Bầu cử tổng thống Mỹ 2024, tác động tới nội địa Mỹ và thế giới
- Tân Bình
- •
Năm 2024, hàng tỷ người trên khắp thế giới sẽ tham gia các cuộc bầu cử dân chủ để lựa chọn các vị lãnh đạo quốc gia. Trong số đó đáng chú ý nhất chính là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Sau những diễn biến mới nhất từ các cuộc bầu cử sơ bộ vừa qua, gần như 2024 sẽ tiếp tục là cuộc đua tay đôi giữa cựu Tổng thống Donald Trump và đương nhiệm Tổng thống Joe Biden. Với quan điểm chính sách đối nội và đối ngoại trái ngược nhau của hai ông, kết quả bầu cử năm 2024 sẽ tác động mạnh mẽ đến tình hình nội địa Mỹ và toàn thế giới. Dưới đây là những thông tin được Trí Thức VN tổng hợp từ nhiều nguồn, nhằm vẽ nên một bức tranh toàn cảnh về vấn đề này.
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024 gần như sẽ là màn tái đấu Trump-Biden
Ông Biden không có đối thủ trong Đảng Dân chủ
Các chính trị gia sáng giá tuyên bố không tranh cử
Đảng Dân chủ chưa chính thức chọn ông Biden làm đề cử viên tổng thống 2024, nhưng danh sách ứng viên tranh cử gần như không có nhân vật chính trị nào nổi bật, có sức ảnh hưởng để có thể cạnh tranh với đương kim tổng thống Mỹ.
Các chính trị gia triển vọng của Đảng Dân chủ như Thống đốc California Gavin Newsom hay cựu Đệ nhất phu nhân Michelle Obama trước nay đều tuyên bố chưa sẵn sàng tranh cử năm 2024, đồng thời bày tỏ ủng hộ ông Biden.
Trong khi chính trị gia đáng chú ý khác của Đảng Dân chủ là cựu Thống đốc New York Andrew Cuomo lại mất uy tín lớn trong nội bộ đảng do dính líu bê bối tình dục. Bản thân ông Cuomo khi còn đương chức tại New York cũng tuyên bố chưa có ý định tranh cử tổng thống.
Ông Biden thắng dễ trong cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên
Tổng thống Joe Biden giành chiến thắng dễ dàng (96% phiếu bầu) trong cuộc bầu cử tổng thống sơ bộ 2024 đầu tiên của Đảng Dân chủ tại tiểu bang Nam Carolina hôm thứ Bảy (3/2) trước hai đối thủ là Dân biểu Dean Phillips (Minnesota) và tác giả Marianne Williamson. Với chiến thắng này, ông Biden có được 55 đại cử tri đoàn của Nam Carolina trong Hội nghị Quốc gia Đảng Dân chủ được tổ chức tại Chicago từ 19 đến 20 tháng 8 tới đây.
Trước đó, Tổng thống Biden cũng chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ tại tiểu bang New Hampshire dù không được in tên trên phiếu bầu, nhờ chiến dịch “điền tên” của cử tri.
Ông Biden không có tên trên phiếu bầu sơ bộ của New Hampshire do bang này tổ chức bầu cử sơ bộ trái với lịch trình mà Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ (DNC) đã vạch ra. Tổng thống Mỹ đương nhiệm tuân theo quy định của DNC và không nộp hồ sơ để ghi tên lên phiếu bầu New Hampshire.
Tuy nhiên, cử tri New Hampshire ủng hộ Tổng thống Biden vẫn tìm cách giúp ông thắng cử thông qua chiến dịch “điền tên” chưa từng có tiền lệ vào lá phiếu. Họ kêu gọi nhau ghi tên của ông Biden vào lá phiếu để thể hiện sự ủng hộ với đương kim tổng thống.
Vấn đề tuổi tác và số phiếu thăm dò thấp chưa phải là cản trở lớn
Ông Biden, 80 tuổi, đang là tổng thống đương nhiệm già nhất trong lịch sử Mỹ. Nếu tái đắc cử, ông sẽ 86 tuổi vào cuối nhiệm kỳ hai.
Các cuộc thăm dò dân ý gần đây nhiều lần chỉ ra rằng ngay cả các cử tri Đảng Dân chủ cũng tin rằng ông Biden quá già yếu, cả về thể chất và tinh thần, để có thể tiếp tục làm tổng thống. Tuy nhiên, Nhà Trắng nhiều lần bác bỏ những lo ngại này.
