Quyền cước đã được triển khai tại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ tối hôm Thứ Sáu (16/8) với hàng chục các nhà lập pháp ở Ankara tham gia. Các nắm đấm được vận dụng sau một cuộc tranh luận nảy lửa dẫn tới một nghị sỹ đảng cầm quyền đánh một đồng nghiệp của đảng đối lập, người gọi chính phủ là “nhóm khủng bố”.

https://twitter.com/i/status/1824412776137167128
Xô xát tại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ tối Thứ Sáu 16/8 (ảnh cắt từ video)

Căng thẳng tăng đột biến khi cơ quan lập pháp Thổ Nhĩ Kỳ tranh luận về số phận của ông Serafettin Can Atalay, một nhà lập pháp đối lập hiện đang ở tù vì bị cáo buộc có vai trò trong cuộc bạo loạn ở Công viên Gezi năm 2013. Người đại diện tỉnh Hatay 48 tuổi này đã bị tước quyền miễn trừ và trục xuất vào tháng 1, nhưng Tòa án Hiến pháp đã bác bỏ quyết định đó vào đầu tháng này.

“Không có gì ngạc nhiên khi gọi ông Atalay là kẻ khủng bố,” Nghị sĩ Ahmet Sik của Đảng Công nhân Thổ Nhĩ Kỳ (TIP) nói trong phiên họp, theo hãng tin AFP.

“Mọi công dân nên biết rằng những kẻ khủng bố lớn nhất của đất nước này là những người đang ngồi trên những chiếc ghế đó,” ông Sik vừa nói vừa chỉ vào các nhà lập pháp thuộc Đảng Công lý và Phát triển (AKP) của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan hiện đang cầm quyền. “Sự thật luôn đau lòng. Các vị đã không còn liêm sỉ và phẩm giá.”

Thành viên AKP, ông Alpay Ozalan, một cựu cầu thủ bóng đá, sau đó tiến đến bục và đấm Sik. Hàng chục nhà lập pháp sau đó tràn vào bục, tung những cú đấm hoặc cố gắng tách các ‘đấu sỹ’ ra.

Phó Chủ tịch Quốc hội đã yêu cầu tạm nghỉ 45 phút sau trận quần ẩu. Đoạn phim từ bên trong quốc hội cho thấy các nhân viên sau đó đã lau chùi vết máu trên sàn.

Ông Atalay là 1 trong 7 bị cáo bị kết án vào năm 2022 vì âm mưu lật đổ chính phủ bằng cách tổ chức các cuộc biểu tình phản đối quyết định thay thế công viên Istanbul bằng một trung tâm mua sắm. Chính phủ Erdogan tuyên bố những người tổ chức biểu tình có liên hệ với “mạng lưới khủng bố” do giáo sĩ lưu vong Fetullah Gulen cầm đầu, người từng một thời ủng hộ AKP trước khi bất hòa với tổng thống.

Từ nhà tù Marmara ở Istanbul, ông Atalay đã tham gia tranh cử vào ghế của tỉnh Hatay bị ảnh hưởng bởi trận động đất trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 5 năm ngoái, trở thành 1 trong 3 nghị sĩ của TIP.

Sau khi tòa phúc thẩm tối cao của Thổ Nhĩ Kỳ giữ nguyên bản án đối với ông Atalay vào tháng 1, Quốc hội đã chuyển sang tước quyền miễn trừ của ông. Tuy nhiên, Tòa án Hiến pháp đã ra phán quyết vào ngày 1/8 rằng việc trục xuất ông là “vô hiệu” và vi phạm hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ.

Quốc hội trước đó đã bỏ phiếu ủng hộ việc dỡ bỏ quyền miễn trừ đối với các chính trị gia đối lập —nhiều người trong số họ là người dân tộc Kurd— những người mà chính phủ cáo buộc duy trì mối quan hệ với các nhóm người Kurd bị Ankara coi là khủng bố.

Nhật Tân (theo RT)