Biểu tình Hồng Kông: Thời khắc cận kề nguy hiểm
Lần thứ hai trong vòng chưa tới 5 năm, lựu đạn hơi cay đã phát nổ điên cuồng trên đường phố Hồng Kông. Bạo lực nổ ra tại trung tâm tài chính vào thứ Tư khi cảnh sát dùng bình xịt cay, lựu đạn khói cay và đạn cao su bắn vào đám đông người biểu tình đang muốn lao vào tòa nhà chính phủ nhằm thể hiện sự cương quyết phản đối dự luật dẫn độ mới. Những hình ảnh làm gợi nhớ đến phong trào Ô Dù 2014. Phong trào đó đã chết yểu, nhưng lần này, người Hồng Kông có thể chứng minh cho chính quyền Carrie Lam thân Trung Quốc rằng lần này, họ sẽ không dễ bị bỏ qua.
Cơn giận giữ của Hồng Kông nổ ra sau khi trưởng đặc khu Carrie Lam đề xuất một dự luật cho phép dẫn độ nghi phạm từ Hồng Kông tới Trung Quốc đại lục để xử án. Dự luật này khiến nhiều người kinh ngạc vì sự trâng tráo của nó. Nhưng bà Lam và chính quyền Bắc Kinh đã không dự tính được quy mô của cuộc phản kháng đối với dự luật này, vốn phản ánh sự bất tín sâu sắc của người Hồng Kông đối với chính quyền Trung Quốc trong ý định thò tay vào đặc quyền tự do và dân chủ của họ.
Cuộc đối đầu của hàng trăm ngàn người biểu tình, phần lớn là thanh niên trẻ trên những con đường trung tâm bên dưới các tòa nhà chọc trời, trụ sở của các ngân hàng và trung tâm giao dịch cổ phiếu, gợi lại một cách sâu sắc hình ảnh của “phong trào Ô Dù” vốn đã phong tỏa trung tâm Hồng Kông trong hơn 2 tháng vào năm 2014. Cuộc biểu tình đó có sự lãnh đạo và tổ chức chặt chẽ, với mục tiêu đòi quyền bầu cử dân chủ cho mỗi người Hồng Kông.
Theo Reuters, quy mô biểu tình phản đối dự luật dẫn độ còn rộng lớn hơn nhiều phong trào Ô Dù. Sự nguy hiểm của dự luật này ở chỗ nó sẽ khiến bất cứ ai có mặt ở Hồng Kông – dù họ chỉ quá cảnh qua sân bay Hồng Kông – chịu rủi ro bị lôi về Trung Quốc và đối mặt với tòa án vốn chịu định hướng chính trị của Đảng và có tỷ lệ kết tội xấp xỉ 100%. Những người phản đối lo sợ rằng nó sẽ là một công cụ để Bắc Kinh triệt hạ những người bất đồng ý kiến, từ từ nhổ bỏ những cái gai trong mắt để biến HK ngoan ngoãn nằm trong vòng tay thép của Bắc Kinh.
Vụ xung đột mới nhất cũng xảy ra trên một phông nền kinh tế mong manh. Nền kinh tế của Hồng Kông đang chậm lại, và Trung Quốc đang đứng trước cuộc đàm phán thương mại đầy tính rủi ro đối với Hoa Kỳ. Dự luật dẫn độ này đã khiến nhiều giới chức Mỹ đưa ra cảnh báo rằng họ sẽ cân nhắc lại đặc quyền chính sách của Hồng Kông nếu địa vị tự trị chính trị của nó bị tác động đáng kể. Thay đổi này có thể gây tổn hại khó lường cho ngành xuất khẩu, thương mại và tài chính của Hương Cảng.
Chưa rõ liệu các nhà lãnh đạo Trung Quốc vốn ủng hộ dự luật của bà Lam, có tìm một giải pháp để thoái lui hay không. Nhưng sau khi hơn một triệu người biểu tình ôn hòa hôm Chủ nhật, bà Lam đã cố gắng thúc đẩy dự luật đi nhanh hơn, góp phần thổi phồng sự tức giận của những người biểu tình hôm thứ Tư.
Đến tối hôm thứ Tư, cuộc biểu tình biến thành bạo lực đã kết thúc trong làn khói đắng ngắt của lựu đạn hơi cay, dùi cui và đạn cao su. Phần lớn đã trở về nhà, nhưng một phần thanh niên vẫn ở lại bám trụ qua đêm trên những đại lộ hoang tàn bởi xác lựu đạn cay, gạch đá, rào chắn và vật cứng sau hàng giờ đối đầu bạo lực. Đối với người biểu tình, thất bại lần này có thể đánh dấu sự thay đổi vĩnh viễn đối với cái cách họ sống và làm việc tại Hồng Kông. Không chỉ có giới trẻ Hồng Kông nghĩ như vậy, mà cả tầng lớp trung lưu, những người vốn ít hứng thú hơn đối với phong trào đòi phổ thông đầu phiếu hoặc độc lập cho Hồng Kông. Tuy nhiên, lịch sử cũng cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc có đủ nguồn lực lẫn sự máu lạnh để đè bẹp những thường dân tay không tấc sắt để thực hiện mục tiêu của mình.
Trong video được cho là được quay từ trước, nhưng mới được phát đi sau khi cảnh sát giải tán thành công đám đông biểu tình, bà Carrie Lam đã khóc trước ống kính và nói rằng bà không “phản bội HK”, trong khi cáo buộc những người biểu tình đã tham gia “bạo loạn có tổ chức” và ngụ ý vẫn sẽ tiếp tục triển khai dự luật như thường lệ.
Dự kiến dự luật sẽ được đưa ra bỏ phiếu vào ngày 20/6, với kết quả gần như chắc chắn thông qua bởi Hội đồng lập pháp có đa số thân Bắc Kinh.
Trọng Đức
Xem thêm:
Từ khóa biểu tình ở Hồng Kông Luật dẫn độ mới