Các cuộc thăm dò dân ý trên toàn quốc về mức độ tín nhiệm của cử tri cho thấy ông Biden đang là tổng thống có mức tín nhiệm thấp nhất trong vài thập kỷ qua (dưới 40%). Tuy nhiên, tính riêng trong nội bộ Đảng Dân chủ, cử tri vẫn dành sự ủng hộ lớn cho ông.
Các cuộc chiến pháp lý không ngăn được ông Trump trở thành đề cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa
91 cáo buộc phạm tội, tổng hình phạt hơn 700 năm tù
Cựu Tổng thống Donald Trump đang phải đối mặt với nhiều vụ truy tố hình sự liên bang và tiểu bang với tổng cộng 91 cáo buộc và nếu bị kết án ông có thể chịu án tù hơn 700 năm.
Ngoài ra, ông Trump còn phải đối mặt với vụ kiện dân sự của bang New York về cáo buộc gian lận tài chính, cũng như cáo buộc lạm dụng tình dục và phỉ báng do nhà văn E. Jean Carroll khởi kiện.
Ông Trump đã nhiều lần lên án các cáo buộc hình sự trên, mô tả vụ việc là một cuộc “săn phù thủy” nhằm vào ông trước thềm cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.
Các tiểu bang Dân chủ muốn dùng Tu chính án 14 để loại bỏ ông Trump
Colorado và một số tiểu bang khác do Đảng Dân chủ cầm quyền đang sử dụng điều khoản “nổi dậy” trong Tu chính án 14 để khởi kiện ông Trump nhằm loại tư cách tranh cử tổng thống của ông. Vụ án của Colorado hồi đầu tháng Hai đã được Tối cao Pháp viện thụ lý và khả năng sẽ có phán quyết trước tháng Ba.
Điều 3 của Tu chính án 14 hay còn gọi là điều khoản “nổi dậy”, Hiến pháp Mỹ đã có từ thời Nội chiến (1861-1865). Mục đích của điều khoản này là để ngăn chặn các cựu lãnh đạo của phe miền Nam – những người tham gia nổi dậy chống lại nước Mỹ – không được tái nhiệm các chức vụ công.
Điều 3, Tu chính án 14 tuyên bố: “Không ai sẽ là Thượng nghị sĩ hoặc Dân biểu trong Quốc hội hoặc Tổng thống và Phó Tổng thống dân cử, hoặc giữ bất kỳ chức vụ nào, dân sự hay quân sự trong nhà nước Mỹ hoặc trong bất kỳ Tiểu bang nào mà những người đó trước đây đã từng tuyên thệ ủng hộ Hiến pháp Mỹ khi là thành viên Quốc hội, hoặc viên chức của nước Mỹ, hoặc là thành viên của bất kỳ cơ quan lập pháp Tiểu bang nào, hoặc là quan chức hành pháp hay tư pháp của bất kỳ Tiểu bang nào, nhưng đã tham gia vào cuộc nổi dậy hoặc nổi loạn chống lại Hiến pháp Mỹ, hoặc cung cấp trợ giúp hoặc an ủi kẻ thù. Nhưng Quốc hội có thể bằng một cuộc bỏ phiếu 2/3 ở mỗi Viện để loại bỏ sự không đủ tư cách này”.
Nhìn chung điều khoản trên có nghĩa rằng những quan chức đã đắc cử mà phản bội lại lời thề nhậm chức và nổi loạn chống lại nước Mỹ sẽ bị cấm nắm giữ chức vụ công quyền thêm nữa.
Số đông các học giả luật cho rằng khó áp dụng Tu chính án 14 với ông Trump vì điều khoản này bản thân nó là mơ hồ và ông Trump cũng chưa bị cáo buộc tội “nổi dậy” trong tất cả 91 cáo buộc hình sự mà ông bị truy tố cho đến nay. Hơn nữa, một số tòa án tại tiểu bang đã bác bỏ vụ kiện Tu chính án 14 đối với ông Trump, trong khi Tối cao Pháp viện lại có đa số thẩm phán là phe bảo hiến, 3 người do chính ông Trump chỉ định.
Ngay cả khi Tối cao Pháp viện ra phán quyết chống lại ông Trump và quyết định loại bỏ ông khỏi nhiệm sở, thì điều khoản “nổi dậy” vẫn mở đường cho Quốc hội liên bang bỏ phiếu 2/3 tán thành ở mỗi viện để lật ngược phán quyết của tòa án tối cao.
