Azerbaijan đạt thỏa thuận ngừng bắn với các phần tử ly khai người Armenia
- Hải Đăng
- •
Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã tuyên bố chủ quyền đất nước ông đã được khôi phục tại Nagorno-Karabakh sau một cuộc tấn công 24 giờ vào lực lượng sắc tộc Armenia tại khu vực Nagorno-Karabakh.
Theo BBC, Tổng thống Ilham Aliyev đã ca ngợi quân đội Azerbaijan anh hùng sau khi lực lượng sắc tộc Armenia tại Karabakh đồng ý hạ vũ khí đầu hàng.
Nagorno-Karabakh nằm ở vùng lãnh thổ Nam Caucasus tách biệt với Azerbaijan và có đa số người Armenia sinh sống với khoảng 120.000 người, nhưng quốc tế công nhận khu vực này thuộc chủ quyền của Azerbaijan.
Azerbaijan và Armenia xảy ra chiến tranh lần đầu vào đầu những năm 1990 sau khi Liên Xô sụp đổ. Sau đó, vào năm 2020, Azerbaijan chiếm lại các khu vực bên trong và quanh Nagorno-Karabakh trước khi thỏa thuận ngừng bắn được ký kết dưới sự giám sát của lực lượng gìn hòa bình người Nga. Từ sau đó căng thẳng vẫn thường trực giữa Azerbaijan và sắc tộc người Armenia ở khu vực này.
Azerbaijan bây giờ có ý định đưa vùng Nagorno-Karabakh nằm dưới sự kiểm soát hoàn toàn của chính quyền trung ương tại Baku.
Quân đội Azerbaijan hôm thứ Ba (19/9) đã tiến hành hoạt động “chống khủng bố” tại Nagorno-Karabakh, yêu cầu lực lượng sắc tộc Armenia ở đây phải giương cờ trắng đầu hàng và giải tán “chế độ bất hợp pháp”.
Không nhận được bất kỳ hỗ trợ nào từ chính phủ Armenia ở Yerevan, nên sau 9 tháng bị Azerbaijan bao vây phong tỏa, sắc tộc người Armenia tại Karabakh đã chấp nhận buông súng đầu hàng.
Các quan chức Armenia loan báo rằng ít nhất 32 người đã thiệt mạng, trong đó có 7 thường dân, và 200 người khác bị thương sau các cuộc tấn công của Azerbaijan vào Nagorno-Karabakh. Tuy nhiên, theo một quan chức nhân quyền người Armenia ly khai trong khu vực này, ít nhất 200 người đã thiệt mạng và hơn 400 người bị thương.
BBC và các hãng thông tấn quốc tế khác cho biết họ không thể xác minh độc lập được con số thương vong tại Nagorno-Karabakh trong vài ngày qua.
Vào tối thứ Tư (20/9), giới chức Armenia đã cáo buộc Azerbaijan nổ súng vào binh lính gần thị trấn Sotk, nằm trên biên giới giữa hai quốc gia bất chấp các bên đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn. Tuy nhiên, Azerbaijan ngay lập tức bác bỏ cáo buộc này.
Trước đó, trong ngày 20/9, hàng nghìn người biểu tình đã tràn xuống các tuyến phố của Yerevan, thủ đô của Armenia để yêu cầu Thủ tướng Nikol Pashinyan từ chức vì cách ông ta xử lý cuộc khủng hoảng tại Nagorno-Karabakh.
Quân đội Azerbaijan tuyên bố rằng họ đã chiếm giữ được hơn 90 vị trí từ sắc tộc Armenia ở Nagorno-Karabakh trước khi hai bên loan báo đình chiến hoàn toàn từ 13 giờ chiều ngày 20/9 nhờ sự hòa giải và giám sát của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga.
Theo điều khoản của thỏa thuận ngừng bắn do Azerbaijan và Nga vạch ra, lực lượng quân sự tại Karabakh phải tiến hành giải tán hoàn toàn, cũng như phải giải trừ vũ khí.
Cũng có cam kết rằng lực lượng vũ trang của chính phủ Armenia phải rút khỏi khu vực Nagorno-Karabakh, cho dù chính quyền tại Yerevan phủ nhận có sự hiện diện quân sự ở khu vực tranh chấp này.
Văn phòng tổng thống Azerbaijan cho biết giới chức nước này sẽ gặp các đại diện của Armenia tại Karabakh ở thị trấn Yevlakh vào ngày 21/9 để đàm phán về “các vấn đề tái tích hợp”.
Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev khẳng định rằng đất nước ông không chống lại người dân mà chỉ nhắm vào “chế độ quân sự tội phạm” tại Karabakh.
Trong khi đó, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan nêu rõ rằng chính phủ của ông không liên quan đến nội dung thỏa thuận ngừng bắn nêu trên và đã yêu cầu lực lượng gìn giữ hòa bình Nga phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về sự an toàn của người dân địa phương tại Nagorno-Karabakh. Trước đó, ông Pashinyan đã cáo buộc Azerbaijan “thanh trừng sắc tộc” ở Karabakh.
Hải Đăng (t/h)
Từ khóa tranh chấp lãnh thổ Nagorno-Karabakh tranh chấp Azerbaijan và Armenia Dòng sự kiện xung đột Armenia-Azerbaijan