quốc tại Mỹ có thể phải chuẩn bị về nước?
- Tuyết Mai
- •
Trước tình trạng nhà cầm quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) “đe dọa và quấy rối” giới truyền thông Mỹ trú tại Trung Quốc, gần đây chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh giảm gần 40% số nhân viên quốc tịch Trung Quốc trong bốn tổ chức truyền thông của ĐCSTQ tại Mỹ.
Mỹ đáp trả vì ĐCSTQ tiếp tục đẩy mạnh thắt chặt tự do báo chí
Trong một buổi họp ngắn của Bộ Ngoại giao Mỹ vào ngày 2/3 (thứ Hai), quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ đã cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ giảm số lượng nhân viên quốc tịch Trung Quốc làm việc trong bốn tổ chức truyền thông ĐCSTQ ở Mỹ, từ tổng số 160 người hiện nay chỉ còn 100 người. Các tổ chức truyền thông nhà nước Trung Quốc được quan chức cấp cao Mỹ nhắc đến là Tân Hoa xã Trung Quốc, Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN), Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc (CRI) và Nhật báo Trung Quốc. Thông tin cho biết việc chấp hành quy định mới này phải thực hiện trước ngày 13/3.
Quan chức Mỹ cáo buộc trong nhiều năm qua ĐCSTQ đã thực thi cơ chế giám sát, quấy rối và đe dọa ngày càng nghiêm ngặt đối với phóng viên Mỹ cũng như giới phóng viên nước ngoài nói chung đến Trung Quốc làm nhiệm vụ. Đây là một vấn đề tồn tại lâu dài, phía Mỹ đã không ngừng kêu gọi Bắc Kinh cải thiện cách đối xử với các phóng viên báo chí nước ngoài. Quan chức Mỹ cũng cho biết động thái mới này không liên quan đến bất kỳ sự cố cụ thể nào, tuy nhiên có nhắc đến sự cố mới đây phóng viên của Wall Street bị Trung Quốc trục xuất là trường hợp “gây sốc”.
Sau buổi họp báo ngắn của quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, trong một tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo cho biết, “Khác với các tổ chức truyền thông nước ngoài ở Trung Quốc, những tổ chức này “(truyền thông ĐCSTQ ở Mỹ) không phải là tổ chức thông tin độc lập.” “Giống như chúng tôi đã hành động trong các lĩnh vực khác liên quan đến quan hệ Mỹ – Trung Quốc, chúng tôi hướng đến xây dựng một sân chơi bình đẳng mà lâu nay vẫn kỳ vọng.”
Liên quan đến vấn đề liệu Bắc Kinh có biện pháp trả đũa hay không, quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, phía Mỹ cũng đã sẵn sàng trong trường hợp nếu Bắc Kinh quyết định đi theo hướng tiêu cực mà không phải là tăng cường cởi mở với phóng viên nước ngoài. Nhưng quan chức này nhấn mạnh rằng Mỹ chỉ đặt ra giới hạn cao nhất, còn chuyện quyết định giảm bớt nhân viên là do tổ chức truyền thông của ĐCSTQ tự quyết, phía Mỹ sẽ không trục xuất bất cứ ai. Dù vậy quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ thừa nhận rằng nhân viên Trung Quốc làm việc trong tổ chức truyền thông ĐCSTQ tại Mỹ có thể phải rời khỏi Mỹ vì thị thực của họ không còn hiệu lực.
Phản ứng về việc Bắc Kinh “vũ khí hóa” thị thực
Trong một báo cáo hôm thứ Hai (ngày 2/3), Hiệp hội phóng viên nước ngoài tại Trung Quốc (Foreign Correspondents Club of China, FCCC) cho biết rằng Bắc Kinh đã “vũ khí hóa” thị thực, xem nó như một phần của biện pháp gia tăng áp lực đối với giới phóng viên nước ngoài.
FCCC tuyên bố trong báo cáo rằng vào tháng Hai năm nay, Chính phủ của ĐCSTQ đã thu hồi thẻ báo chí và thị thực Trung Quốc của ba phóng viên tờ Wall Street Journal trú tại Bắc Kinh, lý do vì không hài lòng với một bài bình luận trên Wall Street Journal. FCCC cho biết kể từ năm 1998 đây là lần đầu tiên xảy ra trường hợp phóng viên nước ngoài ở Trung Quốc bị trục xuất, việc hủy bỏ đồng thời ba thẻ báo chí là “hình thức trả đũa chưa có tiền lệ”.