Ông Alan Dershowitz, giáo sư danh dự Trường luật Harvard, dấy lên nghi ngờ về quan điểm cho rằng ông Trump không thể tranh cử bởi vì Tu chính án 14. Ông Alan Dershowitz nói đó là “nguy hiểm trầm trọng” đối với Hiến pháp Mỹ.
Trả lời phỏng vấn chương trình TV show của Just the News, giáo sư Dershowitz cho rằng việc áp dụng Tu chính án 14 để loại bỏ ông Trump “sẽ đặt quyền quyết định ai là Tổng thống vào tay của các Bộ trưởng Nội vụ và các thống đốc Đảng Dân chủ ở các tiểu bang, thay vì đặt vào tay người dân”.
Ông Trump thắng lớn trong hai cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có chiến thắng mang tính lịch sử tại hội nghị đảng Cộng hòa bang Iowa, thắng 98 trong số 99 quận, dẫn trước ứng viên đứng thứ hai 30 điểm phần trăm, phá kỷ lục năm 1988 khi Bob Dole thắng George H.W Bush với 12 điểm phần trăm và nhận được hơn 50% số người ủng hộ trong cuộc đua 4 ứng viên.
Sau chiến thắng vang dội này của ông Trump, các ứng viên tổng thống khác của Đảng Cộng hòa là Doanh nhân Vivek Ramaswamy và Thống đốc Florida Ron Desantis đã đình chỉ chiến dịch tranh cử và tuyên bố tán thành ông Trump.
Đến cuộc bầu cử sơ bộ tại New Hampshire hôm 23/1, ông Trump tiếp tục chiến thắng thuyết phục trước đối thủ duy nhất là bà Nikki Haley.
Sau hai chiến thắng liên tiếp của ông Trump, Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa (RNC) đã tuyên bố khả năng sẽ sớm chọn ông Trump là đề cử viên tổng thống của Đảng.
Tổng thống Joe Biden cũng đã lên tiếng thừa nhận rằng có thể sẽ tái đối đầu với ông Trump.
“Có vẻ như Donald Trump vừa thắng Iowa”, nhóm của ông Biden đăng trên mạng xã hội X, sau khi kết quả được công bố. “Vào thời điểm này, ông ấy là người dẫn đầu rõ ràng của phía bên kia”.
“Cựu Tổng thống Trump là người mang tính đại chúng, khác với những nhân vật chính trị thuần túy”
Giải thích cho việc ông Trump đang thắng thế tuyệt đối trong nội bộ Đảng Cộng hòa và cũng dẫn trước ông Biden trong các cuộc thăm dò dân ý toàn quốc, cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Newt Gingrich lý giải rằng: “Để hiểu hiện tượng Trump, cần hiểu rằng ông ấy không phải là một ứng viên theo nghĩa thông thường. Cựu Tổng thống Trump là người mang tính đại chúng, khác với những nhân vật chính trị thuần túy”.
“Đó là lý do tại sao mọi bản cáo trạng và phiên tòa đều làm cho những người ủng hộ ông Trump tức giận, càng nghĩ theo chiều hướng rằng Bộ Tư pháp Chính phủ Biden tham nhũng và các quan chức thực thi pháp luật tấn công Trump vì mục đích chính trị, để ngăn ông đánh bại Tổng thống Joe Biden trong cuộc bầu cử tháng Mười Một. Nói thẳng hơn, họ thấy Tổng thống Biden đang cố gắng bỏ tù đối thủ chính trị của mình hơn là để người dân quyết định xem họ muốn ai lãnh đạo đất nước”, ông Gingrich nói.
“Với tư cách là người lãnh đạo mang tính đại chúng, cựu Tổng thống Trump có thể kêu gọi được đông đảo người ủng hộ cuồng nhiệt mà các ứng viên bình thường [thuần túy là nhà chính trị] chỉ có thể mơ ước. Ông Trump sẽ là ứng viên của Đảng Cộng hòa – và tôi thấy ông ấy đã trở thành ứng viên rồi”, cựu chủ tịch Hạ viện Mỹ khẳng định.
Nước Mỹ sẽ ra sao nếu ông Biden hoặc ông Trump thắng cử?
