Đài Loan nói có thể bắn hạ drone Trung Quốc trên Biển Đông
- Xuân Thành
- •
Một quan chức chính phủ Đài Loan hôm thứ Tư (7/4) cho biết quốc đảo dân chủ đã phát hiện các máy bay không người lái (drone) của Trung Quốc bay lượn trên Đảo Đông Sa mà Đài Loan đang kiểm soát tại Biển Đông và họ có thể bắn hạ các drone này nếu chúng bay quá gần đảo.
Theo Reuters, ông Lee Chung-wei, lãnh đạo Hội đồng Các vấn đề Đại dương của chính phủ Đài Loan, trong bài phát biểu tại quốc hội hôm 7/4, đã nói rằng cơ quan này gần đây đã phát hiện các drone Trung Quốc bay lượn trên Quần đảo Đông Sa, nhưng chúng chưa bay qua quần đảo này.
“[Các drone Trung Quốc] chưa bao giờ xâm nhập vào vùng nước và vùng trời cấm bay của chúng ta, chúng chỉ bay quanh với một khoảng cách nhất định”, ông Lee nói.
Mặc dù Trung Quốc không công nhận các tuyên bố chủ quyền của Đài Loan, nhưng máy bay và tàu của Bắc Kinh nhìn chung đều ở ngoài vùng cấm bay của Đài Loan, vùng này cách bở biển của đảo Đài Loan và các đảo do Đài Loan kiểm soát khoảng 6km.
Khi được hỏi cách thức Cảnh sát biển Đài Loan sẽ phản ứng nếu một drone Trung Quốc xâm nhập vào vùng cấm, ông Lee nói rằng Cảnh sát biển có các quy tắc can dự.
“Sau khi nó xâm nhập, nó sẽ được xử lý theo các quy tắc [can dự]. Nếu chúng tôi cần nổ súng, chúng tôi sẽ nổ súng”, ông Lee khẳng định.
Quần đảo Đông Sa theo cách gọi của Đài Loan và Trung Quốc đại lục hay quần đảo Pratas, quần đảo Dong-Sha theo cách gọi của tiếng Anh là một nhóm đảo nằm ở vị trí 20°43′B 116°42′Đ ở đông bắc Biển Đông, cách Hồng Kông 340 km, cách Đài Bắc 850 km. Hiện quần đảo này do Đài Loan kiểm soát, đặt trong thành phố Cao Hùng. Trung Quốc đại lục đặt Đông Sa nằm trong quản lý của tỉnh Quảng Đông. Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền đối với Quần đảo Đông Sa, theo Wikipedia.
Gọi là quần đảo nhưng thực ra Đông Sa là gồm ba ám tiêu san hô vòng gồm ám tiêu vòng Đông Sa, ám tiêu vòng Bắc Vệ (còn gọi là bãi Bắc Vệ) và ám tiêu vòng Nam Vệ (còn gọi là bãi Nam Vệ). Trên ám tiêu vòng Đông Sa có một đảo san hô lớn nhất tên là đảo Đông Sa. Đảo có một sân bay với đường băng dài 1.500 mét. Các bãi ngầm Bắc Vệ và Nam Vệ hoàn toàn chìm ngập dưới nước, không có đảo nổi lên. Diện tích vùng biển quần đảo Đông Sa khoảng 5.000 km2.
Đài Loan chưa đồn trú binh lính thường trực tại Đông Sa. Họ chỉ triển khai thủy quân lục chiến đến đây theo định kỳ. Trên Quần đảo Đông sa cũng không có dân cư sinh sống lâu dài, chỉ có các nhà khoa học tới nghiên cứu theo định kỳ.
Theo Reuters, Đài Loan năm 2020 đã từng chặn ít nhất một thuyền nhỏ tiến gần đến Quần đảo Đông Sa chở theo những người trốn chạy từ Hồng Kông đang cố gắng tới Đài Loan.
Đài Loan nói sẽ chiến đấu đến cùng nếu có chiến tranh
Trung Quốc đại lục gần đây ngày càng tăng cường điều động nhiều phi cơ chiến đấu xâm nhập vào vùng nhận diện phòng không của Đài Loan. Ngoại trưởng Đài Loan hôm 7/4 đã tuyên bố quốc đảo dân chủ sẽ chiến đấu đến cùng nếu Trung Quốc phát động tấn công, theo Reuters.
Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết 15 máy bay Trung Quốc, trong đó có 12 chiến đấu cơ đã xâm nhập vào vùng nhận diện phòng không của quốc đảo. Một phi cơ chống hạm của Trung Quốc đã bay về phía nam qua Kênh Bashi nằm giữa Đài Loan và Philippines.
Phát biểu vào sáng 7/4, Ngoại trưởng Đài Loan Joseph Wu cho hay: “Chúng tôi sẵn sàng tự vệ không do dự và chúng tôi sẽ tham chiến nếu chúng tôi cần tham chiến. Và nếu chúng tôi cần phải tự vệ đến cùng, chúng tôi sẽ tự vệ đến cùng”.
Tàu chiến Mỹ quá cảnh qua Eo biển Đài Loan
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS John S. McCain của Hải quân Mỹ đã thực hiện quá cảnh “quen thuộc” qua Eo biển Đài Loan vào hôm thứ Tư (7/4), theo thông báo của Hải quân Mỹ.
Hải quân Mỹ phát đi tuyên bố cho biết: “Tàu chiến Mỹ quá cảnh qua Eo biển Đài Loan thể hiện cam cam kết của Mỹ về khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Quân đội Mỹ sẽ tiếp tục bay, đi thuyền và hoạt động ở bất kỳ đâu mà luật pháp quốc tế cho phép”.
Xuân Thành (T/h)
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện căng thẳng giữa hai bờ eo biển Đài Loan mối quan hệ Đài Loan - Trung Quốc biển Đông eo biển Đài Loan