Bộ trưởng Y tế Mỹ đăng video chỉ trích WHO nhượng bộ Bắc Kinh
- Bình Minh
- •
Ông Robert F. Kennedy Jr., Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ (HHS), chỉ trích Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không hoàn thành nhiệm vụ trong thời kỳ đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), và cáo buộc tổ chức này đã nhượng bộ Bắc Kinh, WHO đã phủ nhận những điều này.
Hội nghị Y tế Thế giới lần thứ 78 đã khai mạc hôm thứ Hai (19/5) tại Geneva, với sự tham gia của 194 quốc gia thành viên. Thứ Ba (20/5), hội nghị đã phát một video mạnh mẽ của ông Kennedy, trong đó ông trực tiếp phát biểu trước các quan chức y tế toàn cầu và mô tả WHO là một tổ chức cồng kềnh và đang trên bờ vực sụp đổ.
WHO là một tổ chức chuyên môn tập trung vào các vấn đề y tế quốc tế, hoạt động dưới sự giám sát của Liên Hợp Quốc. Hoa Kỳ từng là quốc gia tài trợ lớn nhất cho WHO.
Mỹ chiếm khoảng 18% tổng ngân sách của WHO. Ngân sách 2 năm gần đây nhất của WHO cho giai đoạn 2024-2025 là 6,8 tỷ USD.
Vào ngày đầu tiên khi quay trở lại Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã tuyên bố Hoa Kỳ rút khỏi WHO, khiến tổ chức này phải đối mặt với một lỗ hổng ngân sách lớn, buộc phải tiến hành cải cách tại hội nghị lần này để giải quyết vấn đề tài chính.
Ông Kennedy cho biết, cả Tổng thống Trump và ông đều cho rằng hợp tác y tế toàn cầu là điều thiết yếu, nhưng sự thất bại trong ứng phó với đại dịch COVID-19 cho thấy quá trình hợp tác dưới sự lãnh đạo của WHO không mang lại hiệu quả.
Ông kêu gọi các Bộ trưởng Y tế và WHO coi việc Hoa Kỳ rút lui là một lời cảnh tỉnh. Kêu gọi thành lập tổ chức mới thay thế WHO, Bộ trưởng Y tế Mỹ cho biết: “Chúng tôi đã liên hệ với các nước có cùng quan điểm và chúng tôi khuyến khích các nước khác cân nhắc tham gia cùng chúng tôi.”
Theo Reuters, video của ông Kennedy đã được phát trực tiếp tại hội nghị của WHO. Hầu hết các nhà ngoại giao cùng các bộ trưởng đã theo dõi trong im lặng, không phản ứng ngay lập tức.
Like many legacy institutions, the WHO has become mired in bureaucratic bloat, entrenched paradigms, conflicts of interest, and international power politics. While the United States has provided the lion’s share of the organization’s funding historically, other countries such as… pic.twitter.com/VvWbVBkb6M
— Secretary Kennedy (@SecKennedy) May 20, 2025
Trước đây Chính quyền Trump đã cáo buộc WHO ứng phó kém với đại dịch và có quan hệ quá gần gũi với Bắc Kinh. Trong bài phát biểu, ông Kennedy chỉ trích WHO đang “sa lầy trong sự phình to của bộ máy quan liêu, mô hình cố hữu, xung đột lợi ích và chính trị quyền lực quốc tế”.
“Chúng ta không phải chịu đựng những giới hạn của một WHO đang hấp hối, hãy tạo ra các tổ chức mới hoặc xem xét lại tổ chức hiện có theo cách tinh gọn, hiệu quả, minh bạch và có trách nhiệm,” ông Kennedy phát biểu.
Ông nói rằng từ lâu Hoa Kỳ đã cung cấp phần lớn ngân sách cho WHO, nhưng các quốc gia như Trung Quốc lại có ảnh hưởng không phù hợp đến hoạt động của tổ chức này, đặt lợi ích riêng lên trên phúc lợi cộng đồng toàn cầu.