Nước Mỹ thời Biden
Nước Mỹ trong nhiệm kỳ đầu của ông Biden
Ông Biden trong chiến dịch tranh cử 2020 hứa hẹn sẽ đưa nước Mỹ gắn kết trở lại và nâng cao mức sống người dân, đặc biệt là vấn đề an sinh xã hội, đồng thời lấy lại sự tín nhiệm của quốc tế.
Tuy nhiên, hiện tại nước Mỹ vẫn chia rẽ đảng phái rõ rệt, biểu hiện rõ nhất là tranh cãi lớn và dài dẳng xung quanh kết quả bầu cử 2020, cũng như hậu quả pháp lý của nó đối với chính ông Trump và phong trào MAGA của ông.
Lạm phát tại Mỹ hiện đã giảm hơn so với hai năm đầu nhiệm kỳ của ông Biden mà có thời điểm tăng cao nhất trong 40 năm. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân ở Mỹ tăng trở lại trong tháng 12/2023, song mức lạm phát hàng năm vẫn được duy trì dưới 3% tháng thứ 3 liên tiếp. Lạm phát chậm lại đang thúc đẩy sức mua của các hộ gia đình, giúp thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng và nền kinh tế Mỹ.
Các nhà tuyển dụng tạo ra 14 triệu việc làm trong thời kỳ Biden, với trung bình hàng tháng hơn 400.000 vị trí. Con số này là cao hơn 3 năm đầu nhiệm kỳ của ông Trump với trung bình 176.000 việc làm mỗi tháng.
Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đang thấp (đầu năm 2023 là 3,4%, cuối năm 2023 là 3,7%) – dấu hiệu cho thấy nền kinh tế khỏe mạnh để cắt giảm chi tiêu, nhưng nợ công của Mỹ vẫn tăng nhanh và đã vượt 34.000 tỷ USD.
Các nghị sĩ Đảng Cộng hòa cho rằng các chương trình chi tiêu liên bang do chính quyền Tổng thống Joe Biden đề xuất quá tốn kém, trong khi phe Dân chủ cho rằng chính sách giảm thuế năm 2017 mà Đảng Cộng hòa ủng hộ – dưới thời Tổng thống Donald Trump – khiến nguồn thu ngân sách sụt mạnh. Bên cạnh đó, các gói hỗ trợ đại dịch COVID-19 liên bang khổng lồ – được tung ra bởi chính quyền của cả hai Tổng thống – cũng góp phần khiến nợ công tăng nhanh.
Trong khi đó, người phát ngôn Nhà Trắng Michael Kikukawa nói rằng nợ công tăng lên chủ yếu do các chính sách nghiêng về “các tập đoàn lớn và người giàu” được thực hiện nhiều lần của Đảng Cộng hòa, khiến ngân sách cho chương trình an sinh xã hội, Medicare và Medicaid bị cắt giảm, ảnh hưởng tới dân thường Mỹ.
Dưới thời Biden, những trục trặc liên quan đến đại dịch, cuộc chiến ở Ukraine và nhu cầu tăng đột biến đều khiến giá xăng tăng chóng mặt kể từ năm 2020. Giá xăng tăng hơn gấp đôi từ tháng 4/2020 đến tháng 4/2022, tương đương 1,84 USD lên 4,11 USD một gallon (3,78 lít).
Quyền sở hữu nhà trở nên khó tiếp cận hơn nhiều dưới thời Biden. Theo Goldman Sachs, giá nhà đã tăng vọt trong thời kỳ đại dịch, đến 49% từ mùa xuân 2020 đến mùa thu 2022. Chi phí cao hơn khiến khả năng chi trả nhà ở xuống mức thấp nhất mọi thời đại.
Giá nhà trung bình hiện là 431.000 USD một căn, cao hơn nhiều trước đại dịch. Lãi vay mua nhà đã tăng hơn gấp đôi trong hai năm qua, từ khoảng 3,1% lên khoảng 7%. Tuy nhiên, giá nhà vẫn ở mức cao vì cầu vượt cung.
Thách thức lớn nhất mà Tổng thống Biden đang gặp phải hiện nay là khủng hoảng biên giới nghiêm trọng.
Các nhà lãnh đạo Đảng Dân chủ cấp tiểu bang và địa phương, những người được cho là đồng minh thân cận nhất của Tổng thống Biden trong cuộc bầu cử tổng thống 2024, đang chỉ trích gay gắt cách xử lý vấn đề nhập cư của ông. Trong khi, ông Donald Trump đang tăng cường tấn công vào một vấn đề vốn là trọng tâm trong thông điệp chính trị của ông trong gần một thập kỷ. Và sự ủng hộ của công chúng dành cho ông Biden về vấn đề này đang trở nên tồi tệ.
