Argentina yêu cầu được trở thành đối tác toàn cầu của NATO
- Gia Huy
- •
Hôm thứ Năm (18/4) Sau cuộc gặp với Phó Tổng thư ký (Phó TTK) NATO Mircea Geoana, Bộ trưởng Quốc phòng Argentina Luis Petri thông báo, Argentina đã chính thức yêu cầu NATO chấp nhận quốc gia Nam Mỹ này là “đối tác toàn cầu” của khối quân sự phương Tây do Mỹ lãnh đạo.
Trong một bài đăng trên X (trước đây gọi là Twitter), Bộ trưởng Petri chia sẻ các bức ảnh chụp trong cuộc gặp với Phó TTK Geoana ở thủ đô Buenos Aires, đồng thời cho biết ông “đã đệ trình ý định thư bày tỏ mong muốn của Argentina trở thành đối tác toàn cầu” của NATO. Ông cam kết sẽ “tiếp tục nỗ lực để khôi phục các liên kết cho phép chúng tôi hiện đại hóa và huấn luyện các lực lượng của mình theo tiêu chuẩn NATO.”
Hoa Kỳ đã chỉ định Argentina là một đồng minh quan trọng không thuộc NATO (MNNA). Washington sử dụng thuật ngữ này để phân loại các quốc gia có quan hệ chiến lược với Lực lượng Vũ trang Hoa Kỳ nhưng chưa chính thức gia nhập NATO.
Danh hiệu “Đối tác Toàn cầu” hay “Đối tác trên Toàn cầu” thậm chí biểu thị mối quan hệ sâu sắc hơn với Liên minh quân sự phương Tây do Mỹ dẫn đầu, chẳng hạn như chia sẻ thông tin tình báo và tham gia vào các hoạt động quân sự chung. Các quốc gia như Úc, Nhật Bản, Hàn quốc, Colombia, Iraq, Mông Cổ, New Zealand và Pakistan hiện đang là đối tác toàn cầu của NATO.
Phát biểu của Bộ trưởng Petri được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Argentina Javier Milei, người được bầu vào tháng Mười Hai năm ngoái, đã phát động một làn sóng cải cách triệt để nhằm ổn định nền kinh tế ốm yếu của nước này và tìm cách thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây khác, thậm chí đang tìm cách gắn kết đồng tiền của nước mình với đồng đô la Mỹ.
Sau khi giành được chức tổng thống, ông Milei, một người tự nhận mình là “nhà tư bản vô chính phủ”, cũng chính thức từ chối lời mời trở thành một thành viên của nhóm BRICS do Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam phi sáng lập. Đặc biệt Tổng thống Milei tuyên bố chắc chắn rằng ông sẽ không “theo phe cộng sản.”
Thay vào đó, vị tổng thống mới của Argentina nhấn mạnh rằng cách tốt nhất để bảo vệ chủ quyền đất nước là tăng cường “liên minh chiến lược” với Washington và các quốc gia khác “theo đuổi chính nghĩa tự do.”