Sinh viên ủng hộ Palestine tại một số trường Đại học Mỹ đã có những thành công, khiến nhà trường bắt đầu cân nhắc vấn đề thoái vốn đối với nguồn vốn từ Israel hoặc các công ty vũ khí liên quan đến Israel. Tuy nhiên trong trong nhiều trường hợp, nguyện vọng của sinh viên khó được đáp ứng.

Columbia
Những người biểu tình ủng hộ Palestine tại Đại học Columbia. (Ảnh chụp màn hình video)

Những người biểu tình ủng hộ Palestine tại Đại học Harvard đang dọn dẹp khu cắm trại kéo dài hàng tuần của họ, cho dù nguyện vọng “buộc trường phải cắt đứt quan hệ kinh tế với Israel” của họ chưa được đáp ứng.

Tuy nhiên những người biểu tình tại Đại học Northwestern và Đại học Brown được trấn an bởi cam kết của trường trong việc xem xét yêu cầu của họ, gần đây họ cũng dỡ bỏ lều và rào chắn.

Nhưng nhiều trường hợp phải đối mặt với một thực tế rằng trường học của họ sẽ khó làm được hoàn toàn theo nguyện vọng của sinh viên: Chối bỏ hết các khoản tài trợ từ nhà nước Do Thái và các nhà sản xuất vũ khí liên quan.

Đại học Harvard đã đồng ý xem xét yêu cầu phục hồi việc học tập của các sinh viên bị đình chỉ học vì tham gia biểu tình. Một phát ngôn viên của trường cho biết, Hiệu trưởng Alan Garber sẽ “xúc tiến cuộc gặp giữa những người biểu tình và chủ tịch ủy ban giám sát trách nhiệm của cổ đông và các lãnh đạo khác của trường”. Harvard sẽ trả lời các câu hỏi về nguồn tài trợ nhưng sẽ không thảo luận về việc thoái vốn.

Tuy quản lý tại nhiều trường học như Đại học Minnesota, Đại học Rutgers và Đại học Bang Sacramento lắng nghe yêu cầu của các nhà hoạt động cấp tiến, nhưng do nhiều vấn đề rắc rối về mặt pháp lý nên ý tưởng về việc thực sự bán tài sản hoặc cổ phiếu quốc phòng của Israel khó có thể xảy ra.

“Chúng tôi kiên quyết bác bỏ ý tưởng thoái vốn”, Hiệu trưởng Michael Schill của Đại học Northwestern viết trên tờ Chicago Tribune vào ngày 9/5 ngay trước khi trường đưa ra tuyên bố cam kết xem xét quan điểm của sinh viên về vấn đề này.

Tờ New York Times đưa tin, giới chức của Đại học Brown đã đảm bảo với ít nhất một nhà tài trợ lớn rằng trường đại học này cuối cùng sẽ không thúc đẩy cho nguồn vốn từ Israel rút khỏi, mặc dù trường cam kết sẽ xem xét lại cổ phần của họ.

Vấn đề này rất quan trọng đối với những người biểu tình, vì họ cho rằng việc cắt đứt quan hệ tài chính với Israel sẽ buộc Israel phải dừng chiến dịch quân sự ở Gaza – sau khi Hamas tấn công nhà nước Do Thái vào ngày 7/10 năm ngoái, cuộc phản công của Israel vào Gaza đã khiến hàng chục ngàn người thiệt mạng. Nhưng nhóm phiến quân Hamas bị Mỹ liệt vào danh sách tổ chức khủng bố đã giết chết hơn 1200 người  Israel và vẫn đang bắt giữ các con tin.

Sinh viên Paz Baun về khoa học chính trị đã giúp tổ chức biểu tình cho biết, sinh viên biểu tình tại Northwestern coi thỏa thuận có được của họ với trường đại học là bước quan trọng đầu tiên, theo đó nhà trường sẽ tiết lộ cổ phần của trường. Cô nói: “Chúng tôi đã nhận được thông tin tiết lộ. Thậm chí 6 tháng trước, chúng tôi đã không nghĩ việc tiết lộ này là có thể xảy ra. Tôi rất tự hào về việc chúng tôi đã buộc tiết lộ các khoản đầu tư tài chính, vì đây là bước quan trọng đầu tiên trên con đường thoái vốn”.

Thỏa thuận yêu cầu ban quản trị Northwestern trong vòng 30 ngày phải “theo hiểu biết tốt nhất của họ và trong phạm vi được pháp luật cho phép, trả lời cụ thể các câu hỏi về cổ phần được đưa ra bởi bất kỳ bên liên quan lợi ích nội bộ nào”.

Giáo sư Jenny Stephens về chính sách và khoa học bền vững tại Đại học Đông Bắc ở Boston cho biết, thỏa thuận giữa trường đại học và những người biểu tình không chỉ mang tính biểu tượng, cô đã so sánh với phong trào phong trào rút vốn ở Nam Phi những năm 1960 nhằm chống lại chế độ phân biệt chủng tộc.

Theo thỏa thuận của Đại học Brown, trong tháng này 5 sinh viên sẽ gặp các đại diện nhà trường để trình bày lý do thoái vốn. Nhà trường cũng cho biết một ủy ban cố vấn sẽ đưa ra khuyến nghị về việc thoái vốn, cơ quan quản lý của nhà trường vào tháng 10 sẽ bỏ phiếu về biện pháp này.

Có một số trường cao đẳng và đại học nhỏ đang thúc đẩy thoái vốn. Học viện Thần học Liên hiệp New York (Union Theological Seminary in the City of New York) cho biết họ sẽ thoái vốn đối với các công ty liên quan đến cuộc chiến ở Gaza. Tại Ireland, Trinity College Dublin đã đồng ý thoái vốn đối với một số công ty của Israel để đổi lấy việc chấm dứt các trại biểu tình.

Nhưng hầu hết các trường vẫn chưa cam kết loại bỏ bất kỳ tài sản nào.

Tại trường Cao đẳng Occidental ở Los Angeles, những người lãnh đạo cuộc biểu tình ủng hộ Palestine vào ngày 8/5 đã dỡ bỏ khu cắm trại của họ – động thái sau khi hội đồng nhà trường đồng ý bỏ phiếu về lời kêu gọi thoái vốn đối với 4 công ty mà người biểu tình cho là có quan hệ với Israel. Theo thỏa thuận được ký giữa 2 lãnh đạo biểu tình và người quản lý của công ty Occidental, cuộc bỏ phiếu chống lại Lockheed Martin, Caterpillar, Boeing và Elbit Systems sẽ được tổ chức vào ngày 6/6.

Trường cũng đồng ý ân xá cho những sinh viên tham gia biểu tình và tiết lộ một số phần trong danh mục đầu tư của trường.

Phát ngôn viên Matthew Vickers (tại Trường Occidental) của Sinh viên vì Công lý ở Palestine (SJP) cho biết, những người biểu tình chỉ nhắm mục tiêu vào một số ít công ty chứ không phải yêu cầu thoái vốn toàn bộ đối với Israel, vì đó là một yêu cầu hợp lý hơn. Anh cho biết những người biểu tình sẽ tập trung cho cuộc bỏ phiếu vào tháng tới và sẵn sàng tiếp tục biểu tình nếu kết quả không như ý muốn.