Ông Kennedy đặc biệt nhắc đến đại dịch COVID-19, cho rằng các chính sách của WHO đầy thất bại và cáo buộc tổ chức này đã đầu hàng Bắc Kinh.
Ông nói dưới áp lực từ Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc – ĐCSTQ), WHO đã che giấu báo cáo vào thời điểm then chốt khi virus lây truyền từ người sang người, và hợp tác với Bắc Kinh lan truyền các tin đồn rằng virus bắt nguồn từ dơi hoặc tê tê, thay vì từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán do Chính phủ Trung Quốc tài trợ.
Ông cho biết WHO không chỉ khuất phục trước áp lực chính trị từ phía Trung Quốc mà còn không duy trì được các đặc điểm tổ chức minh bạch và công bằng. WHO thường hành động như thể đã quên rằng các quốc gia thành viên phải chịu trách nhiệm trước công dân của họ, chứ không phải trước các tập đoàn đa quốc gia hay các lợi ích doanh nghiệp.
Ông nhận định dưới sự lãnh đạo của WHO, hợp tác y tế toàn cầu đã không đạt hiệu quả. Những thất bại trong thời kỳ COVID-19 cho thấy WHO vẫn chưa đối mặt với những sai lầm của mình, càng không nói đến việc cải cách thực sự. Ngược lại, tổ chức này còn thúc đẩy mạnh hơn các hiệp định về đại dịch, tiếp tục củng cố các thiếu sót trong phản ứng của mình.
Chỉ vài giờ trước bài phát biểu của ông Kennedy, vào ngày 20/5, các quốc gia thành viên WHO đã thông qua một “Hiệp định đại dịch”, nhằm nâng cao năng lực ứng phó với các đại dịch trong tương lai.
Việc đạt được “Hiệp định Đại dịch” được xem là một bước đột phá lớn trong hệ thống quản trị y tế công cộng toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã bộc lộ rõ sự thiếu phối hợp nghiêm trọng trong công tác phòng chống dịch trên toàn cầu.
Đại dịch này đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người và gây ra thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế thế giới. Hiệp định mới nhấn mạnh việc tăng cường chia sẻ thông tin, cảnh báo sớm và cơ chế phản ứng nhanh nhằm ngăn chặn các cuộc khủng hoảng tương tự tái diễn.
Một trong những mục tiêu cốt lõi của “Hiệp định Đại dịch” lần này là đảm bảo rằng trong các đại dịch tương lai, mọi quốc gia đều có quyền tiếp cận bình đẳng với vắc-xin, thuốc điều trị và bộ dụng cụ xét nghiệm. Đây cũng chính là vấn đề gây bất mãn lớn trong các nước đang phát triển trong thời kỳ COVID-19, khi họ bị loại khỏi cuộc chơi do các nước giàu tích trữ vắc-xin.
Mặc dù hiệp định nhận được sự ủng hộ của phần lớn các quốc gia thành viên, nhưng Hoa Kỳ lại có thái độ chỉ trích và đã rút khỏi quá trình đàm phán vào giai đoạn cuối. Bộ trưởng Y tế Mỹ Robert F. Kennedy Jr. phát biểu qua video cho rằng, hiệp định không giải quyết được các vấn đề của WHO vốn đã lộ rõ khi ứng phó với COVID-19, đồng thời kêu gọi các quốc gia khác xem xét làm theo Hoa Kỳ, rút khỏi WHO.
Ông nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ sẽ không tiếp tục tham gia WHO nữa, mà cần khởi động lại toàn bộ hệ thống.
Ông cũng nói thêm, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tập trung vào phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm và đại dịch, đồng thời chuyển hướng sang giải quyết các bệnh mãn tính phổ biến trong nước, nhằm tái định hướng các ưu tiên của ngành y tế.
Từ khóa Robert F. Kennedy Jr. WHO COVID-19
