Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế có trụ sở tại Washington D.C (CSIS) hôm thứ Hai (12/11) đã phát đi báo cáo nói rằng họ đã xác định được ít nhất 13 trong khoảng 20 căn cứ hoạt động tên lửa chưa khai báo bên trong lãnh thổ Bắc Hàn. Phát hiện mới này của CSIS cho thấy các nhà đàm phán Mỹ còn gặp nhiều thách thức trong hy vọng thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

can-cu-ten-lua-Sakkanmol
Căn cứ tên lửa Sakkanmol được cho là nằm gần Nam Hàn nhất. (Ảnh: CSIS)

Trong báo cáo của CSIS, nhà nghiên cứu Joseph Bermudez nói rằng đã phát hiện thấy dấu hiệu Bắc Hàn vẫn duy trì và nâng cấp cơ sở hạ tầng tại một số căn cứ tên lửa bất chấp các cuộc đàm phán về giải giáp vũ khí hạt nhân, tên lửa giữa Washington và Bình Nhưỡng đang tiếp diễn.

Theo Reuters, các căn cứ tên lửa mà báo cáo của CSIS xác định được đặt ở các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa ở khắp Bắc Hàn. CSIS cho rằng những căn cứ này có thể được sử dụng để chứa tên lửa đạn đạo với nhiều chủng loại và loại tầm xa nhất được cho là có thể tấn công bất kỳ đâu trên lãnh thổ Mỹ.

Trong báo cáo, ông Joseph Bermudez viết: “Các căn cứ hoạt động tên lửa không phải là các cơ sở phóng. Mặc dù tên lửa có thể được phóng ở các căn cứ này trong trường hợp khẩn cấp, nhưng Quân đội Nhân dân Bắc Hàn (KPA) thông thường yêu cầu phân tán các bệ phóng tên lửa từ các căn cứ tới các bãi phóng đã được khảo sát trước cho việc triển khai”.

Bắc Hàn chưa bao giờ lên tiếng xác nhận về các căn cứ tên lửa mà CSIS vừa phát hiện và các nhà phân tích nói rằng việc Bình Nhưỡng phải công khai chính xác về khả năng vũ khí hạt nhân, tên lửa của họ là một phần quan trong trong bất kỳ thỏa thuận phi hạt nhân hóa nào.

Báo cáo của CSIS phát hiện rằng căn cứ tên lửa Sakkanmol, địa điểm gần biên giới Nam – Bắc Hàn nhất, dường như vẫn “đang hoạt động và được duy trì tốt”.

Việc Bắc Hàn đóng cửa cơ sở phóng vệ tinh Sohae đã thu hút nhiều sự chú ý của truyền thông, nhưng lại che mờ đi mối đe dọa tới lực lượng của Mỹ và Hàn Quốc từ những căn cứ tên lửa đạn đạo chưa được công bố khác của Bình Nhưỡng”, ông Bermudez nhận định.

Trong hội nghị thượng đỉnh lịch sử hồi tháng Sáu tại Singapore, lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cam kết làm việc hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên, nhưng thỏa thuận này thiếu chi tiết và các cuộc đàm phán giữa hai nước cho tới nay cũng chưa đạt được nhiều tiến triển.

Bắc Hàn đã tuyên bố “hoàn thành” lực lượng hạt nhân của họ và đã dừng thử tên lửa và bom hạt nhân từ đầu năm nay, nhưng các nhà đàm phán Mỹ và Hàn Quốc vẫn chưa nhận được công bố cụ thể của Bình Nhưỡng về quy mô của chương trình hạt nhân của họ hoặc một lời hứa về việc dừng triển khai kho vũ khí hiện có.

Bắc Hàn đã tuyên bố đóng cửa bãi thử hạt nhân Punggye-ri và cơ sở thử động cơ tên lửa Sohae. Họ cũng dấy lên khả năng đóng cửa nhiều cơ sở tên lửa, hạt nhân hơn nữa và cho phép các thanh sát quốc tế vào giám sát nếu Mỹ triển khai “các biện pháp đối ứng” mà phía Bắc Hàn cho rằng cho tới nay Washington vẫn chưa có dấu hiện thực hiện.

Trong khi phía Mỹ nhiều lần lặp lại rằng Chủ tịch Kim của Bắc Hàn nên tuân thủ các cam kết của ông tại thượng đỉnh Singapore, trong đó có việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn và xóa bỏ các chương trình tên lửa đạn đạo. Washington sẽ vẫn duy trì “áp lực tối đa” và chế tài kinh tế tới chừng nào Bắc Hàn phi hạt nhân hóa thực chất.

Tuần trước, Bắc Hàn đã hủy cuộc gặp dự kiến giữa nhà đàm phán Bắc Hàn Kim Yong-chol và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại New York. Truyền thông nhà nước Bắc Hàn hôm 12/11 nói rằng việc Hàn Quốc và Mỹ nối lại một số cuộc tập trận quy mô nhỏ đã vi phạm thỏa thuận hiện tại về giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Mặc dù truyền thông Bắc Hàn không nói rõ, nhưng việc Mỹ – Hàn Quốc tập trận có thể là nguyên nhân chính khiến Bình Nhưỡng hủy cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ.

Yên Sơn

Xem thêm: