Bộ trưởng Raimondo: Công nghệ chip Huawei sử dụng còn kém Mỹ nhiều năm
- Hạ Vũ
- •
Hôm Chủ nhật (21/4), Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết chip điện thoại di động Huawei Mate 60 Pro còn kém Mỹ khá nhiều. Bà cũng nói về những hạn chế của Mỹ đối với xuất khẩu chip sang Trung Quốc, cũng như những hạn chế toàn cầu đối với việc Nga tiếp cận chip và công nghệ để sử dụng trong cuộc chiến xâm lược Ukraine.
Do rủi ro an ninh quốc gia, chính quyền Trump năm 2019 đã đưa Huawei vào danh sách hạn chế thương mại của Mỹ. Nhưng tháng 8 năm ngoái, Huawei đã bất ngờ tung ra mẫu điện thoại di động mới sử dụng chip tiên tiến, khiến Mỹ phải cảnh báo.
Chip điện thoại di động Mate 60 Pro của Huawei được những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc coi là biểu tượng của thời kỳ phục hưng công nghệ. Khi Huawei phát hành chiếc điện thoại này là lúc bà Raimondo đang đến thăm Trung Quốc. Mới đây vào Chủ nhật (21/4) trong cuộc phỏng vấn với “60 Minutes” của CBS, bà Raimondo đã phản đối quan điểm đó.
Bà nói: “Điều này cho thấy các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của (Mỹ) đang có hiệu quả, vì con chip (điện thoại Huawei) này lạc hậu hơn vài năm so với chip Mỹ của chúng tôi”; “Chúng tôi có linh kiện bán dẫn tiên tiến nhất thế giới, đó là điều Trung Quốc không bằng”.
Thứ trưởng Thương mại Alan Estevez cho biết, đối tác sản xuất chip cho Huawei là Tập đoàn Sản xuất Chất bán dẫn Quốc tế (SMIC) “có thể” đã vi phạm luật pháp Mỹ. Chính quyền Tổng thống Biden đang xem xét đưa các công ty Trung Quốc vào danh sách đen bị nghi ngờ giúp đỡ Huawei sản xuất chip.
Mỹ dần siết chặt xuất khẩu chip sang Trung Quốc
Chính phủ Mỹ đã nỗ lực trong nhiều năm để ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các chip bán dẫn tiên tiến và các công cụ cần thiết để chế tạo chúng, vì lo ngại điều đó sẽ giúp tăng cường khả năng quân sự của Trung Quốc.
Huawei là tâm điểm của cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung, nhưng các nhà cung cấp của Mỹ trong đó có Intel đã nhận được giấy phép xuất khẩu trị giá hàng tỷ USD để tiếp tục bán cho Huawei. Trong tháng này Huawei đã ra mắt máy tính xách tay trí tuệ nhân tạo (AI) đầu tiên được trang bị chip Intel – vấn đề khiến những người theo đường lối cứng rắn của Đảng Cộng hòa Mỹ dấy lên tức giận.
Khi được hỏi liệu bà có đủ cứng rắn trong một việc lớn như thế này hay không, bà Raimondo nhấn mạnh: “Tôi yêu cầu các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm như bất kỳ ai”. Bà nói với “60 Minutes”: “Họ không thích khi tôi nói với họ rằng họ không thể bán chất bán dẫn cho Trung Quốc, nhưng tôi đã làm như thế”.
Mặc dù các vi mạch cao cấp được sử dụng trong một số sản phẩm tiêu dùng nhưng chúng cũng được sử dụng trong các hệ thống giám sát và vũ khí hạt nhân. Bà Raimondo nói: “Chúng tôi biết họ muốn những con chip này và công nghệ tiên tiến của chúng tôi, mục tiêu để họ phát triển sức mạnh quân sự”.
Vào tháng 10/2022, Mỹ đã thực hiện các biện pháp kiểm soát xuất khẩu để ngăn chặn công nghệ của Mỹ vào Trung Quốc – chủ yếu nhắm vào thiết bị sản xuất chip và bán dẫn tiên tiến, và một năm sau thì Mỹ công bố chi tiết thắt chặt hơn nữa xuất khẩu sang Trung Quốc.
