Bắc Kinh “thử” chính quyền Biden qua việc gây hấn tại các vùng biển tranh chấp
- Minh Ngọc
- •
Chính quyền cộng sản Trung Quốc gần đây đã tăng cường gây hấn với Đài Loan, Nhật Bản và Philippines tại các vùng biển tranh chấp. Nhiều báo cáo truyền thông quốc tế chỉ ra rằng Bắc Kinh đang tiến hành phép thử chính quyền Biden, để xem liệu Hoa Kỳ có hành động cụ thể nào sau khi cam kết làm việc với các đồng minh Châu Á nhằm kiềm chế Trung Quốc hay không.
Căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản gần đây đã gia tăng, sau khi Bắc Kinh yêu cầu Tokyo phải từ bỏ mọi tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Senkaku đang tranh chấp. Senkaku là một chuỗi đảo vốn không có người định cư tại Biển Hoa Đông mà Nhật Bản kiểm soát trong nhiều thập kỷ. Thế nhưng gần đây Bắc Kinh đã lớn tiếng tuyên bố các hòn đảo này là lãnh thổ của riêng mình.
Ngày 4/4, Bộ Tham mưu Liên hợp Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết tàu sân bay Liêu Ninh và 5 tàu khu trục nhỏ của Trung Quốc đã đi qua eo biển Miyako – một tuyến đường thủy quan trọng giữa đảo Okinawa của Nhật Bản và đảo Miyako đến Thái Bình Dương.
Trong khi đó, tranh chấp giữa Đài Loan và Trung Quốc về quyền kiểm soát eo biển Đài Loan cũng leo thang. Máy bay quân sự của chính quyền Trung Quốc đã tiến vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan (ADIZ). Vụ công kích nghiêm trọng nhất xảy ra vào ngày 29/3, khi Không quân Trung Quốc tiến hành một cuộc tập trận với 10 máy bay chiến đấu xâm nhập khu vực ADIZ của Đài Loan.
Ngoài ra, tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines cũng đã gia tăng đáng kể vào tháng trước. Từ ngày 7/3, khoảng 220 tàu Trung Quốc đã xuất hiện trong vùng biển xung quanh Bãi đá ngầm Whitsun thuộc quần đảo Trường Sa đang tranh chấp ở Biển Đông. Chính phủ Philippines coi các tàu này là tàu của lực lượng dân quân biển của Trung Quốc, đồng thời tiến hành phản đối ngoại giao và yêu cầu Trung Quốc đưa tàu của họ ra khỏi vùng biển tranh chấp.
Ngày 22/3, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định, các tàu này là tàu đánh cá đang “tránh gió” và Philippines nên nhìn nhận tình huống một cách hợp lý.
Tuy nhiên, các tàu Trung Quốc vẫn chưa rời khỏi khu vực và hiện đang có hơn 40 tàu Trung Quốc ở vùng biển xung quanh bãi đá ngầm Whitsun. Hôm 5/4, Bộ Ngoại giao Philippines cảnh báo, chừng nào tàu Trung Quốc vẫn còn ở đó, họ sẽ đưa ra công hàm phản đối ngoại giao mỗi ngày.
Hoa Kỳ cũng bày tỏ quan ngại về sự hung hăng của Trung Quốc trong khu vực. Tại cuộc họp của NATO vào ngày 23/3, Ngoại trưởng Anthony Blinken đã lên tiếng chỉ trích hành động quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc, tuyên bố rằng hành động này vi phạm luật pháp quốc tế.
Cùng ngày 28/3, ông Blinken đã đăng tweet ủng hộ Philippines: “Chúng tôi sẽ luôn đứng về phía các đồng minh của mình và bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.”
Philippines tuyên bố quần đảo Trường Sa giàu tài nguyên thuộc lãnh thổ của mình, với lý do chuỗi đảo này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ. Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Malaysia và Brunei cũng tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này.
Năm 2016, phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực La Hay về Biển Đông ủng hộ yêu sách đặc quyền kinh tế của Philippines, và gạt đi yêu sách lịch sử của Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc đã bác bỏ phán quyết này, đồng thời tiến hành xây dựng các đảo nhân tạo trong vùng biển tranh chấp và thiết lập các cơ sở quân sự trên các đảo tranh chấp mà họ chiếm đóng.
Chế độ Trung Quốc khẳng định họ nắm giữ độc quyền hơn 80% vùng Biển Đông, bao gồm diện tích 1,4 triệu dặm vuông ở Thái Bình Dương chứa tới 22 tỷ thùng dầu và 290 nghìn tỷ feet khối khí đốt tự nhiên.
Nhiều hãng truyền thông quốc tế nhìn nhận, những động thái gây hấn gần đây của Bắc Kinh ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương chính là một phép thử đối với chính quyền Biden. Trung Quốc muốn thăm dò, liệu Washington có bắt tay với các đồng minh trong khu vực để kiềm chế ĐCSTQ hay không. Trước đó, khoảng giữa tháng 3/2021, Ngoại trưởng Blinken đã đến thăm Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời khẳng định cam kết của Hoa Kỳ với các đồng minh châu Á.
Ông Zhong Yuan, nhà bình luận các vấn đề Trung Quốc tại Hoa Kỳ nhận định, ĐCSTQ đã đánh giá sai lầm nghiêm trọng về Hoa Kỳ. “Chính quyền này đã nhiều lần áp dụng chiến lược đối đầu, bao gồm các hành động quân sự và ngoại giao chủ động, nhằm cố gắng buộc chính quyền Biden phải lùi bước và nhượng bộ. Nhưng họ không đạt được mục tiêu. Trong khi ĐCSTQ đang tự đặt mình vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, nó cũng làm rối loạn quan hệ Trung Quốc-EU,” ông Zhong viết trong một bài bình luận trên The Epoch Times.
Ông Zhong còn chỉ ra rằng, ĐCSTQ gần đây đã tăng cường đối đầu với Hoa Kỳ ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương và Bắc Kinh cũng liên tục đổ lỗi cho Washington vì đã không hợp tác với Trung Quốc.
Ngày 5/4, Tân Hoa xã đăng một bài báo phỏng vấn Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị, với tiêu đề “Vương Nghị: Trung Quốc không công nhận một quốc gia thượng đẳng”. Cùng ngày, Tân Hoa xã đăng một bài báo khác, “Đội tàu sân bay Liêu Ninh của Hải quân Trung Quốc khởi động cuộc tập trận trên vùng biển mở rộng”, trong bối cảnh tàu sân bay Liêu Ninh đi qua eo biển Miyako gần Okinawa và đi qua phía Đông Đài Loan.
Ông Vương Nghị nói với Tân Hoa xã trong cuộc phỏng vấn: “Trung Quốc và Hoa Kỳ nên đối thoại và hợp tác nhiều hơn trong khu vực, đồng thời bớt cạnh tranh và đối đầu hơn.” Ông nhấn mạnh: “Trung Quốc không thừa nhận việc có một quốc gia thượng đẳng trên thế giới, hoặc chấp nhận thực tế rằng mọi điều trên thế giới chỉ có thể được quyết định bởi một quốc gia.”
Ông Zhong tin rằng nhận xét của ông Vương Nghị phản ánh lập trường của lãnh đạo cao nhất, và ĐCSTQ đã sẵn sàng tiến hành một cuộc đối đầu toàn diện với Hoa Kỳ.
Minh Ngọc (Theo The Epoch Times)
Xem thêm:
Từ khóa Biển Hoa Đông chủ quyền biển Đông Dòng sự kiện tranh chấp trên biển Đông vùng biển tranh chấp