Các quan chức Mỹ ước tính đã xử lý khoảng 300.000 di dân vượt biên bất hợp pháp vào lãnh thổ Mỹ tại biên giới Mỹ-Mexico trong tháng 12/2023, con số cao nhất từng được ghi nhận, theo nhiều hãng tin.
Các tiểu bang biên giới phía Nam, đặc biệt là Texas đang tự chủ thực thi các chính sách trái ngược với chính quyền Biden để ngăn chặn dòng người vượt biên trái phép. Tình trạng này đã đang dẫn đến cuộc chiến pháp lý và căng thẳng leo thang giữa các tiểu bang biên giới với chính quyền liên bang.
Nước Mỹ sẽ thế nào trong nhiệm kỳ hai của ông Biden?
Nếu ông Biden tiếp tục tại vị thêm 4 năm nữa, nước Mỹ sẽ ra sao? Câu trả lời có lẽ tùy thuộc vào việc người đưa ra nó thuộc phe nào. Với những người ủng hộ ông Biden, họ cho rằng chính sách kinh tế định hướng xã hội của ông Biden sẽ giúp cải thiện an sinh xã hội, giảm khoảng cách giàu nghèo.
Trong khi những người phản đối cho rằng bức tranh nước Mỹ 4 năm tới dưới thời Biden sẽ toàn màu xám khi lạm phát và nợ công tiếp tục tăng cao và có thể đến mức mất kiểm soát. Khủng hoảng biên giới sẽ càng thêm trầm trọng với hàng chục triệu người nhập cư mới, từ đó làm phức tạp thêm vấn đề xã hội và việc làm, cũng như gia tăng tội phạm, thậm chí có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Nước Mỹ thời Trump
Nước Mỹ trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump
Trước khi đại dịch COVID-19 lan rộng tới Mỹ, ông Trump đã đưa nền kinh tế Mỹ phát triển mạnh mẽ, tỷ lệ thất nghiệp giảm tới mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, việc làm trong nước gia tăng. Đặc biệt, nước Mỹ đã độc lập tương đối về năng lượng, không bị phụ thuộc vào các nguồn cung nhiên liệu từ nước ngoài, đặc biệt từ các đối thủ địa chính trị như Nga hay Venezuela. Nước Mỹ dưới thời Trump cũng đảm bảo an ninh biên giới tốt. Ông Trump đã gần hoàn thành được bức tường biên giới để đảm bảo kiểm soát vượt biên trái phép. Ông cũng đã đàm phán thành công với Mexico để nước láng giềng phía Nam này tăng cường an ninh biên giới và giữ người nhập cư ở lại nước họ trước khi hoàn thành các thủ tục nhập cư hợp pháp vào Mỹ.
Tuy nhiên, nước Mỹ dưới thời Trump cũng bị chia rẽ lớn về đảng phái. Nợ công tiếp tục tăng nhanh do với các nhiệm kỳ tổng thống trước đó, mặc dù ông Trump đã thắt chặt chi tiêu công. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 đã kéo nước Mỹ thụt lùi vào cuối nhiệm kỳ của ông Trump và đó cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến tổng thống của Đảng Cộng hòa không thể tái đắc cử nhiệm kỳ hai sau cuộc bầu cử 2020.
Nước Mỹ sẽ thế nào trong nhiệm kỳ hai của ông Trump?
Những người ủng hộ ông Trump cho rằng với chính sách biên giới thắt chặt và giảm thuế mạnh mẽ cho doanh nghiệp, ông Trump sẽ đưa nước Mỹ phục hồi mạnh mẽ trở lại như trước đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, những người phản đối cho rằng chính quyền của ông Trump sẽ chỉ đem lại lợi ích cho những người giàu và giới doanh nghiệp, làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo và suy yếu hệ thống an sinh xã hội.
Bầu cử Mỹ năm 2024 tác động tới thế giới thế nào?
