70 nước ủng hộ chủ quyền của Trung Quốc đối với Đài Loan có nghĩa gì?
- Kim Ngôn
- •
Gần đây tờ The Economist đã công bố tin cho biết, 70 nước trên thế giới công khai ủng hộ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Đài Loan, thậm chí còn bày tỏ ủng hộ Trung Quốc “có thể dùng mọi biện pháp để thống nhất Đài Loan”. Điều đó liệu có nghĩa là Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thành công trong việc xây dựng sự đồng thuận quốc tế và mở đường cho các hành động sẵn sàng thôn tính Đài Loan? Về vấn đề này, gần đây trong chương trình “Tiền tuyến Chính trị và Kinh tế” (@democratictaiwanchannel), giáo sư Minh Cư Chính (Ming Ju-cheng) của Khoa Chính trị – Đại học Quốc gia Đài Loan, nhận định hiện tượng này không nguy hiểm như vẻ bề ngoài, trái lại phơi bày những khó khăn về ngoại giao của ĐCSTQ.
Lo lắng của Bắc Kinh: Trở lại của Trump và những bất ổn quốc tế
Ông Minh Cư Chính nhấn mạnh rằng bố cục quốc tế của ĐCSTQ không nhằm củng cố vị thế ngoại giao của họ, mà còn vì lo ngại sự trở lại của ông Trump: “Ông Trump và ông Biden có phong cách ngoại giao hoàn toàn khác nhau. Ông Trump tái đắc cử có thể gây sức ép lớn để buộc một số nước hiện đang ủng hộ Trung Quốc [ĐCSTQ] phải thay đổi lập trường”.
Áp lực này không phải viển vông. Ví dụ trường hợp Panama năm 2017 đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan, thay vào đó công nhận Trung Quốc và tham gia ‘Sáng kiến Vành đai và Con đường’. Tuy nhiên, Mỹ gần đây đã gia tăng ảnh hưởng đối với Panama, buộc nước này phải rút khỏi ‘Sáng kiến Vành đai và Con đường’ và thậm chí xem xét lại mối quan hệ hợp tác với các công ty Trung Quốc. Thay đổi này khiến ĐCSTQ lo ngại sẽ có thêm những nước đang ủng hộ Trung Quốc sẽ dao động trước sức ép từ Mỹ.
70 nước ủng hộ có ảnh hưởng quốc tế?
Hầu hết trong số 70 nước mà tờ The Economist đề cập đều thuộc Nam bán cầu, tức là các nước đang phát triển, trong đó có nhiều nước đã nhận được hỗ trợ tài chính từ ‘Sáng kiến Vành đai và Con đường’, hoặc về kinh tế đang bị phụ thuộc Trung Quốc quá nhiều.
“Không mấy nước có ảnh hưởng quốc tế thực sự trong số các nước đó. Các nước phương Tây chính thống như Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Nhật Bản vẫn không thay đổi lập trường về Đài Loan, nói cách khác là ĐCSTQ đang tìm kiếm các nước nhỏ chịu ảnh hưởng của họ để tạo ra ảo tưởng về sự ủng hộ của quốc tế”, giáo sư Minh Cư Chính phân tích.
Nhưng thực chất ngay cả khi các nước này ủng hộ Trung Quốc trong các tuyên bố ngoại giao, điều đó không có nghĩa là họ sẽ ủng hộ khi ĐCSTQ sử dụng vũ lực xâm lược Đài Loan. Trước đây khi Nga đánh Ukraine, một số nước [do những vấn đề ngoại giao] cũng tuyên bố ủng hộ, thế nhưng rất ít nước thực sự cung cấp hỗ trợ quân sự và kinh tế thực chất giúp Nga trong cuộc chiến. Nghĩa là nếu ĐCSTQ tiến hành hành động quân sự xâm lược Đài Loan thì không nhiều khả năng những nước ủng hộ đó có thể cung cấp hỗ trợ thiết thực.
