Ngày 19/12, Viện nghiên cứu Cato của Mỹ và Viện Fraser của Canada đã công bố Chỉ số Tự do Con người (HFI) năm 2023. Trong số 165 khu vực pháp lý, Thụy Sĩ tiếp tục có chỉ số tự do con người cao nhất, Đài Loan đứng thứ 12, cao nhất châu Á, Trung Quốc đứng thứ 149 và Việt Nam đứng thứ 132.

Human Freedom
Viện nghiên cứu Cato của Mỹ và Viện Fraser của Canada đã công bố Chỉ số Tự do Con người (HFI) năm 2023.

Theo CNA (Hãng thông tấn trung ương Đài Loan), Báo cáo Chỉ số Tự do Con người năm 2023 chỉ ra rằng sau đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), các quyền tự do của con người đã bị suy giảm nghiêm trọng. Tự do trên nhiều lĩnh vực có xu hướng đi xuống, tự do pháp trị đã suy giảm đáng kể. Các quyền tự do đi lại, ngôn luận, hội họp, lập hội và thương mại cũng suy giảm.

Trong số 165 khu vực pháp lý được khảo sát, chỉ số trung bình về tự do con người cũng giảm nhẹ, từ 6,79 năm 2020 xuống còn 6,75 năm 2021. Từ năm 2019 – 2021 tự do của con người đã suy giảm.

Thụy Sĩ một lần nữa giữ được danh hiệu quốc gia có chỉ số tự do con người cao nhất, tiếp theo là New Zealand, Đan Mạch, Ireland, Estonia và Thụy Điển đồng hạng 5. Từ thứ 7 đến thứ 10 là Iceland, Luxembourg, Phần Lan và Na Uy.

Đài Loan đứng thứ 12, cao nhất châu Á. Nhật Bản đứng thứ 16, Hàn Quốc đứng thứ 28, Trung Quốc đứng thứ 149, Việt Nam đứng thứ 132 về Chỉ số Tự do Con người trong số 165 khu vực pháp lý, thấp nhất là Syria.

Xét về mặt khu vực, các khu vực có mức độ tự do cao nhất là Bắc Mỹ, Tây Âu và Châu Đại Dương, nơi có Canada và Hoa Kỳ. Trong khi đó, các khu vực có mức độ tự do thấp nhất là Trung Đông và Bắc Phi, Tiểu vùng Châu Phi Sahara và Nam Á.

Đài Loan xếp thứ 12 với tổng số điểm là 8,56. Trong đó, tự do cá nhân đứng thứ 12 với 8,98 điểm; tự do kinh tế đứng thứ 11 với 7,79 điểm.

Chỉ số Tự do Con người thể hiện tình trạng tự do của con người trên khắp thế giới dựa trên nhiều dữ liệu đánh giá, bao gồm tự do cá nhân, dân sự và kinh tế. Tự do của con người là một khái niệm xã hội, công nhận phẩm giá của cá nhân, được định nghĩa là tự do tiêu cực hoặc không có những ràng buộc cưỡng bức, bao trùm 98,8% dân số thế giới.

Chỉ số Tự do Con người năm 2023 dựa trên dữ liệu từ năm 2021, năm gần nhất có đủ dữ liệu và bao gồm 165 khu vực pháp lý.

Chỉ số Tự do Con người năm 2023 sử dụng 86 chỉ số khác nhau về quyền tự do cá nhân và kinh tế để đánh giá, bao gồm pháp quyền, an ninh và an toàn, di chuyển, tôn giáo, hội họp, lập hội và các quyền tự do dân sự, ngôn luận và thông tin, mối quan hệ giữa các cá nhân, quy mô của chính phủ, hệ thống pháp luật và quyền sở hữu, tiền tệ lành mạnh, và tự do về thương mại quốc tế.

Theo báo cáo Chỉ số Dân chủ năm 2022 của Economist Intelligence Unit (EIU) – một doanh nghiệp chuyên cung cấp những dịch vụ dự đoán và cố vấn qua nghiên cứu và phân tích thuộc Tập đoàn Economist, nhìn chung toàn cầu có chưa đến một nửa dân số (45,3%) đang sinh sống tại quốc gia dân chủ, “hơn 1/3, khoảng 36,9% dân số thế giới sống dưới chế độ chuyên chế, trong đó một phần lớn là tại Trung Quốc và Nga”; chưa đến 8% dân số thế giới sống dưới chế độ “dân chủ hoàn toàn”, phân bố tại hơn 20 quốc gia như Canada, Thụy Điển, Uruguay.

Bình Minh (t/h)