Bộ Quốc phòng Đài Loan: ĐCSTQ phóng tên lửa đẩy bay qua Đài Loan
- Trí Đạt
- •
Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết, vào lúc 21:50 giờ địa phương ngày 10/10, phát hiện Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thực hiện nhiệm vụ phóng vệ tinh trên tên lửa đẩy tại Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương, tỉnh Tứ Xuyên. Đường bay của tên lửa đi qua miền trung Đài Loan và hướng về phía tây Thái Bình Dương, độ cao của tên lửa nằm ngoài bầu khí quyển và không gây hại cho khu vực Đài Loan.
Theo Thông tấn xã Trung ương Đài Loan (CNA), Bộ Quốc phòng Đài Loan tuyên bố rằng quân đội quốc gia sử dụng hệ thống tình báo, giám sát và trinh sát chung để theo dõi chặt chẽ các diễn biến liên quan, và có sự cảnh giới cũng như phản ứng thích hợp. Đối với việc ĐCSTQ phóng tên lửa đẩy lần này, Bộ Quốc phòng Đài Loan hôm 8/10 đã đề cập rằng ĐCSTQ khi đó sẽ phóng tên lửa đẩy từ Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương vào ngày 10/10, và sẽ bay về phía Tây Thái Bình Dương và đi qua Vùng nhận dạng phòng không Đài Loan.
ĐCSTQ bí mật vận chuyển tên lửa đạn đạo xa hàng ngàn km để thử nghiệm, để chuẩn bị chiến tranh
Trước đó, từ việc bí mật di chuyển tên lửa hơn 1.000 km tới địa điểm phóng, đến việc sử dụng các căn cứ và vệ tinh ở xa để theo dõi tầm bắn của nó từ đảo Hải Nam đến Nam Thái Bình Dương, vụ phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của ĐCSTQ vào tháng 9 đã đánh dấu một cuộc thử nghiệm về tính cần thiết trong tác chiến.
Theo Reuters, ngoài yếu tố chính trị, các vụ thử tên lửa của Trung Quốc (ĐCSTQ) còn phản ánh nhu cầu quân sự.
6 nhà phân tích an ninh và 4 nhà ngoại giao đánh giá vụ phóng tên lửa ngày 25/9 cho biết, mặc dù vụ thử hiếm hoi mang thông điệp chính trị trong bối cảnh Trung Quốc mở rộng vũ khí hạt nhân, nhưng nó cũng làm hài lòng người dân Trung Quốc về nhu cầu lâu dài của Lực lượng Tên lửa của Quân đội Giải phóng Nhân dân ĐCSTQ, tức đảm bảo năng lực răn đe hạt nhân của ĐCSTQ có thể phát huy tác dụng giống như tuyên truyền.
Với việc Bắc Kinh thông báo cho Hoa Kỳ, Pháp và New Zealand trước vụ phóng, cho thấy ngoại giao chiến lược cũng là một phần của cuộc tập trận. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cảnh báo cần có nhiều hành động hơn nếu ĐCSTQ hy vọng tiến hành các vụ thử tên lửa dày đặc hơn nữa để bắt kịp các đối thủ.
Úc được thông báo vài giờ trước khi kế hoạch hoạt động này được khởi động mà không cung cấp thêm bất kỳ thông tin chi tiết nào. Úc là một trong những quốc gia Thái Bình Dương bày tỏ quan ngại với Trung Quốc và kêu gọi chấm dứt các vụ thử tên lửa đạn đạo trong khu vực.
Theo ông Hans Christensen, giám đốc Dự án Thông tin Hạt nhân tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ: “Điều này cho phép Trung Quốc có thể tiến hành một cuộc thử nghiệm với đặc trưng của một cuộc tấn công toàn diện. Từ góc độ hoạt động, đây chắc chắn là một bước quan trọng. Lần thử nghiệm này đại diện cho việc nghiệm chứng sự vận hành của toàn bộ hệ thống.”
Theo Lầu Năm Góc, lực lượng tên lửa của ĐCSTQ đã tiến hành thử nghiệm rộng rãi trong những năm gần đây, phóng khoảng 135 tên lửa đạn đạo vào năm 2021, chủ yếu vào các sa mạc xa xôi của Trung Quốc.
