Bà Hillary Clinton, ứng cử viên tổng thống năm 2016 của Đảng Dân chủ, nói với cựu thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki hiện đang là người dẫn chương trình của đài MSNBC rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin “ghét nước Mỹ”. Bà còn nói thêm Moscow sẽ can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2024, lặp lại những cáo buộc chưa từng được chứng minh từ năm 2016 và 2020.

Chiến dịch tranh cử tổng thống của bà Hillary Clinton từng buộc tội nhà lãnh đạo Nga ủng hộ đối thủ Đảng Cộng hòa của bà, ông Donald Trump vào năm 2016. 

“Người Nga đã chứng tỏ họ khá thành thạo trong việc can thiệp vào bầu cử tổng thống của chúng ta và nếu [ông Putin] có cơ hội, ông ấy sẽ làm điều đó lần nữa”, bà Clinton nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn với đài MSNBC hôm Chủ nhật (24/9). Bà cũng không quên cáo buộc ông Putin “ghét nền dân chủ”.

“Ông ấy đặc biệt ghét phương Tây và đặc biệt ghét chúng ta (nước Mỹ)”, bà đồng thời cho rằng ông Putin đứng đằng sau một chiến lược có chủ ý nhằm “gây thiệt hại và chia rẽ” nước Mỹ. Ứng cử viên tổng thống hai lần thất bại này đã kêu gọi người Mỹ chống lại sự bạo quyền của “nhà độc tài chuyên chế” Nga cũng như “những người biện hộ và hỗ trợ” ông ta.

“Vì vậy ở vị trí của chúng ta, một phần thách thức chúng ta đối mặt là phải liên tục giải thích cho người dân Mỹ, ông Putin là kiểu người lãnh đạo như thế nào, là kẻ độc tài sẽ tiêu diệt đối thủ của ông ta, thủ tiêu các nhà báo, hạ độc những người bất đồng với ông ta, xâm chiếm các quốc gia khác, can thiệp vào cuộc bầu cử của chúng ta, đó là một phần của lựa chọn mà chúng ta phải loại bỏ trong cuộc bầu cử này”, bà nói.

Bà Clinton nói thêm: “Chúng ta phải loại bỏ một kiểu chủ nghĩa phát-xít thấm dần của những người thực sự sẵn sàng đảo ngược suy nghĩ, phiếu bầu theo những kẻ độc tài khao khát nổi tiếng”.

Bà Clinton cho biết ông Putin đã không muốn thấy bà ở Nhà Trắng nên ông đã chống lại bà.

Tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông hồi đầu tháng Chín này, ông Putin đã lên án chính quyền Biden là tham nhũng một cách vô vọng và tiến hành cuộc đàn áp chính trị nhắm vào tổng thống tiền nhiệm, ông Donald Trump. Ông Putin cho rằng trận chiến pháp lý chống lại ông Trump đã vạch trần “sự thối nát của hệ thống chính trị Mỹ, vốn đã không thể giả vờ rao giảng dân chủ cho những quốc gia khác”.

Cũng trong diễn đàn đó, ông Putin đã nhắc lại với khán giả rằng những cáo buộc thông đồng với Nga nhắm vào ông Trump của bà Clinton và những người khác là “hoàn toàn vô nghĩa”. Những cáo cuộc này sau đó được tiết lộ là dựa trên lệnh giám sát bất hợp pháp, những lời khuyên không có thật và bằng chứng giả mạo. 

Công tố viên đặc biệt của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, ông John Durham đã phát hiện cuộc điều tra của FBI về các mối quan hệ có mục đích với Nga của ông Trump có sai sót nghiêm trọng. Ông Durham đưa ra kết luận trong một báo cáo được công bố đầu năm nay rằng FBI đã “không duy trì được sứ mệnh tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp” khi giải quyết các thông tin có nguồn gốc đáng ngờ từ các nhân viên của bà Clinton và các đối thủ chính trị khác của ông Trump.

Không nản lòng với thất bại, các cơ quan tình báo Hoa Kỳ đã xem xét lại các tuyên bố can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 của họ, trong đó có một báo cáo nhấn mạnh rằng Nga đã thao túng cuộc bầu cử năm 2020 để ủng hộ ông Trump. Tuy nhiên, không có cuộc điều tra chính thức nào về những cáo buộc đó được thực hiện và cũng chính báo cáo đó cuối cùng đã thừa nhận rằng không có nỗ lực nào được thực hiện nhằm can thiệp vào tổng số phiếu bầu.

Anh Nguyễn (t/h)