Bị Mỹ áp lực, Ả Rập Saudi và Nga chấm dứt cuộc chiến giá dầu
Sau can thiệp của Tổng thống Mỹ Donald Trump với cả Ả Rập Saudi và Nga, các nước OPEC và những đồng minh về dầu lửa dẫn đầu bởi Nga đã đạt được một thỏa thuận mới nhằm cắt giảm sản lượng dầu lửa tới hơn ⅕ vào hôm 9/4; trong khi mâu thuẫn trước đó đã khiến giá dầu thế giới sụt giảm trầm trọng.
OPEC cho hay họ kỳ vọng Hoa Kỳ và các nước khác cũng sẽ chung tay với họ giảm sản lượng dầu để nâng giá dầu lửa, vốn đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch viêm phổi Vũ Hán.
Thỏa thuận này sẽ cắt giảm 10 triệu thùng dầu một ngày, hay 10% sản lượng dầu của thế giới. Người ta kỳ vọng các quốc gia khác ngoài thỏa thuận này sẽ giảm thêm 5 triệu thùng dầu nữa, để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng giá dầu nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ này.
Reuters cho hay nhu cầu nhiên liệu toàn cầu đã sụt giảm tới 30 triệu thùng dầu, hay 30% tổng nguồn cung, do hàng tỷ dân số thế giới gần như ở nhà và cắt giảm sử dụng phương tiện giao thông cũng như các hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, cho dù việc giảm sản lượng 15 triệu thùng dầu/ngày là chưa có tiền lệ, nó vẫn không đủ để thoát khỏi tình trạng thừa mứa dầu ở các cơ sở lưu trữ dầu. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa OPEC nếu các nước này không chịu sửa chữa vấn đề dư thừa nguồn cung trong thị trường dầu.
Ông Trump đã cảnh báo Ả Rập Saudi rằng họ sẽ phải đối mặt với chế tài và thuế má nếu không cắt đủ sản lượng dầu để trợ giúp ngành dầu mỏ của Mỹ, vốn có chi phí sản xuất cao hơn nên đang gặp thiệt hại nặng nề khi giá dầu sụt trầm trọng.
Sau thỏa thuận về giảm sản lượng, theo Tòa Bạch Ốc, ông Trump đã gọi điện cho Tổng thống Nga Vladimir Putin và Vua Salman của Ả Rập Saudi. Một quan chức Mỹ nói rằng động thái của OPEC+ đã gửi một tín hiệu quan trọng đến thị trường dầu quốc tế.
Trong khi đó cả OPEC và Nga đều nhấn mạnh rằng họ muốn các nước khác cũng chung sức giảm lượng dầu sản xuất như họ, một yêu cầu dường như ông Trump từ chối.
“Chúng tôi đã giảm sản lượng. Nếu bạn nhìn vào Texas, Bắc Dakota, một số tiểu bang của chúng tôi đã tự động giảm sản xuất”, Tổng thống Mỹ nói trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 8/4.
“Chúng tôi có một ngành công nghiệp dầu khí cực kỳ mạnh mẽ, số một trên thế giới và tôi không muốn những công việc trong ngành này bị mất”, Tổng thống Mỹ nói thêm.
Gần đây, Trump đã nói rằng ông có kế hoạch áp thuế đối với dầu nhập khẩu để giúp các nhà sản xuất Mỹ.
Tháng trước, giá dầu Brent giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 18 tháng sau khi thỏa thuận giữa Ả Rập Saudi và Nga đổ vỡ, khơi mào cuộc chiến giá dầu gay gắt trong bối cảnh cuộc khủng hoảng y tế do dịch COVID-19 đã khiến nhu cầu tiêu thụ thế giới giảm mạnh. Hôm thứ Năm 9/4, giá dầu Brent được giao dịch ở mức 32 đô Mỹ một thùng, bằng một nửa so với mức giá cuối năm 2019.
Theo thỏa thuận mới đạt được, các nước OPEC+, bao gồm các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Nga và một số nước khác, sẽ giảm 10 triệu thùng dầu/ngày từ tháng 5 đến tháng 6. Toàn bộ thành viên sẽ giảm sản lượng 23%, trong khi Ả Rập Saudi và Nga mỗi nước sẽ giảm 2,5 triệu thùng, Iraq giảm 1 triệu thùng.
Reuters cho hay các thượng nghị sĩ Mỹ đã đề nghị nếu Ả Rập Saudi không giảm sản lượng dầu hằng ngày, Washington sẽ áp lệnh trừng phạt, áp thuế lên dầu của Saudi và rút quân khỏi vương quốc này.
Trọng Đức
Xem thêm:
Từ khóa Nga Donald Trump Ả Rập Saudi giá dầu giảm