Mặc dù quân đội phương Tây tin rằng ĐCSTQ đã cải thiện chất lượng và số lượng đầu đạn, tên lửa và hầm chứa trong những năm gần đây, nhưng xét đến áp lực và khoảng cách liên quan, chỉ những cuộc thử nghiệm đầy đủ mới có thể đánh giá độ chính xác và độ tin cậy của tên lửa đạn đạo và đầu đạn của chúng.
Theo các nhà ngoại giao và nhà phân tích, các cuộc thử nghiệm trên biển như vậy sẽ được giám sát bởi mạng lưới vệ tinh, trạm theo dõi không gian và tàu ngày càng tăng của Trung Quốc, bao gồm cả trên các đảo tranh chấp ở Biển Đông của Trung Quốc cũng như ở Namibia và Argentina.
Theo dữ liệu theo dõi tàu mà Reuters có được, vào thời điểm đó, hai tàu “hỗ trợ không gian” tiên tiến nhất của ĐCSTQ là Yuanwang-3 và Yuanwang-5, đang ở Thái Bình Dương. Tàu Yuanwang-3 đang đi về phía tây bắc Nauru, trong khi Yuanwang-5 nằm ở phía đông đảo san hô Tokelau.
Bộ Quốc phòng ĐCSTQ không nêu rõ nơi tên lửa rơi xuống, mà chỉ nói trong một tuyên bố rằng đầu đạn giả “rơi vào khu vực biển dự kiến”.
Mặc dù một số nhà phân tích cho rằng Mỹ đã triển khai máy bay trinh sát để theo dõi tên lửa nhưng địa điểm phóng và hạ cánh chính xác vẫn chưa được công bố rộng rãi.
Truyền thông Polynesia của Pháp đưa tin, tên lửa đã rơi gần vùng đặc quyền kinh tế của lãnh thổ Thái Bình Dương thuộc Pháp, cách Hải Nam Trung Quốc hơn 11.000 km (6.800 dặm).
Ông Timothy Wright, nhà nghiên cứu tên lửa tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở London, cho biết cuộc thử nghiệm đã mang lại cho quân đội của ĐCSTQ “cơ hội tuyệt vời” để đánh giá năng lực theo dõi đường bay của tên lửa tầm xa.
“Mạng lưới vệ tinh, trạm mặt đất và tàu theo dõi của Trung Quốc vẫn đang phát triển, tính hiệu quả của khả năng tình báo giám sát và trinh sát (ISR) không gian trong không gian của nước này vẫn còn nhiều nghi vấn,” ông Wright nói về tình báo, giám sát và trinh sát.
Một số nhà phân tích chỉ ra rằng quân đội của ĐCSTQ đã dựa vào một trong những tên lửa đạn đạo liên lục địa cũ hơn là Dongfeng-31 cho cuộc thử nghiệm này. Họ nói rằng việc phóng từ Hải Nam sẽ cho phép quỹ đạo bay của nó về cơ bản tránh được các quốc gia khác.
Một số nhà phân tích cho rằng tên lửa Dongfeng-31 gần Hải Nam nhất được triển khai ở Nghi Tân, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc Đại Lục, cách Hải Nam 1.100 km (684 dặm), do các đơn vị quân đội tên lửa có liên quan đến Hải Nam chỉ huy.
Việc thử nghiệm từ các hầm phóng ở lục địa Bắc Á hoặc từ Bắc Cực ra Bắc Đại Tây Dương sẽ phức tạp hơn về mặt địa lý và ngoại giao.
Hai nhà ngoại giao cho biết, Nhật Bản và Philippines đã được thông báo mảnh vỡ thử nghiệm tên lửa có thể rơi xuống biển, tuy nhiên một số quốc đảo Thái Bình Dương gần bãi đáp chưa được ĐCSTQ thông báo. Tổng thống Cộng hòa Kiribati chỉ trích cuộc thử nghiệm hôm thứ Ba (8/10), nói rằng nước này không nhận được thông báo trước.
Trí Đạt (theo RFI)
Từ khóa Đài Loan Trung Quốc thử tên lửa đạn đạo tại Biển Đông