Tình hình thế giới thời Biden và dự báo
Trong chưa đầy 4 năm cầm quyền, ông Biden đã chứng kiến hai cuộc chiến tranh quy mô lớn xảy ra tại châu Âu và Trung Đông. Nga xâm lược Ukraine từ tháng 2/2022 và cuộc chiến này vẫn kéo dài chưa có dấu hiệu kết thúc. Tiếp đó là chiến tranh Israel – Hamas bùng nổ từ đầu tháng 10/2023, kéo theo cái chết của hàng chục nghìn sinh mạng tại Dải Gaza.
Sau khi xung đột Israel – Hamas bùng nổ và Mỹ kiên định ủng hộ cuộc chiến trả đũa của Israel vào Gaza, thì các cơ sở quân sự của Mỹ trên khắp Trung Đông đã liên tục bị tấn công, đỉnh điểm là vụ tấn công vào căn cứ ở Jordan gần biên giới với Syria cuối tháng Một đã khiến ba lính Mỹ thiệt mạng. Mỹ sau đó cùng đồng minh Anh Quốc đã tiến hành nhiều cuộc không kích vào các lực lượng Hồi giáo do Iran hậu thuẫn tại Iraq và Syria.
Hệ quả từ hai cuộc chiến tranh trên là Mỹ đang thúc đẩy các đối thủ Nga, Trung Quốc, Iran và Triều Tiên liên kết với nhau chống Mỹ. Nga sau khi bị Mỹ và phương Tây áp đặt chế tài kinh tế hà khắc đã tăng cường quan hệ toàn diện, đặc biệt là kinh tế và an ninh với Trung Quốc, Iran, Triều Tiên, cũng như nhiều nước Nam Bán cầu, trong đó có cả Ấn Độ.
Triều Tiên từ năm 2022 cũng trở nên hung hăng hơn. Quốc gia cộng sản này đã liên tiếp thử tên lửa đạn đạo tầm xa, thậm chí đã lần đầu phóng thành công vệ tinh do thám vào quỹ đạo trái đất. Chế độ Bình Nhưỡng của lãnh tụ tối cao Kim Jong-un sau nhiều thập kỷ đã lần đầu mạnh mẽ tuyên bố cắt đứt mọi liên lạc với Hàn Quốc, liệt miền Nam là “kẻ thù”, phá bỏ tượng đài thống nhất vốn là biểu tượng của khát vọng thống nhất liên Triều. Ông Kim Jong-un tuyên bố rằng thống nhất liên Triều bây giờ là “bất khả thi”.
Ngoại giới nhận định rằng trong năm 2024, thế giới sẽ càng bất ổn hơn khi nước Mỹ bận rộn với tổng tuyển cử. Nga khả năng sẽ đẩy mạnh hoạt động quân sự để khẳng định vị thế tại Ukraine. Trung Quốc sẽ tiếp tục gây áp lực ngoại giao và quân sự lên Đài Loan và Biển Đông. Triều Tiên khả năng sẽ thử bom hạt nhân và nhiều loại vũ khí hủy diệt khác. Iran cũng sẽ đẩy mạnh chế tạo vũ khí hạt nhân.
Tình hình thế giới thời Trump và dự báo
Trong 4 năm ông Trump cần quyền từ 2017, thế giới không xảy ra bất kỳ cuộc chiến tranh lớn nào. Tổng thống của Đảng Cộng hòa với chính sách “nước Mỹ trên hết” đã chủ trương sử dụng ngoại giao song phương thay thế cho ngoại giao đa phương.
Ông Trump, thông qua các cuộc đàm phán, đã hòa hoãn được với Nga, kiềm chế Trung Quốc, Iran và Triều Tiên. Trung Quốc khi phải tập trung vào cuộc chiến thương mại với Mỹ đã không “gây hấn” với Đài Loan hay các nước láng giềng khác ở Đông Á và Đông Nam Á, cũng như hạn chế công khai ủng hộ Triều Tiên.
Ông Trump và chính quyền của ông đã làm trung gian hòa giải giữa các quốc gia Ả Rập Vùng Vịnh với Israel, đỉnh điểm là các hiệp định Abraham giúp bình thường hóa quan hệ giữa các cựu thù này.
Ông Trump dù tỏ ra ủng hộ mạnh mẽ Israel với việc công nhận Cao nguyên Golan là của Israel và chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem, nhưng cũng không làm gia tăng căng thẳng trong mối quan hệ Israel – Palestine.
