Hoa Kỳ sẽ đáp trả sau khi Trung Quốc trục xuất 3 phóng viên WSJ
- Như Ngọc
- •
Chính quyền Trump đang lên kế hoạch đáp trả sau khi Trung Quốc thông báo trục xuất 3 phóng viên Nhật báo Phố Wall (WSJ) hôm thứ Tư (19/2).
Trung Quốc đã thu hồi thẻ báo chí của ba phóng viên báo WSJ, yêu cầu họ rời Trung Quốc trong 5 ngày vì bài báo liên quan đến dịch viêm phổi. Bài bình luận có tiêu đề “Trung Quốc – con bệnh thực sự của châu Á” đề cập đến dịch COVID-19 đăng trên trang nhất tạp chí WSJ hôm 3/2 bị Trung Quốc cáo buộc là “phân biệt chủng tộc”, “giật gân” và chỉ trích WSJ vì không xin lỗi chính thức.
>>Trung Quốc trục xuất ba phóng viên WSJ vì viết bài về COVID-19
Quyết định trục xuất 3 phóng viên WSJ của Trung Quốc đến chỉ vài giờ sau khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ áp đặt hạn chế lên 5 hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc đang hoạt động tại Hoa Kỳ. Giới chức Washington nói rằng 5 hãng thông tấn Trung Quốc bây giờ sẽ được đối xử giống như các phái bộ chính phủ nước ngoài.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng trong buổi họp báo hôm 19/2 đã không liên kết quyết định mới của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ với yêu cầu trục xuất phóng viên WSJ, nhưng nói rằng Trung Quốc “lấy làm tiếc và phản đối quyết định sai lầm đó”.
Trong khi đó, theo Washington Times, các quan chức chính quyền Trump nói rằng Bộ Ngoại giao và Tòa Bạch Ốc đang làm việc cùng nhau để đưa ra kế hoạch về cách thức đáp trả động thái mới nhất của chế độ Bắc Kinh đối với truyền thông Hoa Kỳ hoạt động tại Trung Quốc.
>>Hoa Kỳ bắt truyền thông nhà nước Trung Quốc đăng ký nhân viên và tài sản
Một trong các lựa chọn đang được giới chức Washington xem xét là trục xuất các biên tập viên và phóng viên Trung Quốc làm việc cho các hãng truyền thông đã từng viết bài vu khống Hoa Kỳ, ví như cáo buộc Washington xúi giục các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ tại Hồng Kông. Một lựa chọn khác cũng đang được cân nhắc là trục xuất các sĩ quan tình báo đang hoạt động dưới vỏ bọc là nhân viên của các hãng tin tức Trung Quốc tại Hoa Kỳ.
Trong ngày 19/2, sau khi Trung Quốc thông báo trục xuất 3 phóng viên WSJ, các quan chức hai nước đã lên tiếng cáo buộc nhau xấu tính, đạo đức giả về tự do báo chí.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã chỉ trích quyết định của Trung Quốc, nói rằng “phản ứng đúng với bài báo đó là phải đưa ra các lập luận phản biện, chứ không phải hạn chế ngôn luận.”
“Các quốc gia có trách nhiệm, phát triển hiểu rằng báo chí tự do có quyền đưa tin sự thật và bày tỏ quan điểm,” ông Pompeo nói. Ngoại trưởng Hoa Kỳ cho biết Washington hy vọng thấy người dân Trung Quốc “được tiếp cận thông tin chính xác và tự do ngôn luận như người dân Mỹ đang được hưởng.”
Thượng nghị sĩ Ben Sasse hôm 19/2 cũng đã chỉ trích quyết định của Bắc Kinh, và lưu ý rằng WSJ cũng như nhiều hãng truyền thông nước ngoài khác đều bị chính quyền Trung Quốc chặn truy cập và người dân Trung Quốc không thể đọc được tin tức của các hãng này nếu không dùng phần mềm vượt tường lửa.
“Đây là minh chứng cho thấy Bắc Kinh bị bệnh: Cùng là Đảng Cộng sản Trung Quốc, họ đã không làm gì nhiều tuần khi virus corona làm Vũ Hán lao đao, nhưng họ lại nhanh chóng hành động khi cảm xúc của Chủ tịch Tập bị tổn thương bởi một tiêu đề bài báo mà không người nào ở Trung Quốc được tự do đọc,” ông Ben Sasse nói.
“WSJ không nợ Đảng Cộng sản Trung Quốc điều gì. Chủ tịch Tập mới là người nợ người dân Trung Quốc một lời xin lỗi vì ông ta đã che giấu thông tin về virus corona.”
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói với báo giới tại Bắc Kinh rằng hành động chống lại 5 hãng truyền thông Trung Quốc của Hoa Kỳ “là hoàn toàn bất công và không thể chấp nhận được”.
“Hoa Kỳ khoe khoang về tự do báo chí trong nước họ. Nhưng họ lại cố tình hạn chế và ngăn chặn hoạt động bình thường của các hãng truyền thông Trung Quốc tại đó,” ông Cảnh nói.
Ông Cảnh thậm chí đã gọi hành động của Hoa Kỳ mang “định kiến ý thức hệ và tâm lý Chiến tranh Lạnh”.
Như Ngọc
Từ khóa Quan hệ Mỹ - Trung Kiểm duyệt tự do báo chí