Bài bình luận mà ĐCSTQ tức giận là của giáo sư Walter Mead thuộc Học viện Bard College ở Mỹ, cho rằng chính quyền Trung Quốc che giấu sự thực dịch bệnh ‘viêm phổi Vũ Hán’ do virus corona chủng mới (COVID-19) khiến việc ngăn chặn virus lây lan không thể thực hiện hiệu quả. Trong khi ba phóng viên bị trục xuất chỉ phụ trách phần tin tức, phần tin tức này không liên quan đến các phần xã luận và bình luận.
Về vấn đề này, ông Virginie Battu-Henriksson, phát ngôn viên về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu cho biết, việc áp dụng cách từ chối visa và thu hồi giấy phép để trả đũa một bài viết là điều đáng quan ngại, là kiểu hành xử tăng cường hạn chế quyền tự do ngôn luận và bình luận.
Theo Bloomberg, Bắc Kinh hiện giới hạn nghiêm ngặt số lượng visa cấp cho phóng viên nước ngoài. Theo thống kê của FCCC tại Bắc Kinh, kể từ năm 2013 đến nay đã có hai phóng viên nước ngoài bị trục xuất hoặc phải rời khỏi Trung Quốc do bị từ chối gia hạn thị thực.
82% phóng viên truyền thông nước ngoài bị quấy rối hoặc bạo lực
Một cuộc khảo sát với 114 phóng viên của FCCC cho thấy, có tới 82% số người thừa nhận hoạt động của họ ở Trung Quốc trong một năm qua đã bị làm phiền, quấy rối hoặc đối xử thô bạo; trong khi 70% thừa nhận từng bị hủy bỏ phỏng vấn vì sự can thiệp của ĐCSTQ; 55% số người được hỏi cảm thấy rằng môi trường làm việc ở Trung Quốc đã xấu đi, không có bất cứ ai cảm thấy môi trường làm việc được cải thiện; 25% số phóng viên nước ngoài tham gia khảo sát cho biết họ chỉ được cấp thị thực dưới 12 tháng, trong khi thông thường phóng viên nước ngoài trú tại Trung Quốc được thị thực có giá trị trong một năm, việc gia hạn theo từng năm.
Khảo sát chỉ ra hầu hết phóng viên nước ngoài tin rằng việc họ gặp cảnh kể trên chủ yếu liên quan đến thông tin mà họ từng đăng tải. Chẳng hạn, họ gặp phải trở ngại khi đưa tin về 30 năm nổ ra sự kiện Thiên An Môn ngày 4/6/1989, kỷ niệm 70 năm ĐCSTQ xây dựng chính quyền, biểu tình ở Hồng Kông…
Chính sách đẩy mạnh kiểm soát các tổ chức tin tức nước ngoài của ĐCSTQ vẫn đang ngày càng nghiêm ngặt hơn. Ví dụ, một giám đốc của hãng truyền thông tiếng Anh đã tố cáo, Bộ Ngoại giao của ĐCSTQ đã nhiều lần cảnh cáo họ rằng đã vượt qua “lằn ranh đỏ”, nếu tái phạm sẽ phải chịu hậu quả. Cái gọi là “lằn ranh đỏ” này bao gồm đưa tin về Tân Cương, Hồng Kông và mọi thông tin về ông Tập Cận Bình.
Ngoài ra, hồi năm ngoái FCCC đã chỉ ra rằng “tường lừa vĩ đại” (Great Firewall) của ĐCSTQ đã tận lực kiểm duyệt ngôn luận trên mạng Internet. Trong tổng số 215 tổ chức truyền thông quốc tế có phóng viên ở Trung Quốc, có tới 23% trang web của họ bị chặn tại Trung Quốc, 31% trang truyền thông quốc tế bằng tiếng Anh đã bị ĐCSTQ ngăn chặn truy cập, nhưng danh sách này vẫn không ngừng gia tăng, khiến người dân ở Trung Quốc đã bị hạn chế nghiêm trọng việc truy cập vào các kênh tin tức nước ngoài.
Tuyết Mai
Xem thêm:
Từ khóa Tự do ngôn luận Phóng viên Truyền thông Mỹ Truyền thông Trung Hoa