Với các đồng minh phương Tây và các đồng minh khác như Nhật Bản hay Hàn Quốc, ông Trump thúc ép các nước này phải tự tăng cường an ninh quốc gia, tăng chi phí quốc phòng, không để Mỹ phải hỗ trợ tài chính quá nhiều, thậm chí phải trả tiền để Mỹ đóng quân và đặt khí tài quân sự ở các nước này.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống 2024, ông Trump nhiều lần tuyên bố sẽ giải quyết dứt điểm chiến tranh Nga-Ukraine “trong vòng 24 giờ”. Ông tuyên bố có quan hệ gần gũi với cả ông Putin và ông Zelensky và sẽ có cách để đưa hai lãnh đạo Nga và Ukraine ngồi vào bàn đàm phán hòa bình. Mặc dù chưa thực sự công khai cách thức hòa giải của mình, nhưng ngoại giới nhận định khả năng ông Trump sẽ dùng đòn bẩy viện trợ kinh tế và quân sự để ép chính quyền Zelensky phải chấp nhận nguyên trạng lãnh thổ hiện nay và kết thúc chiến tranh, nghĩa là Ukraine sẽ không thể lấy lại Bán đảo Crimea và 4 khu vực phía đông nam đã sáp nhập vào Nga.
“Tôi biết Zelensky rất rõ, và tôi biết Putin rất rõ, thậm chí còn biết rõ hơn”, ông Trump nói với Biên tập viên Maria Bartiromo trong chương trình “Sunday Morning Futures” của Fox News hồi giữa tháng 7/2023.
“Tôi đã có mối quan hệ tốt, rất tốt với cả hai bọn họ. Tôi sẽ nói chuyện với Zelensky: ‘Đủ rồi. Ông phải thỏa thuận’. Tôi sẽ nói chuyện với Putin: ‘Nếu ông không thỏa thuận, chúng tôi sẽ trao cho ông ta [Zelensky] nhiều thứ’. Chúng tôi sẽ trao cho Ukraine nhiều hơn những gì họ từng nhận được nếu chúng tôi phải làm thế. Tôi sẽ hoàn thành thỏa thuận [hòa bình] trong một ngày. Một ngày”, ông Trump khẳng định.
Đối với Trung Quốc, ông Trump tuyên bố sẽ tiếp tục áp thuế nhập khẩu và thậm chí tăng lên tới 60%.
Hôm 27/1 vừa qua, tờ Washington Post trích dẫn 3 nguồn tin cho biết, ông Trump đã thảo luận riêng với các cố vấn của mình về khả năng áp thuế 60% đối với tất cả hàng nhập khẩu của Trung Quốc nếu ông tái đắc cử tổng thống Mỹ.
Ông Trump nhấn mạnh việc bổ sung thuế nhập khẩu có thể thúc đẩy ngành công nghiệp nội địa ở Mỹ và gây quỹ cho chính phủ liên bang. Ông cũng cho rằng thuế quan trong nhiệm kỳ đầu tiên đã mang lại doanh thu hàng tỷ đô la cho kho bạc Mỹ.
Được biết, Trung Quốc đã tụt xuống vị trí đối tác thương mại lớn thứ 3, chiếm 11,7% tổng ngoại thương của Mỹ. Phân tích cho thấy, nếu quy chế thương mại “tối huệ quốc” của Trung Quốc với Mỹ bị hủy bỏ, chính phủ liên bang Mỹ có thể áp đặt mức thuế hơn 40% đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc.
Các nhà kinh tế từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa ở Mỹ cho rằng nếu các biện pháp trên được thực hiện, tác động của chúng sẽ lớn hơn nhiều so với cuộc chiến thương mại do ông Trump phát động chống lại Trung Quốc vào năm 2018.
Ông Trump thậm chí đã đề xuất áp thuế 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu. Ông nói: “Khi các công ty nước ngoài bán sản phẩm vào Mỹ, họ phải trả thuế, chẳng hạn như khoảng 10%”.
Trong nhiệm kỳ hai, ông Trump sẽ tiếp tục thúc đẩy các đồng minh châu Âu và Đông Á phải tự chủ về an ninh, tăng chi tiêu quốc phòng và hạn chế phụ thuộc vào Mỹ. Nhiều nhà phần tích cho rằng ông Trump thậm chí sẽ rút nước Mỹ khỏi khối Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nếu các thành viên khác không tuân thủ yêu cầu chi tiêu quốc phòng 2% GDP trở lên.
Từ khóa Joe Biden Dòng sự kiện Doanld Trump Bầu cử Mỹ 2024