9 điều cần biết về bà Elise Stefanik, đại sứ Liên Hiệp Quốc của chính quyền Trump
- The Epoch Times
- •
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã chọn Dân biểu Elise Stefanik (Đảng Cộng hòa, New York) làm đại sứ sắp tới của Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc.
Trong tuyên bố về sự lựa chọn của mình, ông Trump mô tả bà Stefanik, 40 tuổi, là “một chiến binh ‘Nước Mỹ trên hết’, vô cùng mạnh mẽ, cứng rắn và thông minh”.
Bà Stefanik hiện phải được Thượng viện phê chuẩn. Ông Trump đã yêu cầu bất kỳ ai được chọn làm lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện cho phép các quan chức trong chính quyền Trump được bổ nhiệm trong cả thời điểm Thượng viện nghỉ họp.
Đại sứ Stefanik sẽ đại diện cho Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc, bao gồm cả Hội đồng Bảo an, nơi Washington là một trong năm thành viên thường trực.
Bà Stefanik đã phản hồi về việc ông Trump chọn bà làm đại sứ tại Liên Hợp Quốc trong một tuyên bố trên mạng X hôm thứ Hai (11/11). bà viết: “Nước Mỹ tiếp tục là ngọn hải đăng của thế giới, nhưng chúng ta mong đợi và phải yêu cầu bạn bè và đồng minh của chúng ta, phải là những đối tác mạnh mẽ trong nền hòa bình mà chúng ta theo đuổi”.
Dưới đây là chín điều cần biết về ứng cử viên này:
1. Phụ nữ trẻ nhất được bầu vào Quốc hội
Bà Stefanik đã đánh bại cả ứng cử viên đảng Dân chủ Aaron Wolf và ứng cử viên đảng Xanh Matt Funiciello vào năm 2014 trong cuộc đua bầu người đại diện cho Quận 21 của New York, một khu vực rộng lớn ở phía Bắc New York trải dài đến biên giới Canada.
Khi bắt đầu trở thành dân biểu, bà Stefanik mới chỉ có 30 tuổi—vào thời điểm đó, là kỷ lục đối với một nữ thành viên Quốc hội. Một người phụ nữ khác đến từ New York, Dân biểu Alexandra Ocasio-Cortez (Đảng Dân chủ), đã lập kỷ lục mới vài năm sau đó, bước vào Quốc hội năm 2019 khi chỉ mới 29 tuổi.
2. Chủ tịch Hội nghị Đảng Cộng hòa Hạ viện
Bà Stefanik cũng là chủ tịch Hội nghị Cộng hòa tại Hạ viện, trở thành người có quyền lực thứ tư trong ban lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại cơ quan lập pháp này, xếp sau Chủ tich Hạ viện Mike Johnson (Đảng Cộng hòa, Louisiana), Lãnh đạo Đa số Steve Scalise (Đảng Cộng hòa, Louisiana) và phó Lãnh đạo Đa số Tom Emmer (Đảng Cộng hòa, Minnesota). Bà Stefanik đã giữ vai trò đó kể từ năm 2021 sau khi thay thế cựu Dân biểu Liz Cheney (Đảng Cộng hòa, Wyoming).
Việc ông Trump bổ nhiệm bà Stefanik làm đại sứ Liên Hợp Quốc đã kích hoạt một cuộc đua tranh giành giữa các dân biểu Cộng hòa để thay thế vị trí của dân biểu New York. Hội nghị Đảng Cộng hòa truyền đạt thông điệp của đảng tới những người Cộng hòa tại Hạ viện thông qua các cuộc họp định kỳ do chủ tịch chủ trì.
3. Ủng hộ mạnh mẽ Israel
Bà Stefanik nổi lên là người ủng hộ trung thành của Israel, đặc biệt là sau cuộc tấn công trên bộ, trên biển và trên không của nhóm chiến binh Hồi giáo Hamas vào nhà nước Do Thái ngày 7 tháng 10 năm 2023.
Trong phiên điều trần vào cuối năm 2023, bà Stefanik đã chất vấn bà Claudine Gay, khi đó là hiệu trưởng trường Harvard, về những cáo buộc bài Do Thái trong các cuộc biểu tình diễn ra tại khuôn viên trường đại học Ivy League này.
- Ivy League là một trong những danh hiệu đại học hàng đầu ở Mỹ.
“Harvard xếp hạng thấp nhất khi nói đến việc bảo vệ sinh viên Do Thái. Đây là lý do tại sao tôi kêu gọi bà ấy từ chức,” bà Stefanik tuyên bố vào thời điểm đó.
Bà Gay đã phải từ chức vào tháng 1/2024.
Bà Stefanik đã đến thăm Israel vào đầu năm 2024 này.
Trong kỳ bầu cử 2024, bà Stefanik đã nhận được hàng trăm nghìn USD tài trợ từ Ủy ban Công vụ Mỹ-Israel (AIPAC).
Sự ủng hộ dành cho Israel của vị đại sứ tương lai này trái ngược hẳn với sự liên tục lên án của Liên Hợp Quốc đối với nhà nước Do Thái liên quan đến cuộc xung đột với Hamas.
Một nghị quyết vào tháng Chín của Liên Hợp Quốc kêu gọi Israel “chấm dứt ngay sự hiện diện bất hợp pháp tại Lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng”.