Vào năm ngoái Hà Lan và Nhật Bản áp đặt một số hạn chế xuất khẩu đối với Trung Quốc, bà Raimondo đang gây áp lực buộc họ cũng như Hàn Quốc và Đức hạn chế hơn nữa khả năng tiếp cận công nghệ nước ngoài của Trung Quốc
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Biden một lần nữa nhấn mạnh việc đảm bảo không được xuất khẩu sang Trung Quốc các công nghệ và chip máy tính tiên tiến nhất được phát triển và phát minh ở Mỹ, điều đó nguy hại cho an ninh quốc gia Mỹ. “Chúng không thể được gửi đến Trung Quốc vì điều đó sẽ gây tổn hại đến an ninh quốc gia của chúng tôi”, ông nói. “Khi tôi nói chuyện với ông Tập Cận Bình, ông ấy hỏi ‘Tại sao?’, tôi đáp rằng vì Trung Quốc có những vấn đề áp dụng chúng nên không thể để những con chip máy tính tiên tiến đó vào tay Trung Quốc “.
Tăng cường sản xuất chip tại Mỹ
Mặt khác, 90% chip tiên tiến được sản xuất tại Đài Loan – nơi những năm gần đây không ngừng bị nhà cầm quyền Trung Quốc đe dọa. Bà Raimondo nói: “Đó là một vấn đề. Đó là một rủi ro. Nó khiến chúng tôi dễ bị tổn thương”; “Vì muốn hướng đến nguồn lao động giá rẻ hơn tại châu Á để giảm chi phí, chúng tôi đã khiến hoạt động sản xuất ở quốc gia này (Mỹ) suy giảm, hiện giờ chúng tôi mới rơi vào tình cảnh này”; “Chúng tôi [trước đây] chỉ theo đuổi lợi nhuận chứ không phải an ninh quốc gia”.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ Thương mại Mỹ chịu trách nhiệm cấp các khoản tài trợ và cho vay trị giá hơn 100 tỷ USD để thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn trong nước ở Mỹ, đồng thời tập hợp các đồng minh để hạn chế tham vọng của Trung Quốc sản xuất chip và thúc đẩy công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Tháng trước, bà Raimondo đã công bố tại Arizona rằng giải nhất dành cho chip tiên tiến sản xuất tại Mỹ sẽ được trao cho Intel. Chính quyền Tổng thống Biden cho biết họ sẽ cung cấp cho Intel khoản tài trợ trực tiếp lên tới 8,5 tỷ USD và khoản vay 11 tỷ USD để xây dựng các cơ sở sản xuất chip máy tính ở Arizona, Ohio, New Mexico và Oregon.
Bà cũng trao hai ưu đãi khác với tổng trị giá 13 tỷ USD cho TSMC của Đài Loan và Samsung của Hàn Quốc để sản xuất chip tiên tiến nhất tại các cơ sở ở Arizona và Texas.
Cuộc chiến chip căng thẳng hơn sau chiến tranh Nga – Ukraine
Bà Raimondo cho hay, cuộc chiến chip toàn cầu ngày càng gay gắt từ sau năm 2022 khi chiến chiến Nga – Ukraine nổ ra. Bộ Thương mại Mỹ đã mở rộng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu để ngăn chặn việc bán cho Nga công nghệ bán dẫn của Mỹ được sử dụng trong máy bay không người lái, tên lửa và xe tăng.
Tại phiên điều trần quốc hội năm 2022, bà Raimondo cho biết trong thiết bị quân sự của Nga đã bắt đầu sử dụng chip dùng trong máy rửa chén và tủ lạnh. Cuộc chiến xâm lược Ukraine của Nga đã qua hơn hai năm, người Nga vẫn đang cố gắng giải quyết vấn đề chip phục vụ cuộc chiến này.
Bà Raimondo nói: “Việc kiểm soát xuất khẩu của chúng tôi thực sự làm tổn hại đến khả năng chiến đấu của họ (Nga), khiến cuộc chiến tranh xâm lược của họ trở nên khó khăn hơn”; “Từng phút mỗi ngày, chúng tôi đang làm mọi thứ có thể để thực thi điều này [kiểm soát xuất khẩu đối với Nga]”.
Từ khóa Huawei Mate 60 Pro Huawei chip Trung Quốc Gina Raimondo Ngành chip Trung Quốc công ty chip Trung Quốc