Tuyên bố chung Mỹ-Nhật Bản: An ninh eo biển Đài Loan vẫn là chuyện đồng thuận quốc tế
Trong khi ĐCSTQ đang thúc đẩy 70 nước ủng hộ lập trường của họ về Đài Loan, các cuộc hội đàm gần đây giữa các nhà lãnh đạo Mỹ và Nhật Bản một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh ở eo biển Đài Loan. Vào ngày 8/2 Tổng thống Mỹ Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba đã ra tuyên bố chung sau cuộc hội đàm, nhắc lại phản đối của họ đối với bất kỳ nỗ lực nào bằng vũ lực hoặc cưỡng ép nhằm đơn phương thay đổi nguyên trạng ở Đài Loan.
Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ và Nhật Bản đưa ra những tuyên bố tương tự. Trong những năm gần đây, từ Shinzo Abe và Biden, đến Trump và Shigeru Ishiba hiện tại, mọi cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo Mỹ và Nhật Bản đều nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình ở eo biển Đài Loan, cho thấy lập trường của Mỹ và Nhật Bản rất nhất quán và không bị lung lay bởi sự thay đổi của lãnh đạo.
Ông Minh Cư Chính chỉ rõ: “Lập trường ổn định của Mỹ và Nhật Bản là xu hướng quốc tế mà Đài Loan nên chú ý. Trung Quốc đang cố gắng lôi kéo ủng hộ của các nước đang phát triển nhằm tạo ra hình ảnh đồng thuận quốc tế, nhưng các nước phương Tây thực sự có ảnh hưởng vẫn đứng về phía Đài Loan”.
Tại sao Nga không thể hiện rõ ràng?
Nga là đồng minh quan trọng của ĐCSTQ, quan hệ giữa Bắc Kinh và Moskva đã trở nên gần gũi hơn sau khi chiến tranh Nga – Ukraine nổ ra. Nhưng dù Nga tuyên bố ủng hộ “sáng kiến thống nhất” của Trung Quốc, nước này chưa bao giờ bày tỏ rõ ràng sự ủng hộ đối với việc ĐCSTQ “sử dụng vũ lực” để giải quyết vấn đề Đài Loan.
Giáo sư Minh Cư Chính phân tích: “Dù Nga phụ thuộc vào Trung Quốc, nhưng họ không dễ dàng tự ràng buộc vào xung đột eo biển Đài Loan. Chiến tranh Nga-Ukraine đã đặt Nga vào tình thế tiến thoái lưỡng nan về kinh tế và ngoại giao, nếu họ công khai ủng hộ cuộc tấn công vũ trang của Trung Quốc vào Đài Loan, thì e rằng càng rơi vào thế cô lập hơn trên trường quốc tế”.
Đài Loan nên ứng phó thế nào?
Giáo sư Minh Cư Chính cho rằng Đài Loan không cần phải lo lắng về chiến thuật ngoại giao 70 nước của ĐCSTQ, nhưng phải luôn cảnh giác và chủ động quản lý các mối quan hệ quốc tế.
Ông đề xuất Đài Loan nên phản ứng theo 3 phương diện sau:
– Tăng cường quan hệ với các nền dân chủ lớn: Đảm bảo ủng hộ liên tục cho Đài Loan từ các nước khác như Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu…
– Mở rộng cuộc chiến quốc tế về nhận thức: Thông qua ngoại giao và truyền thông vạch trần mưu đồ của ĐCSTQ nhằm thao túng diễn ngôn quốc tế.
– Tăng cường năng lực quốc phòng và ứng phó chiến lược: Để ngăn ngừa mọi tình huống khẩn cấp có thể xảy ra.
“Chiến lược hiện tại của ĐCSTQ không phải chiến thắng thực sự, mà là phòng thủ thụ động – nghĩa là cố gắng ngăn chặn sự gia tăng ủng hộ quốc tế dành cho Đài Loan. Điều Đài Loan cần làm là đảm bảo rằng các nước thực sự có ảnh hưởng sẽ đứng về phía họ, để họ không bị lung lay bởi lời lẽ ngoại giao của Bắc Kinh”, ông nói.
Trong tương lai khi cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng, vai trò của Đài Loan trong cộng đồng quốc tế sẽ trở nên quan trọng hơn, và cuộc chiến ngoại giao này sẽ còn tiếp diễn.
Từ khóa Đài Loan Quan hệ Trung Quốc - Đài Loan