4. Đồng minh trung thành của ông Trump
Bà Stefanik bắt đầu ủng hộ ông Trump vào tháng 8 năm 2016 và duy trì sự ủng hộ đó nhiều tháng sau khi bản ghi âm cuộc nói chuyện của ứng cử viên tổng thống với Billy Bush của chương trình “Access Hollywood” được công bố, mặc dù bà Stefanic phê phán ngôn từ mà ông trump đã sử dụng.
Trong những năm sau đó, bà Stefanik đã trở thành một đồng minh trung thành của ông Trump. Sự ủng hộ của bà Stefanik trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump với tư cách là tổng thống, đã kích động chiến dịch của đối thủ năm 2020 của bà, thành viên Đảng Dân chủ Tedra Cobb. Nỗ lực năm 2021 của bà nhằm thay thế bà Cheney làm chủ tịch Hội nghị Đảng Cộng Hòa đã được củng cố nhờ sự ủng hộ của ông Trump.
Năm 2023, bà Stefanik và Dân biểu Marjorie Taylor-Greene (Đảng Cộng hòa, Georgia) đã đưa ra các nghị quyết nhằm xóa bỏ hai cuộc luận tội đối với ông Trump do Đảng Dân chủ dẫn dắt. Bà Stefanik cũng đã đệ đơn khiếu nại về đạo đức đối với Thẩm phán Juan Merchan, người chủ trì vụ án hình sự buộc tội ông Trump tại New York, nêu bật mối quan hệ của con gái của Thẩm phán Merchan với chính trị Dân chủ.
Bà Stefanik cũng đã vận động tranh cử cùng ông Trump tại New Hampshire trước cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên trên toàn quốc vào đầu năm nay.
5. Là ứng viên cho vị trí đề cử viên Phó tổng thống
Sự ủng hộ của bà Stefanik dành cho ông Trump đã làm dấy lên suy đoán rằng bà có thể được ông Trump lựa chọn làm người đồng hành tranh cử.
“Tất nhiên, tôi sẽ rất vinh dự khi được phục vụ ở bất kỳ cương vị nào trong chính quyền ông Trump,” bà Stefanik phát biểu trong chương trình “Meet the Press” (Gặp gỡ báo chí) của kênh NBC vào tháng 1/2024. “Tôi tự hào là thành viên đầu tiên của Quốc hội ủng hộ việc tái đắc cử của ông ấy. Tôi tự hào là người ủng hộ mạnh mẽ Tổng thống Trump, và ông ấy sẽ giành chiến thắng vào tháng 11 này”.
Khi bị hỏi dồn dập, bà cho biết: “Tôi hiện đang tập trung vào công việc của mình“.
6. Từng làm việc cho Dân biểu Paul Ryan
Vào đầu sự nghiệp của mình, bà Stefanik là trợ lý của Dân biểu Paul Ryan (Đảng Cộng hòa, Wisconsin). Bà Stefanik đã giúp nhà lập pháp này chuẩn bị cho cuộc tranh biện phó tổng thống khi ông chạy đua cùng Thượng nghị sĩ Mitt Romney (Đảng Cộng hòa, Utah) vào năm 2012. Trước đó, bà Stefanik đã làm việc trong chiến dịch tranh cử tổng thống của Thống đốc Minnesota Tim Pawlenty.
7. Tốt nghiệp Đại học Harvard
Sinh ra tại Albany, New York, bà Stefanik theo học tại Đại học Harvard và lấy bằng cử nhân chuyên ngành chính phủ vào năm 2006. Bà được bầu làm phó chủ tịch Viện Chính trị của trường đại học này khi còn là sinh viên.
Vào tháng 1 năm 2021, Viện Chính trị đã loại bà khỏi ủy ban cố vấn, với lý do bà đặt ra những nghi vấn về kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
8. Tham gia vào các Ủy ban quan trọng của Hạ viện
Ngoài việc lãnh đạo Hội nghị Đảng Cộng hòa tại Hạ viện, bà Stefanik còn tham gia nhiều ủy ban quan trọng của quốc hội, trong đó bao gồm Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Hạ viện, nơi xử lý chính sách quốc phòng. Bà cũng thuộc Ủy ban Thường trực Hạ viện Hoa Kỳ đặc trách về Tình báo, và Tiểu ban Chọn lọc về Vũ khí hóa Chính phủ Liên bang, cùng với Ủy ban Giáo dục và Lao động.
9. Tiếp bước những người tiền nhiệm
Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc hiện nay là bà Linda Thomas-Greenfield, người được chính quyền Biden bổ nhiệm.
Bà Stefanik cũng sẽ là người nối nghiệp của những người được ông Trump bổ nhiệm vào vị trí này trước đó. Đó là bà Kelly Craft, và bà Nikki Haley trong nửa đầu nhiệm kỳ của ông Trump.
Vào cuối tuần qua, ông Trump đã tuyên bố công khai rằng ông sẽ không chọn bà Haley cũng như cựu giám đốc CIA Mike Pompeo vào chính quyền mới sắp tới.
Những cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc khác bao gồm bà Samantha Power và bà Susan Rice, cả hai đều từng phục vụ dưới thời Tổng thống Barack Obama, và ông John Bolton, từng phục vụ dưới thời tổng thống George W. Bush.
Nathan Worcester, The Epoch Times
Từ khóa Elise Stefanik Donald Trump chính quyền Trump